Rắc rối kinh nguyệt vì chồng đi công tác nước ngoài

BS. Hoa Hồng,
Chia sẻ

Sự gián đoạn trong sinh hoạt tình dục cũng là nguyên nhân làm thay đổi hormone trong cơ thể, kéo theo là thay đổi trong chu kì rụng trứng và rối loạn kinh nguyệt.

Em năm nay 24 tuổi, em đã có gia đình, nhưng một năm rưỡi nay em không có "sinh hoạt vợ chồng" vì chồng em ở nước ngoài. Mấy tháng gần đây kinh nguyệt của em không đều. Gần nửa năm nay em liên tục bị chậm kinh, có tháng chậm đến 2 tuần. Khi đến những ngày gần chu kỳ kinh thì em hay bị nhức mỏi lưng nhưng sau đó kinh nguyệt lại rất ít. Trước đây, kinh nguyệt của em rất đều, không có dấu hiệu đau lưng, đau bụng. 

Em đang hoang mang và không biết mình bị làm sao. Không biết có phải do chồng em đi công tác, chuyện "sinh hoạt vợ chồng" bị gián đoạn nên em mới bị như vậy không? Em có lên mạng đọc thì thấy bệnh viêm ống dẫn chứng cũng là nguyên nhân gây kinh nguyệt không đều. Em đang dự định đi siêu âm tổng quát, liệu như vậy có tìm ra được nguyên nhân không? Em mong bác sĩ cho em lời khuyên.

Em xin cảm ơn bác sĩ nhiều! (Duong Duong)

BS. Hoa Hồng tư vấn:

Bạn Dương Dương thân mến,

Nếu như trước đây chu kì kinh nguyệt của bạn rất ổn định và không có những triệu chứng như đau bụng, nhức mỏi lưng... như bây giờ thì tức là sự thay đổi này không theo chiều hướng tích cực.

Theo như mô tả của bạn thì bạn đang bị rối loạn kinh nguyệt. Rối loạn kinh nguyệt có thể bao gồm chu kì kinh nguyệt thất thường, đau bụng, đau lưng khi có kinh, máu kinh có màu sắc thất thường, kinh nguyệt có mùi hôi... Rối loạn kinh nguyệt chủ yếu do mất cân bằng nội tiết tố trong cơ thể gây ra, mà nguyên nhân dẫn đến mất cân bằng nội tiết tố có thể rất nhiều, điển hình là: bị ốm, do áp lực công việc, áp lực trong cuộc sống, giảm cân đột ngột, tuổi tác, bệnh phụ khoa hoặc bệnh tình dục, thay đổi tâm sinh lý... 

Rắc rối kinh nguyệt vì chồng đi công tác nước ngoài  1
Gián đoạn hoạt động tình dục sẽ gây ra một sự "hụt hẫng" trong cơ chế vận động của các cơ quan trong cơ thể. Ảnh minh họa

Một số bệnh có thể làm tăng nguy cơ rối loạn kinh nguyệt bao gồm: hội chứng buồng trứng đa nang, viêm ống dẫn trứng, u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung… Các bệnh như hội chứng ruột kích thích, bệnh lao, bệnh gan, tiểu đường… cũng có thể là nguyên nhân, tuy hiếm gặp hơn. 

Sự gián đoạn trong sinh hoạt tình dục của bạn cũng có thể là nguyên nhân làm thay đổi hormone trong cơ thể, dẫn đến kết quả kéo theo là thay đổi trong chu kì rụng trứng và kinh nguyệt. Cơ thể bạn đang quen với vòng tuần hoàn có cả hoạt động tình dục, bỗng dưng nay bị gián đoạn sẽ gây ra một sự "hụt hẫng" trong cơ chế vận động của các cơ quan. Bất kì sự thay đổi nào làm gián đoạn chu kì hoạt động của các cơ quan trong cơ thể đều có thể ảnh hưởng đến tuyến thượng thận tiết ra cortisol nhiều – loại hormone có tác động trực tiếp đến các hormone giới tính estrogen, progesterone, và DHEA. Khi lượng cortisol tiết ra bị rối loạn thì sự cân bằng các hormone giới tính cũng bị ảnh hưởng theo chiều hướng không tốt.

Vậy nên, nếu bạn muốn biết chính xác nguyên nhân gây ra tình trạng rối loạn kinh nguyệt của mình, cách tốt nhất là bạn nên đi khám và siêu âm tổng quát. Bạn có thể đến các cơ sở y tế chuyên về sản phụ khoa (bệnh viện Phụ sản Trung Ương chẳng hạn) để được khám và thực hiện những xét nghiệm cần thiết.

Vì nhiều lý do như ở trên, có thể nói rối loạn kinh nguyệt không phải là điều quá xa lạ đối với phụ nữ.Tuy rối loạn kinh nguyệt hầu hết lành tính nhưng cũng có thể gây nên nhiều điều bất tiện trong sinh hoạt, tạo điều kiện nhiễm phải một số bệnh vùng kín, trong trường hợp mất máu nhiều sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, khó chịu. 

Rối loạn kinh nguyệt là do tình trạng mất cân bằng nội tiết tố cơ bản và có thể dễ dàng điều trị (cũng như phòng ngừa). Bạn hãy thả áp dụng những biện pháp sau tại nhà xem sao:

- Thiết lập chế độ ăn uống lành mạnh, đặc biệt là giảm lượng carbohydrates tinh chế, tránh giảm cân đột ngột. Hãy ăn nhiều thực phẩm ít béo để duy trì cân nặng lành mạnh.

- Bổ sung vitamin và khoáng chất, bao gồm magnesium, calcium, dầu cá…

- Giảm căng thẳng thông qua các hoạt động giúp thư giãn tinh thần và cơ thể, tập thể dục đều đặn và vừa phải (có thể tăng hoặc từ từ, cũng có thể giảm so với cường độ hiện tại).

- Theo dõi kỳ kinh của mình để có thể tự điều chỉnh và đi khám khi các triệu chứng này tăng lên và tiêu cực hơn.

Chúc bạn sớm khỏi bệnh!


Nếu bạn đọc có những thắc mắc về sức khỏe tâm sinh lý giới tính cần được tư vấn xin gửi về email: suckhoe@afamily.vn




Hình ảnh về các giai đoạn phát triển của ung thư buồng trứng
Rắc rối kinh nguyệt vì chồng đi công tác nước ngoài  2
Chia sẻ