Sản phụ trẻ sinh non, tử vong vì nhiễm cúm A/H1N1

Theo Infonet,
Chia sẻ

Chồng cảm cúm 3 ngày, chị Lê Thị Cẩm Vân (SN 1989) lây bệnh. Sau đó sản phụ trẻ bị xác định là nhiễm cúm A/H1N1 dẫn đến sinh non và tử vong.

Ngày 6/6, bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cho biết, sản phụ Lê Thị Cẩm Vân (SN 1989, ngụ tại tỉnh Kon Tum) nhập viện lúc 0h20 ngày 2/6 và đã tử vong vào lúc 4h20 ngày 5/6 do nhiễm cúm A/H1N1.

Sản phụ trẻ sinh non, tử vong vì nhiễm cúm A/H1N1 1
  

TS. Hoàng Lan Phương, Phó trưởng khoa nhiệt đới của bệnh viện, cho hay, trước khi nhập viện, Cẩm Vân trong tình trạng nguy cấp, suy hô hấp nặng và mới sinh một bé trai ở tuần thứ 34 tại bệnh viện Từ Dũ ngày 31/5.

Sau khi sinh, sản phụ liên tục khó thở và được chuyển đến bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng vẫn còn tỉnh táo nhưng phải ngồi để thở. Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành xét nghiệm, chụp phim phát hiện 2 phổi đã thâm rất nặng và đã đi vào suy hô hấp.

Tuy đã được đưa vào cách ly, điều trị sớm bằng tamiflu, thở bằng máy khiến tình trạng bệnh nhân cải thiện dần nhưng ngay sau đó lại rất xấu, rồi dẫn đến tử vong.

Cẩm Vân là công nhân điện tử tại Khu công nghệ cao, Q.9, TP.HCM. Chỉ có 2 vợ chồng trẻ thuê nhà ở một dãy có 3 phòng, cả hai đều không giao tiếp với những người xung quanh. Đáng lưu ý, trước khi người vợ bị bệnh, người chồng bị cảm cúm trong vòng 3 ngày rồi khỏi hoàn toàn, sau đó thì người vợ lây bệnh.

“Khả năng ca này tử vong là do lây bệnh từ người chồng. Bởi người phụ nữ có thai sức đề kháng rất yếu, bệnh thường lây nhanh và trở nặng hơn so với những người bình thường. Chỉ một buổi tối, sản phụ bị sốt ớn lạnh nhưng đến hôm sau phổi đã bị tổn thương rất nặng”, TS. Phương cho biết thêm.

Được biết, ngoài 2 ca mới tử vong, bệnh viện còn có thêm 2 bệnh nhân. Trong đó, một bệnh nhân đã xác định nhiễm cúm A/H1N1 với tổn thương phổi khá nặng và đang được thở máy. Bệnh nhân còn lại cho kết quả âm tính tại bệnh viện Chợ Rẫy và đang chờ kết quả xét nghiệm tại viện Pasteur.

TS. Phương khuyến cáo, những trường hợp có triệu chứng sốt, đường hô hấp, phổi thâm nhiễm, xét nghiệm máu thấy bạch cầu giảm mà không tăng nên đưa vào diện cảnh giác cúm A/H1N1. Đặc biệt không nên mua thuốc ở ngoài sẽ làm chậm trễ thời gian điều trị bệnh. Bởi nếu điều trị sớm trong vòng 48 tiếng thì tiên lượng bệnh sẽ tốt hơn nhiều.

Chia sẻ