Sự trả thù của nàng dâu

H.N,
Chia sẻ

Dù không nói ra, nhưng trong lòng Hằng thầm quyết tâm bỏ ngoài tai, ngoài mắt tất cả những gì liên quan đến bố mẹ chồng...

Xuất thân từ một tỉnh nghèo, ngày về làm dâu thành phố, Hằng phải đối mặt với những ánh mắt nhìn không mấy thiện cảm của bố mẹ chồng cũng như họ hàng nhà chồng. Với mọi người, Hằng chỉ giỏi “bám”, cố sống cố chết để lấy cho được chồng Hằng với mục đích chỉ là để đổi đời. Ngay từ hồi yêu nhau đã bị phản đối kịch liệt, không ít lần Hằng muốn bỏ cuộc, nhưng vì chồng quá nặng tình nên Hằng đã quyết tâm cưới. Để rồi sau ngày cưới Hằng lại tiếp tục cam chịu cuộc sống dè bỉu đến tận giờ phút này.

Trong suốt mấy năm làm dâu, mọi việc Hằng làm đều mang tính chướng tai gai mắt và không nhận được sự ủng hộ của bất kì ai trong gia đình nhà chồng. Nếu không có chồng Hằng mạnh mẽ đứng ra bảo vệ thì chắc hẳn mọi người cũng chẳng ngại gì mà không dám đuổi cô ra khỏi ngôi nhà này. Cũng nếu không vì chồng thì Hằng cũng chẳng tiếc gì mà ở lại. Hồi mang bầu đứa con trai, cũng là cháu đích tôn của dòng họ, những tưởng khoảng cách giữa Hằng và nhà chồng sẽ được rút ngắn lại nhưng hóa ra không phải vậy. Hằng có mệt mỏi đến đâu, ăn uống kém thế nào mọi người cũng không quan tâm, không một lời hỏi thăm. Tháng cuối phải vào viện nằm chờ sinh vì lý do dọa sẩy, Hằng mới thấm thía thế nào là câu: khác máu tanh lòng. Bố mẹ chồng không ai lên thăm Hằng lấy một lần, ông bà nói trắng rằng mọi chuyện của vợ chồng Hằng thì vợ chồng cô phải tự lo, ông bà không có thời gian quan tâm. Không ít đêm Hằng nghĩ mà vừa tủi thân vừa giận mọi người.
 

Trong suốt thời gian mang bầu, suốt một tháng nằm viện chờ sinh, mấy tháng ở cữ và cả những tháng ngày sau này nữa, tất tần tật những gì liên quan đến con chị đều không mảy may khiến ông bà nội nó nghĩ lại mà chấp nhận chị. Theo thời gian, Hằng cũng quen dần và chỉ coi chồng con là động lực để sống cho tốt với nhà chồng. Dù không nói ra, nhưng trong lòng Hằng thầm quyết tâm bỏ ngoài tai, ngoài mắt tất cả những gì liên quan đến bố mẹ chồng.

Thế mà đến một ngày cả hai bố mẹ chồng Hằng đều ốm và nằm viện, việc chăm sóc cả hai ông bà mất nhiều thời gian và công sức hơn Hằng vẫn tưởng. Nghĩ lại những gì ông bà đã đối xử với Hằng trong gần chục năm qua mà cô không khỏi ngậm ngùi. Cứ mỗi lần có ý định đến chăm ông bà là Hằng lại chùn bước và đùn đẩy cho chồng. Hằng biết làm như vậy là không đúng đạo lý nhưng không hiểu sao Hằng cứ nung nấu ý định “trả thù”, Hằng sẽ để mặc kệ ông bà, coi như không liên quan, không phải người thân, vì dù gì cô cũng có được coi trọng như một thành viên trong cái nhà này đâu. Hằng tìm mọi lý do để đùn đẩy việc thăm nom cho chồng và mọi người, mọi người có nói gì đi nữa cô cũng không lay động.

Thế nhưng, mỗi lần nhìn chồng tất tưởi đi lại, thức đêm thức hôm để chăm sóc bố mẹ chồng mà không một lời kêu ca, oán thán gì Hằng, cô lại cảm thấy mình thật nhỏ nhen và ích kỉ. Dù gì thì đó cũng là bố mẹ chồng Hằng, người sinh thành ra chồng cô, đã chấp nhận lấy anh thì phải chấp nhận cả bố mẹ anh. Dù gì thì ông bà cũng là bề trên, cô không thể so bì và “trả thù” một cách vô tình như thế này được. Tự nhiên nước mắt cô chảy dài, cô hiểu cái cảm giác nằm viện mà không có người thân vào thăm nom. Hơn thế nữa cô thương chồng cô hơn tất thảy, dù không nói ra nhưng chắc chắn anh là người khổ tâm nhất trong mối quan hệ này, nhất là trong lúc bố mẹ anh đang bệnh như bây giờ. Là vợ, là người được anh thương yêu, Hằng không thể thờ ơ mà nhìn anh như vậy.

Tự nhiên Hằng thấy lòng mình thanh thản, có lẽ ngay chiều nay cô sẽ thu xếp để vào viện thăm bố mẹ chồng và nếu ông bà không phản đối cô tình nguyện ở lại trông nom ông bà thay chồng. Dù cho ông bà có nghĩ gì đi nữa, có chấp nhận cô hay không thì Hằng vẫn cứ đến, cứ coi như không có chuyện gì xảy ra và coi chuyện chăm sóc bố mẹ chồng đương nhiên là trách nhiệm của người làm dâu con như cô. Để tự động viên mình, Hằng tự nhủ: cứ coi như đây là một sự trả thù – sự trả thù ngọt ngào.
Chia sẻ