5 điều lầm tưởng về bệnh hôi miệng

,
Chia sẻ

Bạn nghĩ có thể phân biệt được mùi hơi thở của mình bằng cách dùng một bàn tay đồng thời che mũi và miệng rồi hà hơi. Nhưng bạn không thể đánh giá được mùi hơi thở của riêng mình bởi vì bạn đã quá quen với nó.

1. Mọi người có thể tự phát hiện hơi thở của mình có mùi hôi một cách dễ dàng

Điều này hoàn toàn sai. Nhiều người tin rằng họ có thể phân biệt được mùi hơi thở của riêng họ bằng cách dùng một bàn tay đồng thời che mũi và miệng rồi hà hơi. Nhưng thật không may là chúng ta không thể đánh giá được mùi hơi thở của riêng mình bởi vì chúng ta đã quá quen với nó.

Bên cạnh đó, trong nhiều trường hợp, chỉ khi nói chuyện hơi thở của chúng ta mới có mùi hôi. Điều này là do mùi hôi miệng thường được sản sinh nơi cuống lưỡi và chỉ thoát ra khỏi miệng khi chúng ta nói.

Một trong những cách kiểm nghiệm mùi hơi thở là nhờ một người bạn thân hoặc người nhà bạn ngửi giúp. Còn nếu bạn thấy cách này bất tiện, hãy lấy một miếng bông hoặc gạc mềm lau lên thân lưỡi. Sau đó ngửi mùi bạn thu được.

Một cách đánh giá mùi hơi thở chính xác hơn được thực hiện bởi nha sỹ bằng cách sử dụng máy đo hôi miệng có tên gọi Halimeter. Bệnh nhân hà hơi vào một cái ống được gắn với máy Halimeter và máy sẽ đo lượng hợp chất lưu huỳnh dễ bay hơi, tác nhân của mùi hôi, có trong hơi thở.
 

2. Mùi hôi thoát ra từ dạ dày

Một điều lầm tưởng hay gặp là mùi hôi sinh ra từ dạ dày. Trong khi chỉ có một số ít người mắc bênh hôi miệng do có các bệnh liên quan đến dạ dày và hệ tiêu hóa, thì phần lớn mắc bệnh hôi miệng do vi khuẩn và mảng bám thức ăn trú ngụ ở cuống lưỡi sinh ra các hợp chất lưu huỳnh có mùi hôi.

3.Vệ sinh răng miệng sạch sẽ làm giảm thiểu bệnh hôi miệng

Chế độ vệ sinh răng miệng sạch sẽ gồm có chải răng và làm sạch các kẽ răng bằng chỉ nha khoa giúp giảm thiểu bệnh hôi miệng. Tuy nhiên, đa số chúng ta không chải răng đúng cách.

Phải mất gần 3 phút để chải sạch bề mặt răng một cách hoàn toàn, trong khi đó đa số chúng ta chỉ dành 30 đến 45 giây cho mỗi lần chải răng. Kết quả là các vi khuẩn vẫn ngang nhiên sinh sôi trên bề mặt răng tạo ra các hợp chất lưu huỳnh dễ bay hơi có mùi khó chịu.

Có thể là chúng ta đã chải răng và làm sạch răng bằng chỉ nha khoa đúng cách, tuy nhiên vẫn chưa giảm thiểu được bệnh hôi miệng. Nguyên nhân do các vi khuẩn tạo mùi hôi thường ẩn nấp sâu bên trong các kẽ hở trên bề mặt lưỡi, dưới sự bảo vệ của một lớp màng nhầy và protein. Làm sạch lưỡi bằng bàn chải lưỡi hoặc dụng cụ cạo lưỡi có thể lấy đi lớp màng nhầy này, giúp bạn có một hơi thở thơm tho, tươi mát.

4. Nước súc miệng hiệu quả trong việc điều trị bệnh hôi miệng

Mọi người tin rằng nước súc miệng có thể điều trị bệnh hôi miệng. Nhưng thật không may là hầu hết các sản phẩm nước súc miệng thong thường chỉ tạm thời át mùi hôi và không có tác dụng chữa bệnh hôi miệng.

Thực tế là hầu hết các loại nước súc miệng còn sinh ra mùi hôi bởi vì chúng có chứa nhiều cồn, gây khô miệng. Vi khuẩn tạo mùi hôi phát triển dễ dàng hơn trong điều kiện miệng khô.

Một dòng sản phẩm nước súc miệng mới chứa clo điôxít rất hiệu quả trong việc điều trị bệnh hôi miệng. Clo điôxít tấn công các hợp chất có mùi hôi, đặc biệt là các hợp chất bay hơi chứa lưu huỳnh.

5. Cần có một chế độ ăn hợp lý để phòng tránh bệnh hôi miệng

Mùi hôi tạm thời có nguyên nhân là do thực phẩm chúng ta ăn. Nhiều loại thực phẩm như hành, tỏi và bắp cải chứa lượng lớn hợp chất lưu huỳnh. Khi những thực phẩm này được tiêu hóa, hợp chất lưu huỳnh được thẩm thấu vào mạch máu và được vận chuyển đến phổi. Tại đây, hợp chất lưu huỳnh được đẩy ra khi chúng ta thở khiến hơi thở có mùi hôi.

Bệnh hôi miệng kinh niên không phải do thức ăn gây ra mà do vi khuẩn trong miệng sinh ra từ các mảng bám thức ăn tạo hợp chất lưu huỳnh có mùi hôi. Chúng ta không cần thay đổi chế độ dinh dưỡng mà chỉ cần giảm số lượng vi khuẩn gây mùi hôi trong miệng. Điều này có thể thực hiện bằng cách chải răng, làm sạch răng bằng chỉ nha khoa và cạo lưỡi.
 
H.M (Theo SYM)
Chia sẻ