Ăn bột làm nhừ thực phẩm sẽ ủ bệnh mãn tính

,
Chia sẻ

Bột làm nhừ thực phẩm được dùng để rút ngắn thời gian đun nấu cho các nhà hàng, quán ăn bình dân. Nếu thường xuyên ăn tạp chất này sẽ có nguy cơ ủ các bệnh mãn tính về sau.

Tràn lan bột nhừ không rõ nguồn gốc

Tại các quầy đồ khô của các chợ đầu mối lớn như Long Biên, Đồng Xuân hoặc các chợ dân sinh nhỏ hơn như chợ Mơ, chợ Bưởi, chợ Cầu Giấy, chợ Ngô Sỹ Liên, tìm mua bột nhừ không khó.

Giá các loại bột nhừ này rất rẻ, chỉ với 30.000 ngàn đồng có thể mua được 1 kg mà theo người bán hàng, 1 kg có thể dùng liên tục trong nửa tháng.

Giá bộ nhừ rẻ như vậy nhưng tác dụng của nó đối với thực phẩm thì thấy rất rõ.

“Chúng tôi bán phở lâu năm rồi, cần sử dụng bột nhừ để xương nhanh mềm, tiết kiệm nhiên liệu và rút ngắn thời gian đun nấu để có thêm thời gian phục vụ khách. Mỗi nồi nước phở to, có thể chỉ cho nửa muỗng xới cơm bột nhừ vào thì thời gian đun nấu sẽ giảm được khoảng 2/3”, đây là tiết lộ của một chủ quán phở trên phố Huế.

Điều đáng nói là những loại bột nhừ trên thị trường hiện nay hầu như không ghi rõ tên gọi, xuất xứ. Khi mua bột nhừ, thứ khách hàng nhận được là một bọc nilon chứa bột trắng, ngoài vỏ ghi độc 2 chữ: Cần sủi.

Người bán hàng thường “gia cố” thêm lòng tin cho khách bằng cách giải thích: “Bột nhừ là cách gọi ở Việt Nam, ở Trung Quốc gọi là cần sủi, cứ yên tâm mà dùng”.

Khi hỏi sâu hơn, các chủ ki ốt bán hàng đều cho biết đây là bột nhừ đã được đóng gói nhỏ sau khi mua bột nhừ bằng bao tải từ Trung Quốc về. Khi xem các vỏ bao bì này thấy rặt chữ Trung Quốc, không có phiên bản tiếng Việt ghi cơ sở sản xuất, ngày sản xuất, hạn sử dụng và thành phần cũng như hướng dẫn sử dụng.

Bột làm nhừ thức ăn không có nhãn mác được bán tràn lan, không kiểm định, không ai biết độ an toàn đến đâu

Bột nhừ công nghiệp dùng bừa cho thực phẩm!

PGS.TS Trịnh Lê Hùng, Công tác tại khoa Công nghệ Hóa học, ĐHKHTN (ĐHQGHN) cho biết ông đã từng thử nghiệm sơ bộ thành phần các chất trong một số túi “cần sủi” như trên.

Kết quả cho thấy: Có đến hơn 90% thành phần cần sủi là thuốc muối, 10% còn lại chưa rõ là chất gì nhưng nhiều khả năng là tạp chất.

Với cơ cấu thành phần như trên, PGS Trịnh Lê Hùng cho biết đây là loại bột nhừ dùng trong công nghiệp.

“Bột nhừ dùng trong thực phẩm có độ tinh khiết lên đến 99%, và chỉ sử dụng 45g/kg thực phẩm. Nếu sử dụng với liều lượng lớn như các quán ăn hay làm thì bột nhừ công nghiệp sẽ khiến thực phẩm biến chất, người ăn sẽ cảm thấy đắng chát. Nếu thường xuyên ăn tạp chất này sẽ có nguy cơ ủ các bệnh mãn tính về sau”, ông Hùng nói.

Mặt khác, theo ông Hùng, bột nhừ chính hiệu bản chất là các enzim tiêu hóa, được sử dụng để làm mềm thức ăn nhanh nhưng rất khó sản xuất đại trà và giá không hề rẻ.

“Tôi chưa bao giờ nghĩ bột nhừ thật lại có giá 30.000đồng/kg. Ở Việt Nam chưa sản xuất được bột nhừ chính hiệu, nếu nhập về và bán thì giá phải lên đến hàng triệu đồng/kg”, ông Hùng nhấn mạnh.

Nên sử dụng các quả có sẵn để làm mềm thực phẩm

PGS Hùng cho biết: “Trong tự nhiên hiện có rất nhiều loại hoa quả ngoài việc ăn trực tiếp như một nguồn dinh dưỡng bổ sung thì chúng còn có khả năng làm mềm thực phẩm nhanh không kém các loại enzim thực sự”.

Dứa là một lựa chọn hàng đầu. Thheo ông Hùng, dứa có chứa bromelin - một enzim thủy phân protid rất mạnh, nếu dùng cho thực phẩm có thể chặt đứt các liên kết giữa các phân tử thức ăn, khiến thức ăn mềm nhanh, giòn hơn. Sau khi chế biến thức ăn xong, có thể thái dứa thành từng lát nhỏ rồi ướp cùng thực phẩm (xương, thịt bò, …) để thực phẩm nhanh mềm, không dai.

Dứa là lựa chọn hàng đầu để làm mềm thức ăn. Cách này vừa rẻ, lại vừa an toàn.

“Các tế bào trong dứa khi gặp thực phẩm sẽ cắt đứt các liên kết trong thực phẩm thành từng đoạn nhỏ. Do đó, ngoài khả năng làm mềm, khi ăn người ăn cũng thấy thực phẩm giòn hơn, ngon hơn”, ông Hùng giải thích.

Ông khuyến cáo: “Người tiêu dùng không nên lạm dụng những chất làm sẵn trên thị trường vì khó kiểm soát thành phần cũng như độ an toàn của chúng. Thay vì thế, chịu khó một chút để tự làm mềm thực phẩm vừa an toàn, vừa rẻ, vừa ngon hơn”.

Ngoài ra, ông Hùng cũng lưu ý người tiêu dùng không nên ăn uống ở những hàng quán không đảm bảo (thường là các quán ăn bình dân), nên ăn ở những quán quen, có độ tin tưởng nhất định. Cách tốt nhất là mang bữa trưa từ nhà đến văn phòng để tránh tiếp xúc với hóa chất độc hại trong thực phẩm.

Ngọc Anh

Chia sẻ