Sợ hàng độc, chị em nội trợ kỹ tính tìm thủy hải sản xuất khẩu

Khánh Nguyễn,
Chia sẻ

Một năm trở lại đây, thủy sản xuất khẩu đang là một trong những lựa chọn ưa thích của các bà nội trợ kỹ tính. Siêu thị và các cửa hàng bán thực phẩm cũng nhộn nhịp hơn vì nhu cầu tiêu dùng mặt hàng này của các chị em.

Chị Thanh Giang (32 tuổi, Cầu Diễn, Hà Nội) cho biết, đọc báo chí thấy phản ánh rất nhiều vụ bắt được những lô cá tầm, cá quả… nhập lậu không đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, chị hãi hùng lắm. Vì vậy, để yên tâm, đảm bảo nguồn thực phẩm sạch cho gia đình, rau xanh chị đặt hàng ở dưới quê, còn thịt thà đều mua ở các cửa hàng uy tín. Bên cạnh đó, chị cũng rất ưa chuộng hàng thủy sản xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước.

“Hàng xuất khẩu là hàng đã được kiểm dịch rồi, tiêu chuẩn như thế nào sẽ in ngay trên bao bì nên tôi rất yên tâm. Thời buổi bây giờ nguồn gốc thực phẩm mập mờ lắm. Lý do tôi chọn mua thực phẩm xuất khẩu vì mặt hàng này có an toàn mới bán được sang nước ngoài, bên châu Âu, châu Mỹ họ kiểm duyệt khắt khe lắm”, chị Giang hào hứng nói.

Sợ hàng độc, chị em nội trợ kỹ tính tìm thủy hải sản xuất khẩu 1
Tôm bóc nõn xuất khẩu tươi ngon được nhiều bà nội trợ ưu tiên lựa chọn.

Nghe chị Giang chia sẻ, mỗi bữa cơm trong gia đình đều có mặt một món thủy hải sản nào đó. Khi thì là tôm đông lạnh, lúc là khúc cá ba sa, mực ống… Những mặt hàng này tuy có giá cả cao hơn so với thực phẩm tươi sống mua tại chợ nhưng đều đã được chế biến trước, rất tiện dụng.

“Chẳng hạn tôm đông lạnh đã được bóc nõn, mua về chỉ cần chiên lên là cả bé hai tuổi cũng có thể ăn được. Hay mực đã được thái thành những miếng nhỏ vừa miệng rã đông rồi xào lên là xong. Vừa tiết kiệm được thời gian nấu nướng, vừa đảm bảo món ăn ngon, hợp vệ sinh cho cả nhà”, chị Giang giới thiệu những túi thủy sản vừa mua.

Điều đáng nói là hiện nay mua những sản phẩm này khá dễ dàng. Rất nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản đã sẵn sàng “rải quân tấn công” thị trường nội địa bằng cách chào hàng tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm cao cấp để đưa hàng tới tay người tiêu dùng.

Hiện nay, đời sống được nâng cao. Việc đảm bảo những bữa ăn giàu dinh dưỡng, thơm ngon cho cả gia đình được các bà nội trợ đặt lên hàng đầu. Rất nhiều chị em sẵn sàng chi tiêu hàng trăm ngàn đồng cho một bữa ăn an toàn thực phẩm, đủ chất. Nắm bắt nhu cầu này, nhiều công ty thủy sản đã đưa các sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường cao cấp như Mỹ, Nhật, EU ra thị trường trong nước.

Chị Quỳnh Hoa (28 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Trước kia muốn ăn thủy sản cao cấp rất khó và đắt. Đa phần các doanh nghiệp chế biến trong nước chỉ chú trọng việc xuất khẩu nên muốn mua tôm thẻ đông lạnh, mực ống xuất khẩu là phải lặn lội đến hẳn cửa hàng giới thiệu thủy hải sản của doanh nghiệp đó. Còn thủy sản nhập khẩu thì đắt và cũng không phải siêu thị, cửa hàng nào cũng bán”.

Giá cả của các mặt hàng này thường cao gấp 1,5 – 2 lần các thực phẩm đồng loại tươi sống được bán ngoài thị trường. Như tôm sú xuất khẩu nguyên con loại 8 con/kg có giá 450.000 đồng/kg. Tôm sú 12 con/kg có giá  380.000 đồng/kg, mực trứng có giá 150.000 đồng/kg...

“Mình nghĩ tiền nào của nấy thôi. Nếu đã muốn ăn ngon, an toàn thì nên đồng ý mức giá đó. Còn tham rẻ ở chợ thì cũng phải chấp nhận việc hàng không rõ nguồn gốc, được nuôi bằng kháng sinh”, Quỳnh Hoa nhún vai nói.

Quỳnh Hoa còn cho biết, chị đã từng đi tham quan khu nuôi trồng thủy hải sản của một công ty chuyên xuất khẩu thủy hải sản trong miền Nam, được đến nhà máy chứng kiến quy trình chế biến nghiêm ngặt nên rất yên tâm sử dụng các loại thực phẩm xuất khẩu đông lạnh này.

Người tiêu dùng Việt Nam hiện vẫn ưa chuộng hàng thủy sản tươi sống nên việc thúc đẩy sản xuất các hàng thủy sản đông lạnh rất khó. Mặc dù dân số tại thị trường nội địa rất đông, song những mặt hàng này có giá thành cao, chỉ phù hợp với nhu cầu của những người có thu nhập cao. Vì thế những cửa hàng bán thủy sản xuất khẩu vẫn chỉ tập trung ở các thành phố lớn. Trong khi thị trường nông thôn vẫn còn bỏ ngỏ.

Một lãnh đạo của công ty chế biến xuất khẩu thủy sản trong Cà Mau cho biết, doanh nghiệp này cũng đã đưa hàng vào các siêu thị, cửa hàng tiện lợi và qua kênh nhà hàng thủy hải sản cao cấp. Định hướng trong tương lai, doanh nghiệp cũng sẽ lên kế hoạch tập trung vào thị trường nội địa hơn.

Tuy nhiên điều này không dễ bởi hầu hết các siêu thị đều chỉ nhận từ 2 – 3 sản phẩm phổ biến. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải tự đầu tư trang thiết bị hệ thống đông lạnh riêng cho từng loại sản phẩm. Chiết khấu cho siêu thị cũng khá cao khiến lợi nhuận sản phẩm giảm. Vì thế mà cũng nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà với thị trường trong nước cho lắm.

Chia sẻ