3 nhóm bệnh truyền nhiễm trẻ hay mắc khi thời tiết chuyển mùa

,
Chia sẻ

Vào thời điểm chuyển mùa, các bé có thể bị hơn 100 loại virus tấn công, trong đó nguy hiểm nhất là tình trạng nhiễm mắc các bệnh truyền nhiễm.

Hiện nay, nhiều bà mẹ không hiểu rõ việc phòng ngừa bệnh tật cho trẻ, do đó trẻ dễ dàng nhiễm bệnh.
 
3 nhóm bệnh truyền nhiễm trẻ hay mắc khi thời tiết chuyển mùa 1
Khi thời tiết chuyển mùa, cha mẹ nào cũng lo con mắc rất nhiều loại bệnh.

Vì sao trẻ hay bị ốm khi chuyển mùa?

Có thể nói, các bệnh chủ yếu nhất hay gặp ở trẻ em khi chuyển mùa là: các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, bệnh nhiễm khuẩn đường tiêu hóa và bệnh sốt xuất huyết.

Vào thời điểm giao mùa, độ ẩm trong không khí tăng là một trong những điều kiện khiến cho vi khuẩn sinh sôi nhiều hơn. Hơn nữa, nhiệt độ giữa ban ngày và ban đêm có sự chênh lệch... nên làm suy giảm khả năng đề kháng của trẻ trước sự tấn công của vi khuẩn. Khi cơ thể nhiễm lạnh, đường hô hấp trên bị tổn thương gây ra viêm mũi, viêm họng, viêm xoang… từ đó nhiễm khuẩn lan xuống dưới gây viêm phế quản, viêm phổi.

Những bệnh truyền nhiễm điển hình trẻ hay mắc khi chuyển mùa bố mẹ cần biết

Bệnh đường hô hấp:

Trong các siêu vi đường hô hấp, hay gặp hơn cả là siêu vi INFLUENZAE và APC. Trên thực tế, cả cảm cúm và viêm họng đều dẫn tới các biến chứng hô hấp, chủ yếu là viêm phế quản và viêm phổi, gọi chung là nhiễm khuẩn đường hô hấp.

Triệu chứng của bệnh này là trẻ bị sổ mũi, nghẹt mũi, ho, có đàm, thở khò khè, có trẻ thở rất khó. Nguyên nhân là do các siêu vi nói trên đã đột nhập vào mũi, họng của trẻ, rồi xuống phế quản, xuống phổi. Trong nhiều trường hợp, một số vi khuẩn khác cũng nhân cơ hội đó tấn công vào bộ máy hô hấp, làm cho bệnh nặng thêm, thậm chí dẫn đến biến chứng và tử vong.
 
3 nhóm bệnh truyền nhiễm trẻ hay mắc khi thời tiết chuyển mùa 2
Giao mùa cũng là thời điểm phát triển của các tác nhân gây bệnh đường tiêu hóa.

Bệnh đường tiêu hóa: bao gồm tiêu chảy, kiết lỵ, sốt thương hàn:

Ngoài ra, trẻ cũng hay mắc các bệnh về đường tiêu hóa khi chuyển mùa. Gây bệnh tiêu chảy chủ yếu là các vi khuẩn E.COLI, CAMPYLOBACTER và siêu vi ROTAVIRUS; gây kiết lỵ là các vi khuẩn SHIGELLA, ký sinh trùng AMIBE; các vi khuẩn SALMONELLA là thủ phạm gây ra bệnh sốt thương hàn, cũng là một vi khuẩn thuộc đường tiêu hóa. Các loại bệnh này (tiêu chảy, kiết lỵ, sốt thương hàn) được gọi chung là nhiễm khuẩn đường tiêu hóa.

Tiêu chảy là đi tiêu trên 4 lần trong ngày, phân ra nước. Tình trạng mất nước này làm cơ thể suy sụp rất nhanh nếu không được xử lý kịp thời.

Kiết lỵ là đi tiêu nhiều lần trong ngày nhưng phân ít, kèm theo đàm, máu. Người bệnh thường bị đau bụng, mót rặn luôn luôn, vật vã, suy kiệt nhanh.
Sốt thương hàn cũng là một bệnh rất nguy hiểm: bệnh gây sốt liên miên, kéo dài nhiều ngày, dần dần làm cho trẻ trở nên lừ đừ, vật vã, và tiến tới hôn mê hoàn toàn...

Bệnh sốt xuất huyết:

Đây là căn bệnh vô cùng nguy hiểm. Trẻ đang ăn chơi bình thường, đột nhiên sốt rất cao, không có thuốc hạ nhiệt nào hay một loại kháng sinh nào có thể trị khỏi. Bệnh lại có thể gây xuất huyết ở nhiều nơi: nhẹ thì chảy máu cam, chảy máu răng, nặng thì nôn ói ra máu, tiêu tiểu ra máu, rồi xuất huyết dưới da...; nặng nữa thì bị một biến chứng gọi là sốc: trẻ trở nên lừ đừ, chân tay lạnh ngắt, mạch yếu... Tất cả tiến triển của bệnh chỉ diễn ra trong khoảng một tuần. Tuy nhiên, việc phòng bệnh lại hoàn toàn có thể thực hiện được nếu cha mẹ biết cách.

Để bảo vệ sức khỏe cho trẻ trong thời gian này, cha mẹ cần lưu ý những biện pháp sau đây:

- Giữ ấm cho trẻ.
- Vệ sinh môi trường thường xuyên, lau chùi các vật dụng, đồ chơi của trẻ. Ngoài ra, giữ nhà cửa gọn gàng sạch sẽ để tránh muỗi phát sinh và đốt trẻ.
- Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ.
- Tiêm phòng cho trẻ đầy đủ.
- Vệ sinh cá nhân cho trẻ thường xuyên bằng cách tạo cho trẻ thói quen tắm, rửa tay với xà phòng diệt khuẩn. Việc rửa tay với xà phòng diệt khuẩn cần được thực hiện đầy đủ trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh, chơi đồ chơi hoặc tiếp xúc với những người có dấu hiệu bị các bệnh nói trên…

Chia sẻ