Sinh toàn gái được thưởng: Tiền sẽ làm giảm "cơn khát" con trai?

Theo Dân Việt,
Chia sẻ

"Chúng tôi đề xuất hỗ trợ tiền cho gia đình sinh toàn con gái làm sao để nâng cao vị thế của phụ nữ", ông Lê Cảnh Nhạc (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình) nói.

Bộ Y tế vừa đề nghị đưa chính sách gia đình sinh toàn gái được thưởng tiền vào Dự thảo Luật Dân số.

Sau khi đề xuất gia đình sinh toàn gái được thưởng tiền được đưa ra, có ý kiến cho rằng, đề xuất này khó khả thi. Ông Lê Cảnh Nhạc (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế) đã chia sẻ xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, trước đây Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình từng đề xuất "hỗ trợ kinh tế cho gia đình sinh con một bề là gái" nhưng bị dư luận phản đối. Vậy tại sao, lần này tổng cục lại tiếp tục đề nghị đưa chính sách này vào Dự thảo Luật Dân số?

- Chúng tôi kiên trì đề xuất chính sách này dựa trên khảo sát nghiên cứu khoa học và kinh nghiệm của các nước trong khu vực, đặc biệt là Hàn Quốc. Thực tế, họ cũng giải quyết rất tốt vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh, quan tâm đến an sinh xã hội, đặc biệt gia đình sinh con một bề là gái. Họ làm điều này nhằm mục đích nâng cao quyền, vị thế của phụ nữ.Ngoài ra, trong quá trình học tập, trẻ em gái được miễn học phí, cấp học bổng. Khi ra trường, con gái sẽ được xem xét ngành nghề phù hợp.

Ở Hàn Quốc, họ tự hào vì sinh được con gái. Mỗi khi bé gái ra đời là niềm tự hào, kiêu hãnh của gia đình, dòng họ. Bên cạn đó, quan niệm của người Hàn Quốc, con gái cũng có trách nhiệm như con trai, làm các công việc của con trai. Con gái cũng thờ cúng, chăm sóc bố mẹ. Do đó, người dân Hàn Quốc rất yên tâm về việc sinh con trai hay con gái.

Trong khi đó, tại Việt Nam, trên 70% người già sống dựa vào con cái và không có chế độ trợ cấp xã hội khi về già. Nhiều người vẫn muốn có con trai nối dõi tông đường, thắp hương, làm chủ gia đình…

Do đó, chúng tôi đề xuất giải pháp này nhằm hỗ trợ người sinh con một bề là gái, làm sao để nâng cao vị thế của phụ nữ. Chúng tôi mong muốn mọi người nhìn nhận, con gái cũng có trách nhiệm và nghĩa vụ như con trai, được quyết định cuộc sống gia đình, làm chủ gia đình.

Do đó, nên đề xuất giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

sinh toan gai duoc thuong: tien se lam giam Ông Lê Cảnh Nhạc - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế.

Có ý kiến cho rằng, thưởng tiền, dù nhiều hay ít cũng không thể ngăn được “cơn khát” con trai đã ăn sâu trong nếp nghĩ của người dân. Hơn nữa, thưởng tiền cho gia đình sinh toàn gái là thương hại, coi rẻ người nhận. Ông nghĩ sao?

- Tại Việt Nam, tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, mong muốn có con trai để nối dõi tông đường đã ăn sâu vào nếp nghĩ của người dân. Các gia đình cần có con trai để làm kinh tế. Bên cạnh đó, nhiều người lạm dụng những tiến bộ khoa học công nghệ để thực hiện lựa chọn giới tính trước sinh.

Thực tế, những nguyên nhân này để lại hệ luỵ vô cùng nguy hại đối với nòi giống. Các nhà khoa học dự báo Việt Nam sẽ “dư thừa” từ 2,3 đến 4,3 triệu nam giới vào năm 2050.

Như vậy, việc hỗ trợ về kinh tế cho gia đình sinh toàn con gái là hết sức quan trọng. Điều này có tác dụng tuyên truyền, lan tỏa rất lớn trong cộng đồng.

Cá nhân tôi tin rằng, hầu hết trong xã hội đều không bao giờ nghĩ sinh 2 con gái để nhận tiền thưởng. Bởi vậy, có chính sách hỗ trợ, người dân sẽ cảm thấy được quan tâm, chia sẻ.

Nếu ai đó suy nghĩ đẻ con gái để nhận hỗ trợ là hạ thấp, thương hại người được nhận và không thấy được ý nghĩa nhân văn của chính sách, đó là những suy nghĩ thiển cận, không mang tính xây dựng.

Tôi cũng nhấn mạnh, hỗ trợ tiền không phải là giải pháp duy nhất, đây chỉ là giải pháp hỗ trợ. Giải pháp quan trọng nhất vẫn là tuyên truyền, vận động…

Theo ông, nếu đề xuất này được thông qua, việc áp dụng mức hỗ trợ các gia đình sinh toàn gái sẽ như thế nào?

- Hiện nay, chúng tôi chưa tính toán cụ thể. Đây mới chỉ là đề xuất đưa ra ý tưởng, còn lại, các bộ, ngành liên quan sẽ ngồi lại với nhau để rà soát, xây dựng.

Để thực hiện được đề xuất này, nguồn kinh phí chủ yếu dựa vào ngân sách của Nhà nước ở trung ương và địa phương, ngoài ra huy động từ nguồn khác.

Ông có khuyến cáo gì đối với những gia đình có tư tưởng “đẻ cho bằng được con trai”?

- Những gia đình cố đẻ cho bằng được con trai, khi lớn lên thanh niên sẽ không lấy được vợ. Các hậu quả về lâu dài rất nghiêm trọng: Việc thiếu phụ nữ sẽ làm gia tăng áp lực buộc các em gái phải kết hôn sớm hơn và có thể bỏ học để lập gia đình. Mất cân bằng giới tính sẽ gia tăng về nhu cầu mại dâm; buôn bán phụ nữ.

Các cá nhân cũng cần thay đổi quan niệm về sự ưa thích con trai và hành vi lựa chọn giới tính thai nhi.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Chia sẻ