Rớt nước mắt bên trang vở của bệnh nhi Ung bướu

Trương Tuấn,
Chia sẻ

Bên trong những trang vở của bệnh nhi Ung bướu TP.HCM không chỉ là nghị lực phi thường, là niềm đam mê học tập vô bờ bến, mà còn là có những ước mơ dang dở khiến người xem rớt nước mắt...

Ít ra các em cũng viết được tên mình trước lúc ra đi

Lớp học chữ Bệnh viện Ung bướu TPHCM được thành lập 4/9/2009 nhằm hưởng ứng chương trình "Viết tiếp ước mơ của Thúy". Lớp ban đầu do cô Đinh Thị Kim Phấn phụ trách. Lớp học thành lập với mong muốn là giúp các em nhỏ 3 - 6 tuổi chưa từng đi học có thể tự viết được tên mình trước khi ra đi vĩnh viễn, hoặc chí ít cũng có thể phân biệt được những con số đánh trên giường bệnh của mình.

Nhưng về sau nhu cầu học càng cao, nên hiện tại lớp học đã tiếp nhận tất cả các bệnh nhi từ lớp 1 đến lớp 9 do 8 giáo viên và nhiều tình nguyện viên là sinh viên đứng lớp 1 kèm 1. Mỗi tuần lớp học được tổ chức vào 2 ngày: Thứ 6 (14h-16h) và Thứ 7 (8h-9h30).

Rớt nước mắt bên trang vở của bệnh nhi Ung bướu 1
Lớp học tại bệnh viện Ung Bướu

Rớt nước mắt bên trang vở của bệnh nhi Ung bướu 2
Cô Phấn (trái) đang truyền kinh nghiệm cho các bạn trẻ

Rớt nước mắt bên trang vở của bệnh nhi Ung bướu 3

Rớt nước mắt bên trang vở của bệnh nhi Ung bướu 4
Các giáo viên tình nguyện 1 kèm 1

Để tiện cho các em đi lại và bảo quản dụng cụ học tập, sau mỗi buổi học, các em sẽ để tập lại lớp và hôm sau quay lại học tiếp. Tuy nhiên, buồn nhất là có những em dù trang viết còn dở dang nhưng không quay lại lớp nữa vì em đã vĩnh viễn ra đi...

Sau hơn 4 năm hoạt động, lớp học đang giữ 300 quyển tập. Trong đó 1/3 em đã về địa phương tiếp tục đi học, 2/3 là các em đang điều trị tại bệnh viện hoặc đã mất.

Ngày 10/11 này sẽ là lần đầu tiên cô Phấn cùng ban quản lý lớp tổ chức cuộc triển lãm những quyển tập ấy trong chương trình "Ngày hội Hoa Hướng Dương" tại TP.HCM. Mỗi quyển tập là một câu chuyện đầy nước mắt.

Rớt nước mắt bên trang vở của bệnh nhi Ung bướu 5
Cô Phấn gìn giữ những quyển tập như 1 tài sản quí. 
Cô để riêng phần tập của các em còn học và các em đã mất

Rớt nước mắt bên trang vở của bệnh nhi Ung bướu 6
Không chỉ được học chữ, các em còn được vui chơi, văn nghệ

Rớt nước mắt bên trang vở của bệnh nhi Ung bướu 7
Cô Phấn cùng học trò chuẩn bị cho ngày hội và triển lãm 

Thương quá cậu bé Phan Anh Trương - học sinh giỏi toán cấp Tỉnh

Tháng 3/2011, khi đang đứng lớp dạy cho các em nhỏ tập viết thì cô Phấn bắt gặp bé Phan Anh Trường (quê Bình Định) đứng nhìn từ cửa. Cô Phấn hỏi: "Con đã học lớp mấy?" Trường trả lời: "Dạ lớp 6". Vì lúc bấy giờ lớp lớn nhất cô dạy là lớp 5 mà cô chỉ có 1 mình để kèm nhiều em nhỏ, nên cô không thể mời Trường cùng vào học.

Buổi sau, cô Phấn lại thấy Trường đứng đó. Không đành lòng lơ đi ánh mắt háo hức của em, cô mời Trường vào và cho em một số bài toán khó để em làm. Không ngờ Trường quá thông minh, chỉ trong ít phút đã giải quyết xong những bài tập đó. Buổi học sau, cô nhờ một giáo viên khác đến dạy riêng cho Trường. Sau này cô và mọi người mới biết Trường là học sinh giỏi toán cấp tỉnh.

Rớt nước mắt bên trang vở của bệnh nhi Ung bướu 8
Trang viết đầu tiên của Anh Trường tại lớp học vào thứ 6, ngày 18/3/2011

Rớt nước mắt bên trang vở của bệnh nhi Ung bướu 9
Lá thư Trường viết gửi chị Hằng. Không những giỏi Toán, Trường còn giỏi cả văn.

Rớt nước mắt bên trang vở của bệnh nhi Ung bướu 10
 Trường của ngày ấy - khi không đến dự ngày khai giảng được

Vào cuối tháng 8, ngày Khai giảng của lớp học, lẽ ra Trường phải đến để mặc áo trạng nguyên nhưng mãi không thấy cậu bé đâu. Cô Phấn tìm xuống trại thì mới biết sức khỏe Trường đã chuyển xấu. Cô mặc cho Trường chiếc áo trạng nguyên tại ngay giường bệnh.

Biết Trường phải về quê gấp để nhìn mặt người thân lần cuối, cô Phấn đã vội vã chạy để "xoay" một ít tiền tặng em để kịp về quê. Nhưng khi xe vừa đến Nha Trang, Trường đã thì thầm vào tai mẹ: “Nói bác tài chạy nhanh lên kẻo không kịp, con thấy cứng cả tay chân rồi”.

Mẹ em nghẹn ngào hỏi con mình: "Mẹ hay la con khi con đang nằm viện, con có giận mẹ không?" Trường bảo: “Không, con thương mẹ”, rồi cậu bé ra đi khi chưa kịp về đến quê nhà...

Hay tin đó, cô Phấn luôn trách mình chậm chân, giá như tìm được tiền sớm hơn một ngày. Cô đã tìm lại quyển tập của Trường để gửi về cho gia đình lưu giữ. Mẹ Trường mỗi khi buồn vẫn gọi cho cô Phấn và bày tỏ ý nghĩ: "Nếu em có vào Sài Gòn, sẽ tìm đến nhìn chiếc giường mà con em từng nằm vào những ngày cuối đời. Cho đỡ nhớ con”.

Tuy nhiên vừa rồi người mẹ ấy có dịp vào Sài Gòn và nhận ra: Nếu đến đó để nhìn, sẽ càng đau lòng hơn. Vậy là chị lại lặng lẽ bắt xe, rời Sài Gòn trở lại quê.

Để chuẩn bị cho đợt triển lãm này, cô Phấn đã liên lạc với gia đình Trường, và họ đã gửi vào quyển tập của em. Cả cô Phấn và gia đình Trường đều xem quyển tập đó là một báu vật.

Rớt nước mắt bên trang vở của bệnh nhi Ung bướu 11
Quyển tập của Trường dừng lại vào ngày 26/8/11, cũng là 1 ngày thứ 6.

Rớt nước mắt bên trang vở của bệnh nhi Ung bướu 12
Gia đình Trường đã giữ gìn rất cẩn thận và gửi tập trở vào TPHCM cho cô Phấn triển lãm.

Hồ Khương Đằng - cậu bé 1 tay ham học

Bé Khương Đằng quê ở Cần Đước - Long An. Cậu bé lần lượt bị cắt 1 chân đầu tiên, lại cắt luôn chân còn lại, rồi cắt tiếp tay trái, chỉ may mắn còn lại tay phải để viết nhưng rất ham học.

Ngày đầu tiên vào lớp, thấy em buồn, giáo viên định dạy hát, dạy vẽ để vỗ về nhưng em đều không thích. Em chỉ thích học môn Văn. Trước đây, khi được ra đề văn tả người, trái với những mô-típ quen thuộc: tả thầy cô giáo, tả người thân, bạn bè, Khương Đằng đã mạnh dạn tả chị hàng xóm hay sang nhà em chơi. Điều đó chứng tỏ em là một đứa bé cá tính và sáng tạo.

Trang viết cuối cùng của Đằng cũng là một bài tập làm văn vào ngày 14/10. Tuy nhiên chưa hoàn thành thì em đã ra đi. Cô Phấn nghẹn ngào phê vào đó: Bài viết chưa xong. Đó không phải là một lời chê trách mà là một lời động viên, lời mơ ước sao cho em có thể ngồi dậy viết tiếp trang văn ấy. Nhưng điều đó là không thể…

Rớt nước mắt bên trang vở của bệnh nhi Ung bướu 13
Ở đầu mỗi quyển tập, cô Phấn đều ghi lại những suy nghĩ của cô về học trò

Rớt nước mắt bên trang vở của bệnh nhi Ung bướu 14
Buổi học cuối cùng của Khương Đằng và trang văn chưa kịp viết xong

Vô vàn những nỗi niềm khác

Nguyễn Khắc Lam Trường là cậu bé mới gia nhập lớp học vào ngày 1/11/2013. Trong đề bài đầu tiên: “… suy nghĩ của em trong những ngày điều trị tại bệnh viện”, có đoạn Lam Trường đã viết:

Bước vào bệnh viện, em cảm thấy sự bất hạnh của mình và những đứa trẻ ngây thơ mang trong mình căn bệnh nặng. Nhưng không vì thế em buồn và tuyệt vọng. Nhờ sự động viên của bố mẹ và bác sĩ điều trị đã giúp em có động lực chống trả với bệnh tật. Sau đây em muốn nhắn nhủ với các bạn nhỏ rằng:

Các bạn ơi hãy cố lên. Không có bệnh gì có thể vật ngã chúng ta. Hãy cố lên!”

Cô Phấn tâm sự: “Nhìn Trường cô lại nhớ đến Đằng, Trường và những đứa bé khác. Khi vào, trông rất khỏe mạnh, về sau các em yếu dần đi…”

Rớt nước mắt bên trang vở của bệnh nhi Ung bướu 15
Cậu bé có tên Lam Trường hiện tại trông rất tươi tắn và đáng yêu.
 Em đã học lớp 9 nhưng trông cứ như trẻ lớp 5.
Nhìn em, cô Phấn thấy đau xót khi nghĩ đến thời gian tới.

Rớt nước mắt bên trang vở của bệnh nhi Ung bướu 16
Bài viết đầu tiên của Lam Trường

Rớt nước mắt bên trang vở của bệnh nhi Ung bướu 17
Em chỉ vừa đi học được 2 buổi.

Cô bé Phạm Phương Nhi là cô bé rất ngây thơ và trong sáng. Mỗi lần đi học trễ là cô bé rất buồn, giải thích: “Tại cây kim bị cong, vô thuốc chậm”. Cô bé cũng viết về ước mơ của mình: “Con muốn làm bác sĩ. Vì bác sĩ chích con đau quá. Mai mốt con đi chích lại người khác”.

Không dám nói rằng ước mơ của em có thành hay không. Nhưng chắc chắn một điều, những ước mơ và trang viết ấy đã giúp các em thêm niềm tin và sức sống.
Chia sẻ