Rét hại, rét đậm: người lớn, trẻ nhỏ "tấp nập" nhập viện

Ngọc Nga,
Chia sẻ

Rét đậm liên tiếp trong những ngày qua khiến số lượng người già và trẻ nhỏ nhập viện tăng cao.

Người lớn đến trẻ nhỏ nhập viện vì lạnh

Mấy ngày qua, các tỉnh phía Bắc đang trải qua đợt rét đậm, rét hại với nhiệt độ thấp nhất từ đầu mùa đông (thường xuyên xuống dưới 9 độ C). Trong điều kiện thời tiết này, rất nhiều người lớn, trẻ nhỏ nhập viện do mắc các bệnh về hô hấp, tim mạch, tiêu chảy…

Trời lạnh khiến tỉ lệ trẻ em nhập viện do mắc các bệnh về hô hấp tăng lên rõ rệt. Tại khoa hô hấp và khoa tiêu hóa, bệnh viện Nhi Trung ương, bố mẹ trẻ nhỏ xếp hàng chật cứng để chờ tới lượt khám.

Chị Quỳnh Trang (Đường Láng, Hà Nội) đang cho con (5 tuổi) khám tại bệnh viện Nhi buồn bã kể: “Bé Nam nhà mình thuộc diện có sức đề kháng rất tốt, từ bé tới lớn rất ít khi bị ho, chỉ thi thoảng mới ốm. Tuy nhiên, mình không hề chủ quan mà vẫn cho con ăn mặc ấm áp. Vậy mà mấy hôm trời rét đậm này con bị ho liên tục, rồi đêm qua sốt cao, thở rít, nhiều đờm, giọng khò khè. Đến đây thì bác sĩ kết luận con bị viêm phổi, mình xót hết cả ruột”. 

Bé Ngô Minh Thái (10 tháng tuổi) phải nhập viện ngay trong ngày hôm qua (6/12) cũng với các triệu chứng ban đầu là hắt hơi, sổ mũi, ho nhẹ. Chị Hiếu – mẹ bé (Bắc Giang) cứ nghĩ con bị cúm như mọi khi nên tự ý mua thuốc như đơn thuốc trước đó về cho con uống. Thế nhưng 2 ngày liên tiếp, bệnh của bé nặng lên thấy rõ, ho nhiều, mũi đặc, người lả đi, không ăn uống... Bác sĩ điều trị cho biết ban đầu bé bị viêm phế quản nhưng do không uống đúng thuốc nên đã chuyển sang viêm phổi, cần nằm viện theo dõi và điều trị. 

Bác sĩ khẳng định, thời tiết lạnh như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh phát triển.
 
Rét hại, rét đậm: người lớn, trẻ nhỏ "tấp nập" nhập viện 1
Trong những ngày lạnh, bệnh viện Bạch Mai lúc nào cũng trong tình trạng đông nghịt bệnh nhân đến khám (Ảnh: Thu Hương).

Không chỉ trẻ nhỏ, mà ngay cả người lớn cũng bị ảnh hưởng sức khỏe trong những ngày rét đậm này. Từ 2 hôm nay, viện Tim mạch Quốc gia, Viện Lão khoa chật cứng người đến khám và điều trị các chứng bệnh về tim mạch, xương khớp. 

Bà Loan (65 tuổi) có tiền sử bị tăng huyết áp, nhưng nhờ giữ sức khỏe bằng chế độ ăn nên bình thường bà khá khỏe mạnh. Tuy nhiên, đợt lạnh này, huyết áp của bà bỗng tăng vọt lên đáng kể, uống thuốc vào có hạ nhưng chỉ số vẫn cao. 

Chị Liên Châu – con gái bà chia sẻ: “Đúng hôm lạnh 9 độ C vừa rồi nhà mình có giỗ, hai mẹ con mình đang vui vẻ làm bếp thì tự dưng mẹ mình bị choáng váng, ói mửa và ngất xỉu. Dù nghỉ ngơi một lúc nhưng tình trạng này lại tái diễn. Cả nhà phải đưa ngay mẹ vào viện thì tại đây các bác sĩ chẩn đoán mẹ bị tăng huyết áp”.

Chị sụt sùi khi biết tất cả biến chứng này có thể sẽ nặng dần và gây ra hậu quả nghiêm trọng, có thể làm bệnh nặng lên, và thậm chí gây chết đột ngột nếu không khám chữa kịp thời.
 
Rét hại, rét đậm: người lớn, trẻ nhỏ "tấp nập" nhập viện 2
Nhiều người còn chuẩn bị sẵn cả chăn gối và đồ dùng để nhập viện (Ảnh: Thu Hương).

Giữ ấm cả ngoài lẫn trong

Để phòng ngừa các chứng bệnh hay gặp cho trẻ trong những ngày lạnh giá như hiện nay và kể cả những đợt tới, bác sĩ Philippe Collin (Khoa Nhi, Bệnh viện Việt Pháp) đưa ra một số lời khuyên cho bậc phụ huynh. 

Trước tiên, các bà mẹ cần chăm sóc con kỹ càng bằng việc giữ ấm. Tuyệt đối, không cho trẻ đi chơi dưới trời mưa lạnh và hạn chế cho con ra đường trời khuya. 

Những bệnh hô hấp, tiêu hóa ở trẻ thường xảy ra mạnh vào giai đoạn chuyển mùa đặc biệt là không khí lạnh như hiện nay, khí hậu này khiến mật độ virus phát triển mạnh tấn công hàng rào miễn dịch của bé. 
 
Rét hại, rét đậm: người lớn, trẻ nhỏ "tấp nập" nhập viện 3
Trời lạnh khiến nhiều trẻ em nhập viện do mắc các bệnh về
hô hấp và tiêu chảy do Rotavivus (Ảnh: Hoàng Hà)

Điển hình là viêm mũi họng, viêm phế quản, viêm phế quản – phổi, viêm phổi. Viêm đường hô hấp dưới ở trẻ thường nặng và nguy hiểm hơn so với các bệnh ở đường hô hấp trên. Trẻ thường sốt cao, khó thở nếu không cấp cứu kịp thời có thể ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ. 

Phụ huynh cần đảm bảo bé được giữ gìn trong phòng kín gió (đặc biệt lúc tắm), tắm xong lau người thật khô. Mỗi khi ra ngoài (đi học, đi chơi) cần mặc ấm cho trẻ, chú ý giữ ấm cổ, chân, bụng, cần có bít tất, khẩu trang, găng tay, mũ len, khăng quàng. 

Đồ ăn uống của trẻ phải được làm ấm, tuyệt đối không uống thức uống lạnh. 

Bác sĩ chia sẻ rằng, một giấc ngủ say, sâu và ngon sẽ khiến hệ miễn dịch của con được cải thiện. Vì vậy, cha mẹ nên chú ý đến giấc ngủ của con. Một bài tập mát-xa nhẹ nhàng làm ấm là một biện pháp được khuyên dùng. Bên cạnh đó, cha mẹ nên chú ý đến con lúc ngủ vì trẻ thường đạp tung chăn.

Bên cạnh đó, cha mẹ cần tăng cường miễn dịch tự nhiên cho trẻ thông qua chế độ dinh dưỡng hợp lý. Trẻ sơ sinh nên bú mẹ, những bé lớn thì nên bổ sung trong bữa ăn bằng những vitamin, khoáng chất quan trọng như sắt, kẽm, DHA, omega 3,… Nên cho bé ăn những thực phẩm ấm người như hoa quả họ nhà cam quýt, gia vị như hành, tỏi. 

Một khi dinh dưỡng nạp vào cơ thể được đầy đủ thì lúc đó cha mẹ sẽ yên tâm phần nào về hàng rào miễn dịch bảo vệ con. Bên cạnh đó, cha mẹ cần tuân thủ đúng lịch tiêm chủng để phòng ngừa bệnh một cách tốt nhất cho con.

Khi thấy con có triệu chứng sốt cao, ho gấp, thở khó khăn, bỏ ăn, quấy khóc… cha mẹ cần đưa con đến khám và điều trị ở bệnh viện ngay.

Thêm vào đó, với người cao tuổi đặc biệt là người có tiền sử mắc bệnh tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh tim mạch,… các chuyên gia y tế khuyến cáo nên năng tập và rèn luyện thể chất.

Nếu trời mưa, rét đậm thì người cao tuổi nên tập thể thao ở nhà, cần lưu ý giai đoạn khởi động, làm ấm người trước khi tập.

Ra ngoài đường trong thời tiết lạnh thì các bác cần phải mặc đủ ấm, mặc áo nhiều lớp mỏng để giữ thân nhiệt ổn định. Chú ý giữ ấm đầu, cổ, ngực và bàn chân.

Đồng thời người cao tuổi cần có chế độ ăn uống đủ chất, ăn nhạt… để tăng sức đề kháng. 



Trong những ngày lạnh giá, khi đi ra ngoài chị em cần đặc biệt chú ý nhằm đảm bảo sức khỏe 
cũng như giữ gìn vẻ ngoài xinh đẹp.

Rét hại, rét đậm: người lớn, trẻ nhỏ "tấp nập" nhập viện 4
Chia sẻ