Sau ly hôn, người mẹ phát hiện chồng cũ và người yêu mới thường xuyên ngủ chung với con trai 4 tuổi

Tào Nga - Hải Yến,
Chia sẻ

Trong khi nhiều người còn đang băn khoăn không biết có nên cho con ngủ riêng hay không thì một bà mẹ bất ngờ phát hiện cậu con trai 4 tuổi thường xuyên ngủ cùng bố và người yêu mới của bố.

Khi phát hiện ra sự việc trên, người mẹ đã tỏ ra hết sức giận dữ và đã chia sẻ sự khó chịu của mình trên mạng xã hội dành cho các bố mẹ.

Người mẹ trẻ này giải thích, cô và chồng đã chia tay hai năm trước. Cậu bé gặp bố vào mỗi cuối tuần. Mới đây, "Tôi phát hiện ra rằng chồng cũ không hề đề cập đến chuyện có người yêu mới dù con trai tôi thực tế đã gặp cô ấy nhiều lần. Điều đáng nói là tất cả họ đều ngủ trên giường với nhau. Tôi không biết người phụ nữ này, tất cả những gì tôi biết là cô ấy khoảng 21 tuổi", người mẹ chia sẻ.

Điều khiến cô ấy tức giận nhất là chồng cũ đã không nói với mình về người yêu mới: "Anh ấy nên nói với tôi về việc này trước khi giới thiệu con trai tôi với cô ấy chứ chưa nói đến việc tất cả mọi người ngủ chung một giường.

Tôi không biết phải giải thích thế nào cho con hiểu. Con mới 4 tuổi nên còn quá hồn nhiên. Tôi chỉ sợ xảy ra sự cố gì con tôi sẽ ám ảnh cả đời".

Dòng chia sẻ của bà mẹ này ngay lập tức nhận được nhiều phản hồi trái chiều của các thành viên mạng xã hội.

Đa số đều cho rằng, việc thông báo về người yêu mới chỉ là phép lịch sự nếu anh ta muốn, chứ không bắt buộc. Còn việc để con trai 4 tuổi ngủ chung mới là điều gây tranh cãi. Một thành viên thẳng thắn cho rằng không nên để cậu bé đến nhà bố cho đến khi việc ngủ chung này chấm dứt.

1

Con trai 4 tuổi thường xuyên ngủ chung với bố và người yêu mới (Ảnh minh họa).

Một mẹ khác nói thêm: "Tôi kịch liệt phản đối tình huống như thế này. Không nên để con riêng ngủ chung với người mới của bố hoặc mẹ".

"Vấn đề ở đây là một đứa trẻ đang ngủ chung giường với một người lạ khác giới trưởng thành. Nó không an toàn và không phù hợp. Chuyện gì có thể xảy ra nếu không may đứa bé phát hiện được hai người quan hệ tình dục hoặc nó bị chính người phụ nữ kia lạm dụng", một ý kiến tranh luận khác bày tỏ sự bức xúc.

Tuy nhiên, cũng có rất nhiều người nhìn nhận vấn đề này không nghiêm trọng. Một người mẹ khác đã viết: "Tôi cũng không thoải mái khi con trai mình ngủ với một người xa lạ. Tuy nhiên, nếu bạn tin tưởng bố của con trai mình trong các quyết định nuôi dạy cậu bé thì nên tin tưởng anh ta".

Một ý kiến khác lại cho rằng: "Người quan trọng nhất ở đây là con trai của bạn và bạn nên trò chuyện với con để hiểu xem nó cảm thấy thế nào về việc này. Đừng tỏ ra giận dữ, hãy trò chuyện một cách thoải mái để hiểu con trai bạn thật sự cần gì".

1

Nên hay không nên cho trẻ ngủ cùng bố/mẹ với người mới? (Ảnh minh họa).

Người mẹ nên gặp bố bày tỏ quan điểm và thống nhất cách giải quyết

Sự tức giận của người mẹ trong tình huống trên là điều có thể hiểu và thông cảm. Tuy nhiên, làm thế nào để giải quyết tình huống tế nhị trên mới là điều quan trọng. Vẫn để con đến gặp bố vào cuối tuần hay không cho gặp nữa? Mẹ phải làm thế nào để con có thể chung sống "hòa hợp" và "an toàn" bên người mới, vì thực tế nhiều trẻ bị mẹ ghẻ, cha dượng lạm dụng và ngược đãi.

Theo chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hương, với trẻ em, việc ngủ chung phòng với người lớn sẽ có nhiều vấn đề kèm theo. Đó là sự thiếu riêng tư của từng người, những vấn đề bệnh tật có thể lây nhiễm nếu như có ai đó mắc phải. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất là những ảnh hưởng tâm lý của trẻ trước sự gần gũi quá sâu của người lớn.

"Nhiều trường hợp trẻ chứng kiến cảnh gần gũi của người lớn sau đó học theo, đến lớp kéo bạn vào góc và nằm đè lên, có bé hoảng sợ và bị trầm cảm vì không hiểu chuyện gì xảy ra", chuyên gia Vũ Thu Hương chia sẻ.

Theo chuyên gia, cần đặc biệt quan tâm hơn trong trường hợp bố mẹ đã ly hôn vì các vấn đề còn nghiêm trọng hơn nhiều: "Có bé đã bị rơi vào trạng thái trầm cảm vì không thể lý giải được chuyện gì xảy đến với gia đình mình khi bố mẹ lại không ngủ với nhau mà ngủ với người khác".

Tư vấn cách xử lý trong trường hợp này, bà Hương cho rằng người mẹ nên gặp bố để bày tỏ quan điểm và thống nhất giải quyết cách. "Nếu người bố không đồng ý, mẹ có thể yêu cầu tòa án xem xét xử lý tình trạng này để con được đảm bảo sống an toàn và khỏe mạnh hơn. Nếu mẹ gặp khó khăn, có thể tìm đến sự trợ giúp của các tổ chức phụ nữ", chuyên gia Vũ Thu Hương nhấn mạnh.

Chia sẻ