23/8 Giao lưu trực tuyến: 9 tháng mang bầu khỏe mạnh

H. N,
Chia sẻ

Để giúp các mẹ hiểu thêm những rắc rối và nguy cơ có thể gặp trong thời kì mang, ngày 23/8/2011, aFamily.vn sẽ tổ chức buổi Giao lưu trực tuyến với chủ đề: 9 tháng mang bầu khỏe mạnh.

Trở lại chuyện một sản phụ ở Hà Nội sau khi mổ sinh tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã bị hôn mê sâu và tử vong sau đó 2 ngày hồi tháng 5/2011, rồi chuyện một sản phụ khác ở Chương Mỹ, Hà Nội kiện bác sĩ của bệnh viện phụ sản TƯ đã tiêm nhầm thuốc khiến chị sinh non và sức khỏe em bé không được đảm bảo hồi tháng 7/2011 đã khiến không ít các mẹ đang và có ý định mang thai vô cùng lo lắng.

Ở đây chưa nói đến chuyện có sự nhầm lẫn của các bác sĩ hay không, nhưng trước hết phải nói đến sức khỏe của mẹ và của bé, sau đó là nói đến những rủi ro mà hai mẹ con có thể gặp trong suốt kì mang thai.

Theo kinh nghiệm của các bác sĩ thì để “mẹ tròn con vuông”, chị em khi mang thai không nên chủ quan bỏ qua một số xét nghiệm trước và trong khi mang thai. Những xét nghiệm này có thể giúp chị em biết về tình trạng sức khỏe của hai mẹ con cũng như những rủi ro bệnh tật có thể mắc phải.
 

Trong quá trình mang thai, sức đề kháng của cơ thể mẹ giảm hơn bình thường. Lúc này hệ miễn dịch tập trung bảo vệ thai nhi nên cơ thể mẹ dễ mắc bệnh hơn. Các mẹ có thể dễ gặp một số nguy cơ bệnh lý như tiền sản giật, bệnh tim, tiểu đường…

- Tiền sản giật: Tiền sản giật là bệnh lý nhiễm độc thai thường gặp, chiếm tỉ lệ 6-8% số phụ nữ mang thai và 85% trường hợp xảy ra trong lần mang thai đầu tiên. Những biểu hiện của tiền sản giật là cao huyết áp, phù mặt, phù tay chân và nước tiểu có nhiều đạm.

Thai phụ có bệnh lý tiền sản giật cần được theo dõi chặt chẽ và được kê thuốc điều trị. Bởi nếu không được điều trị có thể dẫn tới biến chứng như rau bong non (sinh non), phù phổi, xuất huyết não, rối loạn tâm thần cho mẹ hoặc tử vong. Cho đến nay các bác sĩ vẫn chưa có thuốc đặc trị và phòng ngừa cho bệnh này bởi chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ra tiền sản giật ở thai phụ.

- Tiểu đường: Để xác định có bị tiểu đường hay không, thai phụ cần làm các xét nghiệm máu và nước tiểu theo chỉ định của bác sĩ. Nếu thai phụ có bệnh tiểu đường trước đó thì phải được điều trị ổn định đường huyết rồi mới nên có thai. Người mẹ bị tiểu đường khi mang thai sẽ có thể khiến trẻ sinh ra có nguy cơ bị dị dạng.

Nguy cơ bị bệnh tiểu đường khi mang thai thường gặp ở những thai phụ có người trong gia đình bị tiểu đường, thai to, sẩy thai trước đó, sinh non, thai chết lưu hoặc con chết trong khi chuyển dạ…

- Các bệnh nhiễm trùng: Các bệnh nhiễm trùng là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây tử vong ở trẻ sơ sinh và cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến cuộc sống sau này của trẻ. Trước lúc mang thai hoặc trong quá trình mang thai, nếu thai phụ mắc phải một số bệnh nhiễm trùng như: Herpes sinh dục, giang mai, Rubella, Toxoplasma gondii, Cytomegalovirus… sẽ có nguy cơ sinh con tử vong hoặc bị dị tật: mù lòa, điếc, tim mạch, chậm phát triển trí tuệ.
 
 
Ngoài ra, khi thấy những triệu chứng dưới đây trong kì mang thai, chị em cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc đến bệnh viện càng sớm càng tốt:

- Chảy máu âm đạo: Có thể là dấu hiệu về nhau thai, bệnh nhau tiền đạo, tổn thương cổ tử cung hoặc âm đạo.

- Chảy dịch âm đạo: Triệu chứng vỡ ối sớm.

- Tăng nhiệt độ cơ thể và ớn lạnh: Triệu chứng của bệnh nhiễm trùng.

- Nôn ói liên tục: Chứng ốm nghén.

- Chóng mặt, giảm tầm nhìn, hoa mắt: Chứng cao huyết áp, tiền sản giật.

- Sưng phù tay chân, mặt mũi, đau dạ dày dữ dội, co giật: Triệu chứng tiền sản giật.
 
- Giảm số lần đi tiểu: Suy thận hoặc thiếu nước trầm trọng.

- Đau khi đi tiểu: Nhiễm trùng đường tiết niệu.

- Thai nhi không chuyển động: Thai lưu hoặc do tác dụng của thuốc mẹ uống.

9 tháng 10 ngày mang thai vừa là thời điểm hạnh phúc của người mẹ, vừa là quãng thời gian đầy thử thách và đầy những lo lắng. Để giúp các mẹ hiểu thêm về những rắc rối và nguy cơ có thể gặp trong thời kì mang, ngày 23/8/2011, aFamily.vn sẽ tổ chức buổi Giao lưu trực tuyến với chủ đề: 9 tháng mang bầu khỏe mạnh. Tham gia buổi giao lưu sẽ có bác sĩ Nguyễn Thị Tân Sinh (Phó khoa Sản – Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội), bác sĩ Nguyễn Minh Sơn (Bác sĩ chuyên khoa sản – Viện Phụ sản hà Nội, chuyên gia tư vấn sản khoa trên VTV3, Giám đốc phòng khám Thịnh Anh: 88-94 dốc Phụ sản, La Thành, Hà Nội).

Các bác sĩ tham gia Giao lưu trực tuyến sẽ giải đáp các thắc mắc liên quan đến sức khỏe bà bầu, dinh dưỡng cho mẹ cho con trong kì mang thai, sự phát triển thai nhi trong bụng mẹ… Nếu đã quan tâm đến các vấn đề bầu bí và có thắc mắc muốn được các bác sĩ giải đáp, các bạn có thể gửi mail về hòm thư giaoluutructuyen@afamily.vn.
 
Cảm ơn các nhà tài trợ sau đã tài trợ sản phẩm - dịch vụ cho những bạn độc giả có câu hỏi hay nhất trong cuộc Giao lưu trực tuyến: 9 tháng máng bầu khỏe mạnh: Baby wash, Công ty TNHH chăm sóc sức khỏe Mẹ và Bé Công ty CP dược công nghệ sinh học Bio Focus
Chia sẻ