Shark Liên: Kinh doanh hay cuộc sống cũng thế, mọi việc phải rõ ràng vì chúng ta không có nhiều cơ hội để nói "nếu như"

Old Fashioned,
Chia sẻ

Ý của Shark Liên, chắc có lẽ là ở vấn đề này: Người trẻ dùng quá nhiều câu điều kiện “nếu thì” với ý tích cực, tích cực đến mức viển vông để rồi lao đầu trên một con đường quá mạo hiểm.

Không chỉ nổi tiếng vì là doanh nhân thành đạt với vẻ bề ngoài đậm chất quý bà Madam, mà Shark Liên - 1 trong 2 nữ “cá mập” nổi tiếng nhất thời điểm hiện tại khi tham gia chương trình truyền hình “Thương vụ bạc tỷ” với cương vị nhà đầu tư còn có hàng loạt những câu nói, châm ngôn kinh doanh hay, giúp ích cho nhiều bạn trẻ nói chung trên con đường sự nghiệp và các startup nói riêng trên chuyến hành trình khởi nghiệp đầy gian nan.

Shark Liên: Kinh doanh hay cuộc sống cũng thế, mọi việc phải rõ ràng, chúng ta không có nhiều cơ hội để nói "nếu như"! - Ảnh 1.

Chẳng hạn như mới đây, Shark Liên đã chia sẻ lại một trong những châm ngôn sâu sắc của mình trên trang fanpage có rất nhiều lượt theo dõi như sau:

“Kinh doanh phải luôn có phương án rõ ràng, đừng có ‘nếu’. Không chỉ trong kinh doanh, tôi nghĩ trong cuộc sống chúng ta cũng phải thế. Mọi việc làm, mọi hành động đều phải rõ ràng, vì đôi khi chúng ta không có quá nhiều cơ hội để nói từ ‘nếu’”.

Đoạn châm ngôn ngắn nhưng hàm chứa nhiều giá trị ngay lập tức nhận được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng người dùng mạng. Và cũng như bao lần khác Shark Liên chia sẻ những bài học kinh doanh quý báu, bên dưới phần bình luận của bài viết này, các fan hâm mộ đã chia sẻ hàng loạt ý kiến đồng tình của mình.

Shark Liên: Kinh doanh hay cuộc sống cũng thế, mọi việc phải rõ ràng, chúng ta không có nhiều cơ hội để nói "nếu như"! - Ảnh 2.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có không ít bạn trẻ cho rằng mọi câu nói bắt đầu bằng chữ “nếu” vốn chỉ là giả thuyết, không có thật, nó chỉ hỗ trợ con người trong việc tính toán việc tương lai.

Quả thật, như số ít bình luận có nói, “nếu… thì…” chỉ là một câu giả thuyết, nhưng tiếng Việt phức tạp, phong phú, cùng một kiểu câu nhưng người ta có thể sử dụng chúng với nhiều mục đích rất khác.

Ví dụ như có người dùng “nếu…” cho một sự việc nào đó ở quá khứ với ý nuối tiếc, người khác lại dùng “nếu…” cho việc tương lai với mục đích mơ mộng, tự ru ngủ bản thân. Ý của Shark Liên, chắc có lẽ là ở vấn đề này: Người trẻ dùng quá nhiều câu điều kiện “nếu thì” với ý tích cực, tích cực đến mức viển vông để rồi lao đầu trên một con đường quá mạo hiểm.

“Nếu tôi đạt được doanh số này vào quý hai năm 2020, tôi sẽ trở thành tỷ phú”, “nếu tôi đi đủ nhanh tôi sẽ chiếm lĩnh hết thị trường”, “nếu tôi thu nhập được mức A trong vài năm tới, tôi sẽ chẳng lo ế chồng/vợ”,... Vâng, hằng hà sa số các câu “nếu thì” nhằm tạo ra một tương lai ảo mộng, tự chiều chuộng bản thân.

Shark Liên: Kinh doanh hay cuộc sống cũng thế, mọi việc phải rõ ràng, chúng ta không có nhiều cơ hội để nói "nếu như"! - Ảnh 3.

Nhưng các bạn biết chưa, các cụ hay bảo “nói trước bước không qua”, vậy tại sao chúng ta cứ phải tự tạo một tương lai màu hồng cho bản thân để rồi mai kia khi bão tố ập đến chẳng ai có thể lèo lái con thuyền cuộc đời đến bến đỗ bình an?

Thậm chí buồn hơn, khi gặp trắc trở, nhiều người vẫn tiếp tục than thở “nếu thì” thể hiện sự bất lực với hiện tại, tiếc nuối với quá khứ và ảo tưởng với tương lai.

Để có một ngày mai như mong đợi, chúng ta phải tự trang bị cho mình vững vàng ngay từ hôm nay, đừng nuông chiều bản thân và đừng cho phép ý nghĩ của mình trôi trên chín tầng mây. Mọi ước mơ đều trong tầm mắt nhưng ngoài tầm tay, muốn với tới, không cách nào khác buộc mỗi cá nhân hãy đi từng bước chắc chắn, đi một bước liền tính một bước.

Shark Liên: Kinh doanh hay cuộc sống cũng thế, mọi việc phải rõ ràng, chúng ta không có nhiều cơ hội để nói "nếu như"! - Ảnh 4.

Bản chất của câu điều kiện “nếu thì” là không sai, quan trọng là cách chúng ta sử dụng chúng như thế nào. Chỉ cần dùng đúng, chúng sẽ giúp ta rất nhiều trên con đường sự nghiệp.

Chẳng hạn như khi bắt tay vào việc gì đó, thay vì chúng ta dùng “nếu” để ảo tượng về một cái đỉnh vinh quang nào đó, tại sao không dùng để tự nhắc bản thân: “Nếu trường hợp xấu nhất xảy ra thì chúng ta có vượt qua được hay không?”.

Từ đó vạch ra xem, những điều tồi tệ nào có thể xảy đến với mình trong tương lai và các phương án ứng biến phù hợp. Khi chúng xảy ra thật, chẳng phải chúng ta cũng dễ dàng vượt qua vì đã có sự chuẩn bị hay sao?

Thương trường hay đường đời suy cho cùng cũng giống nhau, đừng chỉ nhìn sao trời đỉnh núi mà đi, đôi khi phải ngó xuống chân xem có vật cản gì, biết đâu hố sâu vạn trượng ở bước chân tiếp theo, sảy chân rồi chẳng cách nào leo lên.

Chia sẻ