9 thắc mắc thường gặp khi cho con bú

,
Chia sẻ

Bạn muốn nuôi bé bằng nguồn sữa mẹ quí giá nhưng cũng băn khoăn không biết điều này có làm đôi bồng đảo xấu đi? Ngực quá nhỏ có ảnh hưởng tới lượng sữa?

Xem ảnh lớn1. Sữa mẹ về ngay sau khi sinh

Đúng. Và trong 2 - 4 ngày đầu này, dù bạn còn mệt và bé bú mẹ chưa thạo nhưng hãy cố gắng cho bé bú sữa non - chất lỏng có màu vàng nhạt này rất giàu chất đạm cũng như các kháng thể, vitamin A và bạch cầu. Bé của bạn sẽ rất thiệt thòi nếu không được bú nguồn sữa này đấy!

2. Lượng sữa tỉ lệ thuận với kích cỡ bầu ngực

Sai. Kích thước của ngực không ảnh hưởng gì tới lượng sữa cho bé bú cả. Bởi ngực to hay nhỏ là do các mô mỡ quyết định, trong khi ấy, sữa lại được sản xuất nhờ các tuyến sữa.

Ngoài ra, lượng sữa tiết ra ở các bà mẹ không giống nhau. Và ở cùng một người mẹ, sữa tiết ra cũng không đều giữa bầu ngực này với bầu ngực kia, hay khác nhau vào buổi sáng so với buổi tối, ngày hôm qua so với ngày hôm qua.
bume.jpg
Việc bạn cho bé bú đều đặn sẽ tạo ra một loại hormone kích thích tuyến sữa hoạt động mạnh (do cho bé bú cũng là sự giao lưu tình cảm giữa mẹ và con)

3. Đôi gò bồng đảo mất “phom” vì cho con bú

Sai. Nhiều phụ nữ lo ngại việc cho bé bú sẽ làm ngực họ xấu đi và chảy xệ. Tuy nhiên, mối lo ấy là hoàn toàn không có cơ sở. Vì những thay đổi về kích thước bầu ngực xảy ra trong quá trình mang thai chứ không phải khi cho con bú.

Để giữ vẻ đẹp của ngực trong giai đoạn này, bạn cũng nên chú ý đến một số vấn đề sau: thứ nhất là không để tăng cân quá mạnh khi mang bầu (chỉ tăng từ 10 - 12kg); thứ hai là xoa bóp bầu vú của bạn với chút dầu ôliu hoặc dầu hoa anh thảo để thư giãn và làm mềm mại bầu ngực; thứ ba là cai sữa cho em bé từ từ; thứ 4 là khi cho bé bú, không nên để bé vừa ngậm đầu ti vừa ngủ…

4. Sữa mẹ tốt nhất cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Đúng. Sữa mẹ có ít nhất 60 loại enzym với thành phần hoàn hảo các chất dinh dưỡng vi lượng và đa lượng mà không một loại sữa bột nào trên thị trường có được. Hơn nữa, trong 1ml sữa mẹ có khoảng 4.000 tế bào sống hoạt động, cung cấp một lượng lớn các hormone và yếu tố tăng trưởng… Vì thế, hãy cố gắng cho con bạn được hưởng nguồn sữa quí giá này ít nhất trong 4 - 6 tháng sau khi bé chào đời.

5. Cho bé bú đều đặn để tăng tiết sữa

Đúng như vậy. Việc bạn cho bé bú đều đặn sẽ tạo ra một loại hormone kích thích tuyến sữa hoạt động mạnh (do cho bé bú cũng là sự giao lưu tình cảm giữa mẹ và con). Vì thế, bạn sẽ tiết ra nhiều sữa hơn và không sợ bị mất sữa.

Tuy nhiên, đôi khi bạn mệt mỏi hay bị stress thì sữa cũng sẽ giảm dù bé vẫn bú đều. Trong trường hợp ấy, cần nghỉ ngơi điều độ và ăn uống đầy đủ, sẽ nhanh hồi sữa.

6. Giúp giảm cân nhanh sau sinh

Đúng vậy. Người phụ nữ cho con bú sẽ giảm cân nhanh hơn và trở về vóc dáng cũ nhanh hơn so với người phụ nữ cho con bú bình, vì cho con bú đốt cháy khoảng 1.000 kcal mỗi ngày và giúp tử cung nhanh co. Song, số cân nặng giảm không giống nhau ở các bà mẹ cho con bú.

7. Đôi khi, sữa tiết ra không đủ “thỏa mãn” bé

Đúng thế. Với nhiều bé háu ăn, sữa mẹ tiết ra đôi khi không làm bé no ngay lập tức được. Vì thế, khi cho con bú, bạn cần nạp nhiều năng lượng cho cơ thể hơn. Tốt nhất nên duy trì một chế độ ăn uống đa dạng với nhiều loại thực phẩm khác nhau để đủ sức nuôi con và bảo vệ sức khoẻ của bạn. Ngoài ra, các bà mẹ không cần thiết phải uống thêm sữa trong thời kì này mà chỉ cần uống nhiều nước. Nên nghỉ ngơi nhiều vì khi mới cho con bú, bạn sẽ cảm thấy rất mệt mỏi.

Thời gian lý tưởng cho mỗi lần bú là từ 10 - 15 phút. Nếu lần này bé đã bú vú phải thì lần sau nên cho bé bú vú trái, để hai bầu vú tiết sữa đều. Nếu cảm thấy bé còn đói, nên cho bé bú thêm. Và một cách rất hay để nhận biết bé đã no hay chưa là ngay sau khi bú xong, bé ngủ khì.

8. Cho con bú là biện pháp tránh thai sau sinh

Không hoàn toàn như vậy. Sau khi sinh, nếu bạn cho con bú thường xuyên thì xác suất có thai là 10%. Tuy vậy, việc cho bé bú mẹ hoàn toàn sẽ làm cho chu kì nguyệt san của bạn khởi động lại chậm hơn. Bởi theo các chuyên gia, quá trình cho con bú đã kìm hãm quá trình kích thích các hóc môn làm rụng trứng.

Bú mẹ là một biện pháp tránh thai hiệu quả khi nó đủ các điều kiện sau: bạn nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong suốt 6 tháng đầu (không dùng bất kì một loại thức ăn ngoài nào); khoảng thời gian giữa 2 lần bú kề nhau không quá 6 tiếng; bé không dùng núm vú giả.

9. Không cho bé bú nữa khi bạn bị đau đầu ti

Sai.  Khi thấy bé bú làm bạn đau có nghĩa là vị trí bé ngậm đầu ti không đúng. Ngay lập tức, bạn cần thay đổi tư thế bú của bé. Tốt nhất bạn nên nhờ các bà mẹ đã nuôi con mọn tư vấn về việc cho bé bú đúng cách.

Ngoài ra, nếu bị đau quá, bạn có thể tạm dừng cho bé bú ở bên ngực bị đau, để tránh hiện tượng nút cổ gà. Lúc đó, bạn có thể vắt sữa bằng tay hoặc dùng dụng cụ vắt sữa và cho bé bú bình tạm trong vài ngày. Khi vắt sữa, bạn nên vân vê đầu ti để sữa xuống nhanh và không làm mất sữa.

Theo Dân trí

Chia sẻ