Sài Gòn - ngôi nhà thứ 2 trong mắt chàng trai Hà Nội lập nghiệp xa quê hương

Lynk,
Chia sẻ

Nếu sống đủ lâu, và được nếm trải đủ kiểu hương vị cuộc sống thường nhật ở thành phố cả chục triệu dân này, từ cái nhỏ nhất như trà đá vỉa hè đến cái to đùng như lập nghiệp, ai cũng sẽ nảy sinh thứ tình cảm với Sài Gòn như là "nhà".

Ngay bây giờ đây, từng giờ từng phút, vẫn đang có hàng triệu người đang sống và làm việc xa quê hương. Gần gần thì mất vài tiếng đi ô tô, còn xa xa chắc cũng hơn nửa vòng Trái Đất. Những con người ấy chấp nhận lạc lõng cô đơn, rời quê nhà lên đô thành hoa lệ với mong ước đổi đời giàu có, tương lai rộng mở hơn.

Tôi cũng đã từng là cô sinh viên xa nhà cách 5 tiếng ngồi xe khách, và bây giờ lại tiếp tục vật lộn sinh nhai ở thủ đô rộng lớn bon chen. Nhớ nhà, nhớ bố mẹ, người thân, nhớ những điều thân thuộc từng gắn bó với mình từ lúc oe oe chào đời… đó là những điều mà ai xa xứ cũng đều trải qua. Không phải ai cũng dễ dàng thích nghi với môi trường mới, nhiều người phải từ bỏ giấc mơ lập nghiệp nơi phố thị để trở về nhà. Thế nhưng, lại có những người gắn bó đến mức coi nơi ở mới là ngôi nhà thứ 2. Vâng, đúng rồi đấy, “nhà”. Trong trái tim ai cũng có một chỗ như thế, ấm áp, yên bình, tràn đầy yêu thương.

sài gòn
Ai rời quê lên phố lớn mà chẳng lo sợ, lạ lẫm, bởi đó đâu phải là "nhà".

Một chàng trai Hà Nội vượt cả ngàn cây số để tới Sài Gòn vì những bước ngoặt cuộc đời “bắt phải thế”. Chàng trai ấy cũng giống tôi 6 năm về trước, chưa đến nơi đã thấy ngột ngạt, ghim trong đầu suy nghĩ ngốc nghếch phiến diện về những điều xấu xí ở thành phố, đâm ra ghét bỏ nó vô cớ. Tới lúc đặt chân xuống mảnh đất xa lạ ấy rồi, ngày ngày qua lại bao con đường quen, để ý từng hàng hiên mái phố, gặp gỡ nhiều người tốt, khám phá ra đủ thứ xinh xắn ngạc nhiên, lại thấy yêu cái nơi từng bị chính mình ghét quá. Đó là mấy dòng tâm sự rất ngắn, mà sâu lắng, chạm tới nỗi lòng của nhiều người con xa quê hương. Ý nghĩa của nhà, sao mà thấm thía, nôn nao đến lạ…

“#Nhà

(Cho những ai đã, đang, và sẽ lập nghiệp ở Sài Gòn)

Ngồi cà kê với ba đứa bạn thân ở một góc quán trên đường Pasteur lúc 12h đêm, mình đã uống tới cốc trà thứ tư và giờ thì chịu chết không ngủ được.

Với lịch sử là đứa sinh ra chưa bao giờ thích Sài Gòn, chả hiểu từ lúc nào mình bắt đầu coi cái đốm sáng lung linh này là một nơi thật là thân thuộc. Ngày xưa hồi nhỏ cả nhà ở Hà Nội, bố lại công tác trong Nam cả tháng mới về một lần. Bố nói đùa bảo ở một mình tủi thân nên giờ hai chị em oẳn tù tì, đứa nào thua thì vào ở với bố. Hồi bé bà chị mình ranh ma hơn, mấy trò này mình không bao giờ có cơ thắng được, đành thua cuộc nước mắt ngắn dài khi nghĩ đến hai chữ Sài Gòn.

Tới năm 19 tuổi bắt đầu đi làm thì công việc buộc phải ở lại Sài Gòn. Nghĩ tới thành phố quanh năm chỉ có mùa nóng và mùa rất nóng, nghĩ tới những còn đường thưa thớt cây xanh và đông xe cộ, nghĩ tới việc bao quanh mình không phải là những phương ngữ thân quen, mình thực sự thấy cuộc đời xuống dốc. Mình cũng giống như hàng ngàn chàng trai quyết lập nghiệp ở thành phố mười mấy triệu dân này, sợ là mình đang thử sức ở một nơi quá rộng, quá đông, và... quá xa Nhà”.

Đọc tới đây, hình như rất nhiều người bỗng thấy quen quen. Cái cảm giác ấy, suy nghĩ ấy, hoàn cảnh “buộc phải ở lại” ấy, sao mà giống mình ghê. Sài Gòn trong tâm trí những ai chưa từng đến đây là gì? Là đông đúc, là bon chen, là thứ ngôn ngữ cùng dải đất chữ S mà nghe vẫn chậm hiểu (đối với người Bắc), là đồ ăn toàn ngòn ngọt khó nuốt, là nắng quanh năm cháy mông đen da… Thế nhưng, một khi đã gặp gỡ hòn ngọc Viễn Đông này rồi, sẽ yêu nó từ những điều nhỏ nhất, từ lúc nào cũng không hay biết. Lối viết của chàng trai trẻ thật giản dị, mộc mạc, mà thân thương đến lạ, làm người ta xúc động, nôn nao.

“Thế nhưng mà kỳ lạ thay, qua thời gian, cái đốm sáng nhất trên dải đất Việt Nam này lại là nơi mà có vẻ như hầu hết mọi người đều có thể tìm thấy một cái gì đó cho mình: sự nghiệp và tiền tài, bước đầu khởi nghiệp hoặc cơ hội thứ hai để làm lại, một ý tưởng mới hay là niềm hoài niệm, khả năng lựa chọn cách sống hay dũng khí đi theo tình yêu mà không bị người ta dò xét. Người ta có thể tìm được mọi thứ, từ những điều vô cùng lớn lao đến cực kỳ đơn giản, ví dụ như một cốc trà và chỗ để lê la lúc 2h sáng.

Năm 20 tuổi, mình tìm thấy ở Sài Gòn một tuổi trẻ đầy cuồng nhiệt. Sài Gòn là sự chè chén bar sàn liên miên và những người bạn muốn uống là ới, không biết bao nhiêu lần đi ra khỏi quán đã thấy trời bắt đầu rạng sáng. Những lúc tỉnh khỏi cơn say, vẫn thấy lòng ngấm một nỗi cô đơn vô hạn. Cuộc vui nào thì cũng có hồi tàn, rượu nào uống tới độ cũng chỉ ngửi thấy mùi của bê tha be bét. Sài Gòn là tuổi trẻ, nhưng Sài Gòn khi đi qua cơn say của tuổi 20 thì vẫn chỉ là một cuộc vui.

sài gòn
Sài Gòn rộng lớn hoa lệ, nhưng vẫn sẽ có một góc bình yên khiến ta cảm giác như được ở nhà.

Năm năm trôi qua, giờ 25 tuổi mình không còn bar sàn nữa, bạn bè xã giao nhậu nhẹt đã gần như đi đâu hết. Mình luôn ra đường với một chiếc áo mưa trong cốp xe, vì mình biết thành phố sẽ trút những cơn mưa đỏng đảnh xuống con người ta bất kỳ lúc nào. Mình thuộc hết các con đường chính, biết men theo các ngóc ngách, mình đam mê những hàng quán đồ Nam mà hội người Bắc bảo thủ sẽ luôn dè bỉu về độ ngọt của đồ ăn. Ở tuổi 25, mình tìm thấy căn nhà đầu tiên mình tự mua trong cuộc đời ở Sài Gòn, tìm thấy sự hài lòng về những quả ngọt đầu tiên của 5 năm cố gắng vươn lên lập nghiệp xa nhà. Và lạ thay thế nào mình lại tìm thấy những đứa bạn thời hoa niên - những em bé Hà Nội tưởng đã chọn những con đường rất riêng hướng về nhiều nơi trên trái đất, cuối cùng lại trở về xây dựng tương lai ở đây, lại giao nhau ở cái góc Pasteur giữa lòng thành phố này.

Khi nghĩ đến lý do chọn nơi này để làm việc, người ngoài cuộc thường nói về cái lý do hơi ấu trĩ vì Sài Gòn sống thoáng, Sài Gòn ham chơi, Sài Gòn hội hè liên miên, Sài Gòn không bao giờ ngủ. Một Sài Gòn của mình khi 20 tuổi.

Nhưng mình tin rằng những ai đã đến và sống ở nơi này đủ lâu sẽ đều có chung một câu trả lời từa tựa như mình bây giờ. Mình chọn Sài Gòn vì nó là thành phố không bao giờ ngừng cho người ta cơ hội. Cơ hội được làm việc, được sống thoải mái, được yêu hết mình. Và đặc biệt hơn những thành phố khác, Sài Gòn luôn cho bạn cơ hội để cảm thấy mình được đón nhận thậm chí trân trọng, nếu bạn đến và muốn làm một đốm sáng trong hào quang chung của nó.

Vài năm trước mình đã thấy cực kỳ buồn cười khi ngồi trên một chuyến bay của Cathay Pacific (Hãng hàng không quốc gia của Hong Kong). Khi máy bay đáp ở sân bay Chek Lap Kok, cô tiếp viên trưởng khi ấy mặc dù là người Philippines nhưng đã nói bằng một giọng điệu cực kỳ tự hào: "Welcome to Hong Kong, Our Home". Mình đã cảm thấy có một điều gì sai sai trong cái câu nói nghe chừng có vẻ không logic ấy. Thế mà bây giờ khi chuẩn bị bay về Tân Sơn Nhất sau một ngày dài, nghĩ về những con người thân quen, về triệu ánh đèn tỏa khắp những nẻo đường của thành phố lung linh này, chờ đến lúc lấy xe máy chở Nàng đi vi vu uống trà trong một buổi tối mùa mưa trời Sài Gòn mát rượi. Mình - kẻ đi đâu cũng nhận là giai Hà Nội, lại dấy lên một niềm yên ấm như một kẻ sắp được về Nhà”.

Sài Gòn
"Nhà" không phải là một định nghĩa cứng nhắc, mỗi người chọn "nhà" trong tim theo một cách riêng.

Không chỉ chàng trai ấy có suy nghĩ lạ đời như vậy đâu, tôi dám chắc còn nhiều bạn trẻ cũng giống thế. Vậy nên, các bạn mới chia sẻ với nhau câu chuyện ấm áp trên, đúng chứ? Tác giả câu chuyện đã nói hộ nỗi lòng của hàng triệu người. Không phải chúng ta, mà chính Sài Gòn đã cảm hóa trái tim những đứa con đang chịu cảnh xa nhà. Ai cũng sẽ cảm thấy choáng ngợp, lạc lõng giữa thành phố gần chục triệu dân này khi gặp gỡ nó lần đầu tiên. Tuy nó không phải một thành phố hoàn hảo như trong mơ, nhưng nó thân thiện, dễ thương, con người Nam Bộ cũng thật xởi lởi, dễ mến, khiến ta cảm giác thân thuộc như quê nhà.

Tôi rất thích một bộ phim hoạt hình có tên là “Home” của DreamWorks, chắc chắn là nhiều người biết và từng xem rồi. “Home” kể về một giống loài kỳ lạ ngoài vũ trụ, suốt bao nhiêu năm vừa chạy trốn kẻ thù trên chiếc phi thuyền khổng lồ, vừa tìm kiếm hành tinh mới làm quê hương. Nội dung phim vừa hài hước vừa đáng yêu, nhưng điều khiến nó trở nên đặc biệt và được yêu thích, là bởi cái tên và bài học ý nghĩa về từ “home” – “nhà”. Ai đi xa rồi cũng muốn trở về nơi chôn rau cắt rốn, không đâu bình yên thoải mái bằng ở nhà, cho ta cảm giác an toàn, đầy tình yêu thương. Nhà có ông bà, có bố mẹ, có chú chó nhỏ, có vườn cây xanh um gắn với bao trò nghịch ngợm tuổi thơ, có khoảng sân ngập nắng, có hàng xóm láng giềng. Nhà – là nơi luôn chào đón chúng ta trở về, dù khi đó ta mỏi mệt, thất bại, buồn phiền, gục ngã, là nơi cho ta vòng tay đùm bọc, sẵn sàng vực ta đứng dậy. Không nhất thiết phải là nơi ta sinh ra, “nhà” cũng có thể là nơi cho ta nhiều kỉ niệm, khiến ta cảm thấy gắn bó, trân trọng như chính quê hương mình.

Chia sẻ