Phụ nữ và đường đến cầu vồng để tìm ra hạnh phúc - Ảnh 1.

Có bao giờ bạn tự hỏi hạnh phúc có bao nhiêu màu? Tôi xin được nói rằng với phụ nữ chúng ta, hạnh phúc đa sắc màu như chiếc cầu vồng! Vậy bạn sẽ chọn tất cả những mảng màu hạnh phúc hay chọn một màu đơn sắc?

Cuộc đời người phụ nữ là một hành trình dài đi đến cầu vồng để tìm hạnh phúc. Hạnh phúc của người phụ nữ nhạy cảm mang rất nhiều rung động với những gam màu rất khác nhau? Đó là màu hồng trong niềm hạnh phúc khi lần đầu tiên soi gương thấy má đỏ ửng và mình chớm trở thành con gái, đó là niềm hạnh phúc màu xanh lấp lánh trong ánh mắt khi nhận lời cầu hôn từ một chàng trai, màu trắng tinh khôi và giấc mơ lên xe hoa về nhà chồng đã thành hiện thực, ngày vỡ òa hạnh phúc làm mẹ với nước mắt trong suốt như màu pha lê khi đón đứa con đầu lòng…Ai bảo cầu vồng chỉ có 7 màu, tôi nói cầu vồng là đa sắc!

Là phụ nữ, đã bao giờ bạn nghĩ về hình mẫu phụ nữ mà mình muốn trở thành? Nghĩ về cuộc đời mình đang sống hay chưa? Hoặc có bao giờ bạn khao khát giải phóng bản thân vì bạn đang sống cuộc đời của ai đó… không phải mình?

Đàn bà cưới chồng, chẳng có gì to lớn hơn ước mơ được san sẻ và thấu hiểu từ người bạn đời. Đó không phải là yêu cầu quá cao xa với một người ngủ chung giường, ăn chung bát và thở cùng hơi thở với mình nhưng với quãng thời gian tính bằng vài năm, vài chục năm thì bao nhiêu người kiên nhẫn chia sẻ với nhau tất cả vui buồn?

Phụ nữ và đường đến cầu vồng để tìm ra hạnh phúc - Ảnh 2.

Phụ nữ và đường đến cầu vồng để tìm ra hạnh phúc - Ảnh 3.

Những phụ nữ trẻ tuổi như tôi luôn trăn trở về sự khác biệt giữa phụ nữ Việt và phụ nữ phương Tây để tìm con đường đi đến hạnh phúc.

Trong quan hệ giữa vợ và chồng: phụ nữ phương Tây từ lúc yêu nhau cho đến kết hôn và về nhà chung sống, họ cho rằng vợ chồng đều có trách nhiệm như nhau. Nhiều khi đàn ông làm các công việc gia đình thậm chí còn nhiều hơn cả phụ nữ, kể cả chăm sóc con cái. Theo tôi, cả hai vợ chồng đều cùng làm các công việc là điều cần thiết, nó sẽ giúp vợ chồng gắn bó với nhau hơn. Phụ nữ phương Tây không chỉ tận hưởng niềm hạnh phúc từ những mảng màu của hôn nhân. Họ luôn giữ bên mình những mối quan hệ khác với bạn bè, gia đình, đam mê như tô thêm những màu khác cho cuộc sống của mình.

Còn ở Việt Nam, ngay từ lúc yêu nhau, người phụ nữ đã mặc định mình phải quan tâm người yêu nhiều hơn, nâng khăn sửa túi, làm đẹp cho người yêu như là trách nhiệm của họ. Và khi cưới nhau, hầu như công việc gia đình được giao nghiễm nhiên cho phụ nữ. Dần dần cuộc sống của phụ nữ Việt chỉ còn chồng con và bếp núc. Anh chồng đi làm về gần như không động tay vào công việc gia đình. Các bữa nhậu vui vẻ với bạn bè, đối tác được cho là làm việc. Nhiều phụ nữ Việt Nam khá vất vả vì vừa phải đi làm, vừa phải chăm sóc con cái, vừa phải lo toan hầu hết các việc gia đình. Trong khi đó, tại Canada, Mỹ, Úc… bất kể người đàn ông có kiếm được nhiều hay ít tiền đều phải có trách nhiệm cùng chia sẻ với vợ việc nhà, chăm sóc con cái. Kể cả các tổng thống hay những người rất giàu có vẫn chui vào bếp như thường, dạy con học và đưa con đi chơi. Họ vẫn phải dành thời gian nhất định cho gia đình.

Quan trọng hơn hết, những người đàn ông này không hề có quan niệm chỉ cần kiếm thật nhiều tiền về nhà, còn lại thuê người làm, kể cả thuê người chăm sóc con. Họ cho rằng đây là quan niệm này rất sai lầm, vì lúc đó ý nghĩa về cuộc sống gia đình không còn nhiều.

Phụ nữ và đường đến cầu vồng để tìm ra hạnh phúc - Ảnh 4.

Quan niệm đàn ông kiếm tiền là đủ, việc nhà thuê người làm, kể cả việc chăm sóc con cái đã làm mất đi ý nghĩa về cuộc sống gia đình. Phải chăng quan điểm về kiếm tiền và trách nhiệm nâng khăn sửa túi đã trói buộc người phụ nữ trong chiếc tạp dề trên bếp?

Tôi lại nghĩ về câu chuyện sau khi có con, nghĩ về những năm tháng qua, khi ở độ tuổi của tôi bây giờ mẹ tôi đã có những năm đứa. Nghĩ thôi tôi đã rùng mình vì núi việc nhà vây lấy mẹ lúc đó để hoàn thành sứ mệnh của một người vợ đảm.

Phụ nữ và đường đến cầu vồng để tìm ra hạnh phúc - Ảnh 5.

Và có một quan điểm rất khác biệt giữa người phương Đông và phương Tây cũng vô hình tạo áp lực lên người phụ nữ. Đó là quan điểm về con cái trong gia đình. Với người phương Đông, một đứa con ra đời được chào đón nồng nhiệt và những nỗi buồn, niềm vui của cả nhà xoay quanh đứa con. Sự quan tâm này đi kèm với bao bọc, đôi khi khiến đứa con thấy mất tự do. Trong khi người phương Tây thì khác, con cái cũng có vị trí ngang với các thành viên, nhận được yêu thương, có quyền lợi và nhiệm vụ riêng. Những đứa trẻ phương Tây được dạy tính tự lập và chia sẻ từ bé. Đủ 18 tuổi, họ không còn sống chung với bố mẹ.

Mới chỉ lướt qua hai sự khác biệt về quan hệ vợ chồng và con cái thôi tôi đã thấy những phụ nữ phương Tây được giải phóng rất nhiều khỏi những việc lặt vặt linh tinh ở nhà. Họ không cần một tí là con cái gọi mẹ ơi, cái này ở đâu, cái kia ở đâu như người Việt. Hoặc con cái sẽ tự dọn đồ chơi thay vì họ trở về sau một ngày làm việc lại thấy nhà cửa bừa bộn đồ chơi trẻ. Đây có lẽ là hình ảnh ám ảnh, bức tường cản trở những người phụ nữ trẻ tuổi như tôi khi nghĩ về hôn nhân. Đây cũng là lời giải thích vì sao phụ nữ phương Tây cũng có 24h như phụ nữ Việt nhưng họ lại thư thả như vậy.

Không khó gì để bạn bắt gặp những phụ nữ Anh, Pháp thảnh thơi ngồi café sáng, thoải mái bên từng trang sách. Họ đi du lịch khắp Việt Nam trong một hai tháng mà mảy may không chút lo lắng nào về việc ở nhà. Chuyện phụ nữ phương Tây bỏ hết việc nhà để theo đuổi đam mê cũng chưa từng lạ lẫm. Họ ung dung vẽ tranh trong khi những người khuân vác đang dọn nhà, cắt tỉa vườn cây. Họ tha hồ đi uống cùng bạn bè để con ở lại cùng bố.

Tôi không cổ xúy cho lối sống của những phụ nữ vì bản thân quá nhiều bởi vốn dĩ tôi vẫn là người Việt. Tôi biết ơn sự khác biệt văn hóa trong mối quan hệ gia đình của người Việt và phương Tây. Tôi biết ơn bố mẹ khi tôi đã ba mươi tuổi nhưng vẫn luôn được bảo bọc và che chở như ngày tôi còn thơ bé. Chính những thương yêu, bảo bọc và hi sinh đó đã làm nên phép màu và vẽ nên nét đẹp phụ nữ Á Đông.

Phụ nữ và đường đến cầu vồng để tìm ra hạnh phúc - Ảnh 6.

Nhưng đôi khi tôi lo lắng những năm tháng của mẹ sẽ cạn dần, tôi thầm ước mẹ có thể buông bỏ bớt việc nhà. Tôi giục mẹ đi du lịch, mua những món đắt tiền nhất mà ăn, làm những gì mẹ thích. Cũng đôi khi tôi thầm nghĩ phải chăng: “Ôm việc nhà để làm một người vợ đảm, phụ nữ có ích kỷ khi cố trở thành một người hoàn hảo trong khi chồng con cần họ chia sẻ nhiều khoảnh khắc thú vị hơn… chứ không chỉ là bữa cơm, việc nhà?”

Phụ nữ và đường đến cầu vồng để tìm ra hạnh phúc - Ảnh 7.

Không chỉ từ bé tôi đã thiếu những khoảng thời gian chia sẻ những điều tuyệt vời cùng mẹ, mà cả bây giờ, khi tôi về thăm nhà, mẹ vẫn tất bật với việc nhà, không nhiều thời gian cho tôi và bố, dù chỉ uống chén trà, ăn miếng bánh và nói chuyện cùng nhau. Thi thoảng tôi vẫn năn nỉ mẹ ngồi lại cho tôi chia sẻ nhiều điều, nhưng gương mặt người vẫn đầy lo lắng: “Mẹ ra xem cái ổ gà, mẹ quên mâm chén chưa rửa…”. Thế là tôi cũng tần ngần không biết sao để giải phóng mẹ khỏi mọi thứ, chẳng lẽ chỉ một cách duy nhất là anh trai cưới vợ.

Cần một phụ nữ khác thay mẹ tôi đảm đương việc nhà?

Có nghĩa là một phụ nữ khác sẽ bị trói chân trong căn bếp?

Đã đến lúc tôi nghĩ về chuyện “buông bỏ việc nhà” cho tất cả những người phụ nữ tôi yêu quý.

Đã đến lúc tôi nói với họ rằng “việc nhà có thể đợi” nhưng con đường đến cầu vồng đi tìm hạnh phúc của mỗi người thì không.

Phụ nữ và đường đến cầu vồng để tìm ra hạnh phúc - Ảnh 8.

Tôi muốn nói với tất cả phụ nữ Việt Nam rằng, không chỉ có màu khói bếp, không chỉ có màu của chiếc tạp dề, hãy bước đi trên con đường đến cầu vồng để thấy còn rất nhiều mảng màu của hạnh phúc. Tận hưởng những mảng màu cầu vồng khác nhau của cuộc sống tự do chính là điều phụ nữ Việt cần.

Phụ nữ và đường đến cầu vồng để tìm ra hạnh phúc - Ảnh 9.