Phụ nữ trầm cảm sau sinh: "Tôi từng gặp nhiều câu chuyện đau lòng"

Nguyễn Đức Hiển,
Chia sẻ

Mặt khác dù xác định nguyên nhân là do người mẹ lâm vào tình trạng tâm sinh lý không bình thường do tác động của việc sinh con nên thực hiện hành vi giết con mới đẻ, nhưng luật vẫn quá hà khắc khi giới hạn tuổi nạn nhân là 7 ngày tuổi.

LTS: Vụ án người mẹ 19 tuổi là nghi phạm dìm chết con trai 33 ngày tuổi ở Hà Nội một lần nữa khiến dư luận rúng động và nhận thức rõ hơn về "con quỷ" vô hình: trầm cảm sau sinh đối với phụ nữ.

Là một nhà báo có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật, xã hội, nhà báo Nguyễn Đức Hiển đã có bài viết day dứt về vấn đề này trên phương diện tình cảm lẫn pháp lý.

Được sự đồng ý của tác giả, chúng tôi xin trích đăng bài viết để cung cấp thêm cho bạn đọc góc nhìn về vấn đề đang khiến nhiều người quan tâm này:

"Hôm nay, câu chuyện người mẹ trẻ 19 tuổi giết đứa con 33 ngày tuổi quá đau lòng. Càng đau hơn khi bất luận vì lý do gì, nhiều khả năng cô ấy sẽ bị buộc tội giết người với tình tiết tăng nặng là giết trẻ emTôi nhớ câu chuyện về N, bạn tôi.

Tôi chơi thân với N, từ nhỏ, giờ vẫn thân. Nó gù, tàn tật, chỉ hàm răng cười khi nào cũng trắng bóng khiến tôi nhớ cái hình ông da đen quảng cáo kem đánh răng.

Ba nó bỏ đi, mẹ nó sinh nó một mình. Tôi nhớ hồi đó cách đây gần 30 năm có lần nó kể khi mới sinh nó, mẹ nó bỏ vô cái bao dòng dây kéo rút lên xà nhà như người ta chơi ròng rọc, và lảm nhảm. "Nhà ngoại tao kể má tao vừa làm vậy vừa lảm nhảm là muốn giết tao!". Nó kể và cười. Tôi hỏi nó mày có hận không, có thương má mày không?. Nó nói thương, không hận, và nó nghĩ má nó cũng thương nó, chỉ là khi đó bả khùng khùng sao đó.

Phụ nữ trầm cảm sau sinh: Tôi từng gặp nhiều câu chuyện đau lòng - Ảnh 1.

Nhà báo Nguyễn Đức Hiển

Sau này tôi học Luật, có các môn tâm lý học tư pháp, tâm lý tội phạm, tội phạm học. Giảng viên nói khá nhiều về chứng trầm cảm sau sinh. Theo đó, có một tỷ lý do để người phụ nữ bị trầm cảm: nghèo khó, stress, mất ngủ do giấc ngủ gián đoạn vì cho con bú, đẻ con gái hoặc con tàn tật bị chồng và gia đình chồng thờ ơ, chì chiết.

Trong quá trình làm nghề tôi đã gặp những trường hợp đau lòng, chồng bị di chứng do rượu chè, nhiễm độc nhưng khi người mẹ đẻ con không bình thường bị nhà chồng ghẻ lạnh, chì chiết đổ lỗi; và bản thân người mẹ cũng mặc cảm có tội, muốn giải thoát hoặc đổ thù oán lên đứa con mới sinh. Lại có người mặc cảm xấu xí khi da rạn, dáng xấu. Thậm chí có người vợ stress đến mức tự tử vì bà mẹ chồng ghen tức với con dâu: xưa tôi đẻ chồng cô mấy ngày đã phải dậy làm quần quật, nay cô được chăm như bà hoàng mà còn đòi hỏi này nọ.

Nhiều tháng trời tôi chăm vợ con trong bệnh viện, sau này vì lý do nghề nghiệp mình cũng từng tiếp xúc với những bà mẹ trẻ bất hạnh. Suốt thời gian ấy tôi từng chứng kiến và nghe kể nhiều chuyện bà mẹ đối xử với đứa con mới sinh mà nếu bình thường, khó ai có thể tin là có thật.

Có những người phụ nữ thiểu số khi sinh con không bình thường đã đem vứt đứa bé. Nhiều phụ nữ dân tộc chỉ vì tin lời thầy cúng là đứa bé bị ma nhập, và giết con mình vì nghĩ nó là con ma...v..v.

Phụ nữ trầm cảm sau sinh: Tôi từng gặp nhiều câu chuyện đau lòng - Ảnh 2.

Trầm cảm sau sinh có thể khiến người mẹ hành động rất tàn nhẫn với con mà không hề ý thức được.

Trầm cảm sau sinh là trạng thái sức khoẻ tâm thần đặc biệt của phụ nữ, là thứ bệnh lý có thể dẫn đến hành vi giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ như vậy. Nó không quá cá biệt.

Hiện tượng trầm cảm sau sinh là phổ biến, có điều cho đến nay quy định của pháp luật, theo tôi, vẫn chưa ổn.

Trước đây, theo Luật hình sự 1985, "giết con mới đẻ" được quy định như là một khoản của tội giết người với mức giảm nhẹ đặc biệt. Còn theo Bộ Luật Hình sự 1999, nó là một tội độc lập: "Tội giết con mới đẻ" với mức phạt tù ba tháng đến hai năm, với chủ thể là mẹ ruột. Khác với tội giết người, nạn nhân là trẻ em sẽ là tình tiết tăng nặng mà mức hình phạt có khung cao nhất là tử hình.

Tuy nhiên bào chữa được trong trường hợp trên là rất khó. Bởi theo quy định của luật hình sự Việt Nam thì chỉ những trường hợp do lạc hậu (mê tín, ảnh hưởng tư tưởng trọng nam khinh nữ...) mới được xem thuộc tội "giết con mới đẻ". Nếu do những ức chế có thể vượt qua thì vẫn bị xử tội giết người với tình tiết tăng nặng là giết trẻ em! Tuy nhiên thế nào là ức chế có thể vượt qua, lại là một tiêu chí rất định tính và lệ thuộc vào cảm nhận của người xét xử hơn là cảm nhận của người mẹ có hành vi giết con mới đẻ.

Mặt khác dù xác định nguyên nhân là do người mẹ lâm vào tình trạng tâm sinh lý không bình thường do tác động của việc sinh con nên thực hiện hành vi giết con mới đẻ, nhưng luật vẫn quá hà khắc khi giới hạn tuổi nạn nhân là 7 ngày tuổi.

Theo Nghị quyết 04/HĐTP ngày 29/11/1986 của Hội đồng thẩm phán - Tòa án nhân dân tối cao là 7 ngày kể từ ngày sinh con kết hợp với hoàn cảnh bất đắc dĩ (do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc do hoàn cảnh đặc biệt khác) mà giết con mới để hoặc vứt bỏ đứa con mới đẻ dẫn đến hậu quả chết người. Nếu nạn nhân là em bé từ 8 ngày tuổi thì người mẹ vẫn bị truy cứu về tội giết người với tình tiết tăng nặng là giết trẻ em.

Điều này thoạt nhìn có vẻ bảo vệ khách thể là trẻ em, nhưng thiếu công bằng với những người mẹ stress trong thời gian dài liên tục. Quy định như vậy không phản ảnh chính xác căn nguyên hành vi phạm tội. Cơn stress, trầm cảm cỡ đó nổi lên thì người mẹ không thể ý thức được là họ giết đứa con 7 ngày hay 7 ngày+1 giờ. Một giờ thôi, khung hình phạt chênh nhau từ hai năm đến tử hình

Tôi nghĩ đây là câu chuyện dài mà Khoa học pháp lý lẫn tâm thần học phải tính đến."

*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Chia sẻ