Quá ớn hàng không giá rẻ: Chậm, hủy chuyến tăng 50%

Theo Vietnamnet,
Chia sẻ

Từ đầu năm đến nay, tỷ lệ chậm, hủy chuyến của các hãng hàng không giá rẻ tại Việt Nam tăng tới 50% - Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) vừa cho biết.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, tính đến hết tháng 5 năm 2014, tỷ lệ chậm hủy chuyến trên tổng số chuyến bay của các hãng hàng không Việt Nam là là 25%, trong đó Jetstar Pacific là 50% (chậm chuyến 46,6%), Vietnam Airlines 14% (chậm chuyến 11,8%), VASCO là 17%. Đứng đầu về chậm hủy chyến thuộc về một hãng hàng không còn lại trên thị trường có kỷ lục lên đến 51% trong đó chậm chuyến 48,4%.

Đây là con số khá cao nếu so với cùng kỳ năm 2013, khi tỷ lệ này có 16% và thực sự gây ảnh hưởng rất lớn đối với chất lượng dịch vụ hành khách.

Theo Cục Hàng không, các sự cố liên quan đến an toàn bay buộc các hãng phải chậm, hủy chuyến trong 6 tháng đầu năm 2014 tăng 39 vụ tương đương tăng 42,3% so với cùng kỳ năm 2013.

Quá ớn hàng không giá rẻ: Chậm, hủy chuyến tăng 50% 1
  Nhiều chuyến bay tối hoặc đêm bị chậm, hủy khiến khách phải vật vạ qua đêm ở sân bay hoặc sáng sớm mới về tới nhà (ảnh minh họa - NLĐ)

Trong đó, sự cố do nguyên nhân kỹ thuật: 66 vụ; sự cố do khách quan: 33 vụ (chim va đập 15 vụ; thời tiết 13 vụ; vật ngoại lại 05 vụ); thì sự cố liên quan đến yếu tố con người chiếm 23 vụ (4 vụ liên quan thành viên tổ bay, 3 vụ liên quan nhân viên bảo dưỡng tàu bay, 1 vụ liên quan nhân viên phục vụ mặt đất, 1 vụ liên quan nhân viên điều phái chuyến bay, 14 vụ liên quan hành khách) và sự cố do nguyên nhân khác: 09 vụ.

Tuy nhiên, Cục Hàng không Việt Nam nhận xét, ngoài các nguyên trên, có đến 50% số chuyến bị chậm, hủy có nguyên nhân liên quan đến việc dồn chuyến, hủy chuyến vì lý do thương mại, cơ sở vật chất của cảng hàng không vào các giờ cao điểm.

Đáng lưu ý là khi xảy ra các tình huống chậm, hủy chuyến, đối với các hãng hàng không giá rẻ cách giải quyết chưa thỏa đáng dẫn tới xảy ra tình trạng nhiều trường hợp hành khách bức xúc, tranh cãi, lớn tiếng... làm mất an ninh trật tự tại nhà ga, gây kéo dài thời gian làm thủ tục cho nhũng hành khách khác.

Nguyên nhân, theo lý giải của cơ quan quản lý, là do một số nhân viên của hãng chuyên môn còn hạn chế, cách trả lời, giải thích cho hành khách còn vòng vo né tránh. Đồng thời, vào một số thời điểm không có nhân viên của đại diện hãng tại khu vực làm thủ tục để giải quyết những bức xúc của hành khách.

Việc thông tin cho hành khách đối với các chuyến bay bị chậm có thời gian dài và chưa xác định được thời gian khởi hành cũng chưa kịp thời, dẫn đến việc hành khách bức xúc do phải chờ đợi và mệt mỏi khi nhận được thông tin giờ khởi hành thay đổi liên tục.

Trả lời báo giới, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, ông Lại Xuân Thanh, cho hay cơ quan này sẽ thông tin công khai tình trạng chậm, hủy chuyến của các hãng bay từ 1/7 tới.

Từ đầu năm đến nay, thị trường hàng không Việt Nam vẫn giữ đà tăng trưởng tốt. Tổng thị trường vận chuyển hàng không Việt Nam 6 tháng đầu năm ước đạt 16,3 triệu khách, 372 nghìn tấn hàng hoá, tăng tương ứng 13% về hành khách và 24% về hàng hóa so với cùng kỳ năm 2013.

Tổng lượng thông qua các cảng hàng không Việt Nam đạt đạt 24,7 triệu khách, 448 nghìn tấn hàng hoá, tăng tương ứng 15% về hành khách và 22% về hàng hóa so với cùng kỳ năm 2013.

6 tháng đầu năm, cả nước có 117 chuyến bay bị ảnh hưởng do thời tiết xấu, trong đó có 106 chuyến phải bay chờ, tiếp cận hụt, đi sân bay dự bị do thời tiết xấu tại các sân bay và 11 chuyến bay lệch sang biên giới do thời tiết trên đường bay xấu (chưa kể các chuyến bay hủy do thời tiết). Các sân bay bị ảnh hưởng nhiều nhất trong tháng là Nội Bài (21 chuyến), Tân Sơn Nhất (70 chuyến).


Chia sẻ