Sự thật đằng sau câu chuyện vắc-xin HPV làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung

Tiểu Nguyễn,
Chia sẻ

Chúng ta đã từng nghe nói vắc-xin HPV có thể loại trừ 70% nguy cơ ung thư cổ tử cung. Thế nhưng, các nhà nghiên cứu tại Đại học British Columbia lại khẳng định, hiệu quả của vắc-xin HPV chỉ là phóng đại.

Vắc-xin HPV – Những con số gây hoang mang

Theo tổng hợp nguồn tin từ Sott, ngay khi "chào đời", vắc-xin HPV được cả thế giới chào đón với hi vọng đẩy lùi căn bệnh ung thư nhiều thứ hai trên thế giới. Nhưng chỉ sau vài năm, những số liệu thống kê về tác dụng phụ mà chị em phải gánh chịu sau khi tiêm phòng loại vắc-xin này đã khiến mọi người vô cùng hoang mang.

Thống kê cho thấy, hơn 35.000 phản ứng phụ sau khi tiêm vắc-xin HPV, trong đó 200 người đã bị tử vong được báo cáo cho chính phủ Mỹ vào giữa tháng 3 năm 2015. Tính đến tháng 3/2013, Mỹ phải chi 6 triệu USD bồi thường cho 39 nạn nhân của vắc-xin HPV.

Cũng theo nguồn tin này, vắc-xin HPV được các nhà khoa học là có thể gây nên những phản ứng miễn dịch quá mức, thậm chí cao gấp 20 lần so với những chương trình tiêm chủng khác. Những phản ứng được ghi nhận có vô vàn biểu hiện, bao gồm: động kinh, đột quỵ, đau đầu, đau bụng, suy nhược, đau yếu cơ, các bệnh tự miễn, thay đổi chu kỳ kinh nguyệt, ngất xỉu, sưng hạch bạch huyết, buồn nôn, suy giảm thị lực, mất thính lực tạm thời… Báo cáo này còn cho biết, nhiều người đã gặp phải thương tật vĩnh viễn và tạm thời do rối loạn hệ thống miễn dịch và thần kinh. 

ung thu co tu cung
Vắc-xin HPV được cả thế giới chào đón với hi vọng đẩy lùi căn bệnh ung thư nhiều thứ hai trên thế giới. (Ảnh minh họa: Internet)

Chúng ta đã từng nghe nói vắc-xin HPV có thể loại trừ 70% nguy cơ ung thư cổ tử cung. Thế nhưng, các nhà nghiên cứu tại Đại học British Columbia lại khẳng định, hiệu quả của vắc-xin HPV chỉ là phóng đại đồng thời chưa được chứng minh. Kết luận này được nêu sau khi đưa ra bản tóm tắt các thử nghiệm lâm sàng.

Chưa dừng lại ở đó, nghiên cứu của Merck cho thấy, tiếp xúc với HPV chủng 16 hoặc 18 trước khi nhận vắc-xin Gardasil sẽ làm nguy cơ tổn thương tiền ung thư tăng cao lên đến 44,6%. Nghiên cứu được trình bày trong cuộc họp thường niên năm 2015 của Hiệp hội Nghiên cứu Ung thư khẳng định, phụ nữ được tiêm phòng HPV có nguy cơ cao phát triển các chủng virus phi vắc-xin.

Kể từ khi vắc-xin HPV ra đời, VAERS báo cáo đã tăng 1000% số người mắc bệnh tự miễn, 790% vô sinh, phá thai, sảy thai tăng 270%, mù và điếc tăng 188%. Năm 2015, một nhà khoa học Úc phát hiện ra rằng, vắc-xin HPV gây suy buồng trứng, vô sinh, dễ mắc bệnh tự miễn và dị ứng. 

Trước những thông tin về tiêm phòng vắc-xin HPV nêu trên, không ít chị em hoang mang liệu nên hay không nên tiêm phòng ung thư cổ tử cung. Thậm chí, nhiều chị em đã tiêm phòng xong rồi vô cùng hoang mang lo sợ sẽ gặp phải những biến chứng sau vắc-xin, rơi vào cảnh tiền mất tật mang.

Có cần thiết phải tiêm phòng vắc-xin HPV?

BS chuyên sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung (Trung tâm Y tế Thái Hà) khẳng định, thông tin nêu trên vẫn chưa nói lên được điều gì và phụ nữ vẫn nên đi tiêm phòng vắc-xin HPV để phòng ngừa ung thư cổ tử cung. 

“Phát minh ra vắc-xin HPV là sự tiến bộ của ngành y tế để chống trả căn bệnh mà trước nay vẫn còn mù mờ, chưa có biện pháp để phòng ngừa. Đó chính là ung thư cổ tử cung - căn bệnh đã tiêu diệt rất nhiều người phụ nữ trên thế giới nói chung”, BS Dung nói.

Theo BS Lê Thị Kim Dung, một khi vắc-xin đã được ban hành, lưu hành cho toàn dân thì sự cân nhắc không thể nào là đùa cợt. “Vắc-xin trước khi được ban hành cho người dân sử dụng nói chung đều đã qua các thử nghiệm, được chứng minh an toàn và đảm bảo cho sức khỏe của người sử dụng. Do đó, nếu nói vắc-xin HPV không đủ tính chất phòng chữa bệnh chỉ dựa vào những thông tin trên từ một bài báo nước ngoài thì không đủ căn cứ”, BS Dung khẳng định.

ung thu co tu cung
BS chuyên sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung cho rằng chị em vẫn nên đi tiêm phòng vắc-xin HPV để phòng ngừa ung thư cổ tử cung.

Bác sĩ chuyên sản phụ khoa này cho rằng, điều đó chỉ là sự thật khi Bộ Y tế thông báo một công văn chính thức đến người dân. Hơn thế, thông báo này cũng phải thông qua Bộ Y tế Mỹ, tổ chức y tế thế giới… thì mới là lời khẳng định đáng tin cậy.

“Vắc-xin phòng chống ung thư cổ tử cung đã được phát hành trên toàn thế giới rồi chứ không phải là một vài trường hợp riêng lẻ để chúng ta nói rằng tiêm thì tiêm, không tiêm thì thôi. Các dẫn chứng đường link nói không nên tiêm phòng vắc-xin HPV liệu có căn cứ để chúng ta tin cậy hay không? Thông tin đưa ra phải được nêu một cách cụ thể, được dẫn chứng sáng tỏ, thuyết phục thì mới hi vọng thông tin đó đủ sức thuyết phục được”, BS Dung nhấn mạnh.

Bà cũng cho biết thêm, sau khi tiêm phòng vắc-xin HPV một thời gian dài cho các bé gái ở Mỹ thì còn nhìn thấy lợi ích tiêm phòng HPV cho bé trai. Ngay sau đó, loại vắc-xin này còn được chỉ định tiêm phòng cho các bé trai. 

“Nếu như bên Mỹ phủ nhận tất cả vai trò của vắc-xin HPV thì chúng ta cũng cần xem xét lại mình có nhầm lẫn không. Nhưng tính đến thời điểm này, vẫn không có thông báo chính thức nào từ Bộ Y tế hay Tổ chức Y tế Thế giới thì không có lý gì chúng ta tin cậy một thông tin chưa được xác nhận”, BS Dung nói.

Do đó, phụ nữ nói riêng và tất cả mọi người nói chung không nên vì thế mà hoang mang, ngần ngại từ bỏ việc tiêm phòng vắc-xin HPV. 

“Tiêm phòng vắc-xin HPV hiện nay vẫn là giải pháp hữu hiệu nhất để phòng chống ung thư cổ tử cung. Và tính đến thời điểm này, chưa có biện pháp nào ngăn chặn ung thư cổ tử cung tuyệt đối mà chỉ có thể hạn chế được khả năng mắc bệnh ít hay nhiều. Một số giải pháp để phòng ngừa ung thư cổ tử cung bạn nên áp dụng là không quan hệ với nhiều bạn tình, khám phụ khoa đều đặn nhất là với phụ nữ đã lập gia đình”, BS Dung khuyên.
Chia sẻ