Rối loạn vị giác do thuốc

,
Chia sẻ

Vị giác của con người có thể bị ảnh hưởng bởi hàng trăm loại thuốc khác nhau, bao gồm cả các thuốc kê đơn, thuốc bán không cần đơn, thảo dược, các loại vitamin và khoáng chất.

Thuốc có thể gây ảnh hưởng đến vị giác do làm giảm chức năng hoạt động của thần kinh vị giác hoặc làm biến đổi cảm nhận về vị hoặc gây ra vị giác ảo. Các nghiên cứu cho thấy, có sự khác biệt đáng kể giữa các cá thể về mức độ nhạy cảm với các rối loạn vị giác gây ra do thuốc.

Mặc dù tần suất và độ lưu hành chính xác còn chưa được xác định nhưng loại tai biến này có xu hướng xảy ra phổ biến hơn ở những người lớn tuổi. Thuốc chống ung thư, kháng sinh, chống nấm, thuốc tim mạch, an thần là những nhóm thuốc chủ yếu gây ra các rối loạn vị giác ở người sử dụng.

Các thuốc kháng sinh, chống nấm và diệt virut

Nhiều loại kháng sinh khi sử dụng có thể gây ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến chức năng vị giác bằng các cơ chế khác nhau.
 


Ví dụ như khi dùng liên tục và kéo dài, một số kháng sinh có thể làm thay đổi hệ vi khuẩn bình thường ở niêm mạc miệng, dạ dày và ruột, dẫn đến các rối loạn vị giác và nhiễm trùng ở vùng răng miệng. Một số kháng sinh có thể gây ra vị đắng, chua hoặc vị kim loại ở trong miệng, một số khác có thể gây rối loạn cảm nhận với một số loại muối.

 Cách uống kháng sinh cũng có thể ảnh hưởng đến mức độ gây rối loạn vị giác của thuốc. Do các kháng sinh tan nhanh hơn trong môi trường axít và vị đắng của chúng thường không được trung hòa bởi các chất gây ngọt nên kháng sinh thường sẽ gây vị đắng trong miệng nhiều hơn nếu được uống cùng với các thức ăn hoặc đồ uống có môi trường axít so với khi được uống cùng nước.

Trong số các thuốc chống nấm, terbinafin là thuốc có liên quan rõ rệt nhất với các rối loạn vị giác.

Thuốc này có thể gây ảnh hưởng đến vị giác thông qua con đường cholesterol pathway hoặc ức chế thụ thể của các enzym cytochrom P450. Các rối loạn vị giác xảy ra ở khoảng 2-3 % số người sử dụng terbinafin.

Khoảng thời gian từ lần đầu uống thuốc cho đến khi xuất hiện các rối loạn vị giác thường là khoảng 5-6 tuần và vị giác thường sẽ hồi phục vài tháng sau khi ngưng dùng thuốc. Rối loạn vị giác liên quan đến terbinafin thường gặp hơn ở những người trên 55 tuổi hoặc có thể trạng gầy.

Một số thuốc diệt virut cũng có thể gây các biến loạn vị giác, thường là vị đắng kéo dài trong miệng. Vị đắng của amantadin và oseltamivir dưới dạng hỗn dịch (thường dùng trong điều trị các loại cúm) sẽ tăng lên nếu thuốc được sử dụng trong môi trường axít.

Các hóa chất chống ung thư

Các thuốc này có thể phá hủy các thụ thể thần kinh cảm giác, từ đó làm giảm khả năng cảm nhận vị giác. Tác nhân thường gặp nhất là carboplatin, cyclophosphamid, doxorubicin, fluorouracil, levamisol và methotrexate vì các thuốc này có thể làm tổn thương các thụ thể thần kinh khứu giác và vị giác.

Các tổn thương này có thể là vĩnh viễn nếu quần thể tế bào gốc cũng bị phá hủy, làm ngăn cản khả năng tái tạo các thụ thể  thần kinh. Các hóa chất chống ung thư cũng có thể ảnh hưởng đến chức năng vị giác bằng cách làm thoái hóa niêm mạc mũi và niêm mạc miệng, lưỡi.

Một số thuốc có thể gây ra vị đắng tức thì sau khi truyền thuốc và trong một số trường hợp có thể làm thay đổi cảm nhận về vị giác trong một vài tháng do thuốc ngấm trực tiếp vào tuyến nước bọt. Mất chức năng của lưỡi cũng được ghi nhận sau dùng pegylated liposomal doxorubicin.

Ngoài ra, hóa chất chống ung thư cũng có thể gây suy giảm miễn dịch thứ phát, dẫn đến nhiễm trùng và nhiều vấn đề khác ở miệng, góp phần gây ra các rối loạn về vị giác.


Các thuốc tim mạch

Gần như tất cả các nhóm thuốc tim mạch đều có liên quan với các rối loạn về vị giác, bao gồm các thuốc điều trị rối loạn mỡ máu, thuốc kích thích giao cảm, thuốc ức chế men chuyển, thuốc chẹn thụ thể angiotensin II, thuốc chống rối loạn nhịp tim, thuốc lợi tiểu và giãn mạch vành.

Trong các nhóm thuốc kể trên, nhóm ức chế men chuyển có liên quan rõ rệt nhất với các rối loạn vị giác, với khoảng 60-70% số người sử dụng có những rối loạn về vị giác ở những mức độ khác nhau. T

rong thực tế, khoảng hơn 1/3 tổng số các thuốc điều chỉnh huyết áp đang được sử dụng hiện nay có những ảnh hưởng không mong muốn đối với vị giác.

Corticosteroid

Corticosteroid có thể gây rối loạn vị giác thông qua cơ chế ức chế miễn dịch tương tự như các hóa chất chống ung thư. Các dẫn chất khác nhau có khả năng gây rối loạn vị giác khác nhau cho dù các hoạt tính khác có thể tương đương nhau.

Theo một nghiên cứu so sánh 3 loại corticosteroid là dexamethason, prednison và prednisolon cho thấy, prednison có nguy cơ lớn nhất và dexamethason có nguy cơ thấp nhất về khả năng gây rối loạn vị giác.

Với các loại corticosteroid xịt mũi dùng trong điều trị các bệnh viêm mũi xoang dị ứng, các nghiên cứu cũng cho thấy, triamcinolon gây rối loạn vị giác nhẹ hơn và ít dư vị hơn so với mometason và fluticasone propionate.

Các loại  corticosteroid đường tiêm truyền nếu dùng liều cao và kéo dài còn có thể gây rối loạn vị giác thông qua các cơ chế độc lập với cơ chế ức chế miễn dịch ở trên.

Các thuốc kháng giáp trạng

Các dẫn xuất kháng giáp trạng nhóm thioamid như thiamazol và carbimazol có thể gây mất cảm nhận vị giác có hồi phục sau khi ngừng dùng thuốc.

Xử trí rối loạn vị giác do thuốc trong thực tế gặp khá nhiều khó khăn, thường đòi hỏi phải giảm liều thuốc, ngưng dùng thuốc hoặc chuyển sang dùng thuốc khác. Với một số loại thuốc, rối loạn vị giác do thuốc có thể được giảm thiểu bằng cách đảm bảo vệ sinh răng miệng tốt. Cũng cần lưu ý là trong một số trường hợp, rối loạn vị giác do thuốc có thể hồi phục rất chậm và diễn biến kéo dài sau khi ngừng thuốc. 

 
 
Theo SKĐS
Chia sẻ