Sẽ nguy hiểm hơn nếu bị sùi mào gà khi mang thai

BS. Hoa Hồng,
Chia sẻ

Khi mang thai có sự thay đổi về hormone, thay đổi về chức năng miễn dịch, thay đổi về môi trường trong cơ thể. Đó chính là yếu tố thuận lợi cho bệnh sùi mào gà phát triển nhanh chóng.

Chào bác sĩ. Hiện tại em đang mang thai đc 15 tuần. Hôm vừa rồi đi khám, bác sĩ phát hiện em bị sùi mào gà. Theo bác sĩ đã khám cho em thì vết sùi khá to và phải đốt điện mới khỏi. 

Em muốn hỏi nếu em đốt điện khi đang mang bầu thì có ảnh hưởng gì không? Bị sùi mào gà khi đang mang thai có ảnh hưởng nhiều đến thai nhi hay không? Em xin cảm ơn! (Hải Lam)

BS. Hoa Hồng tư vấn:

Hải Lam thân mến, 

Những tháng mang thai là khoảng thời gian mà người phụ nữ phải đặc biệt chú ý chăm sóc sức khỏe của mình, bởi nếu bị bệnh trong thời gian này có thể gây ảnh hưởng không tốt cho cả người mẹ lẫn thai nhi.

Sùi mào gà là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục. Bệnh do virus HPV (Human Papilloma virus) gây ra. Hầu hết các bệnh nhân mắc bệnh tình dục đều không có dấu hiệu rõ ràng ở giai đoạn đầu, do vậy, việc chẩn đoán và điều trị có thể gặp khó khăn. Bệnh sùi mào gà cũng vậy, nó có thể do bất kì chủng nào trong số 30 chủng HPV gây ra.

Sẽ nguy hiểm hơn nếu bị sùi mào gà khi mang thai  1
Điều trị dứt điểm bệnh sùi mào gà khi mang thai thì sản phụ vẫn có thể sinh thường được. Ảnh minh họa

Khi mang thai có sự thay đổi về hormone, thay đổi về chức năng miễn dịch, thay đổi về môi trường trong cơ thể. Đó chính là yếu tố thuận lợi cho sự phát triển nhanh chóng của các tổ chức sùi mào gà.

Nếu sùi mào gà của bạn khá to thì rất có thể bạn bị nhiễm HPV chủng 6 hoặc 11 gây ra. Chủng HPV này có thể gây bệnh u nhú thanh quản ở thai nhi. Vì vậy, bạn cần điều trị ngay và dứt điểm, tránh để bệnh tăng nặng sẽ càng gây ra các biến chứng và ảnh hưởng nguy hiểm tới sức khỏe của người mẹ và thai nhi. 

Bệnh sùi mào gà có thể gây cho thai phụ những tai họa đó là: nguy cơ ung thư cổ tử cung, âm đạo, âm hộ, hậu môn; chảy máu khó cầm nguy hiểm đến tính mạng; nguy cơ phải mổ lấy thai; nguy cơ lây bệnh từ mẹ sang con trong khi sinh đẻ. 

Vì các mụn sùi này dễ bị bở và nát vụn trong thai kì, gây ra tác động xấu đến các vùng da xung quanh nên phác đồ điều trị chung thường là loại bỏ chúng ngay trong thời gian thai kì, càng sớm càng tốt. 

Phụ nữ mang thai xuất hiện các triệu chứng của bệnh sùi mào gà cần phải tích cực tiến hành chữa trị. Do khi mang thai, các cơ quan của người mẹ sẽ bị tụ máu, bị mềm đi và có ảnh hưởng nhất định đối với thai nhi. Do vậy, khi tiến hành điều trị bệnh, bạn phải lưu ý đến những điều cần hạn chế và cấm kỵ theo chỉ định của bác sĩ.

Để loại bỏ các mụn sùi này, bác sĩ có thể cho bạn đốt điện hoặc chấm thuốc lên vùng da bị tổn thương. Tuy nhiên, nếu chấm thuốc thì phải tuyệt đối không chấm vào cổ tử cung, lỗ niệu đạo hoặc phía trong hậu môn. Nếu điều trị dứt điểm thì bạn vẫn có thể sinh thường được.

Bạn nên tuân thủ đúng theo phác đồ điều trị của bác sĩ để bệnh mau khỏi nhé.

Chúc hai mẹ con bạn khỏe mạnh!


Nếu bạn đọc có những thắc mắc về sức khỏe tâm sinh lý giới tính cần được tư vấn xin gửi về email: suckhoe@afamily.vn




Cho dù bạn quan hệ tình dục lần đầu tiên hay lần thứ bao nhiêu bạn đều có thể mắc bệnh tình dục
Sẽ nguy hiểm hơn nếu bị sùi mào gà khi mang thai  2
Chia sẻ