Phụ nữ phải đúng là phụ nữ

Theo Pháp luật TP HCM,
Chia sẻ

Bình đẳng không phải là có một ngày đặc biệt để tôn vinh, chúc tụng. Bình đẳng là giá trị và vai trò của người phụ nữ trong mọi ngày đều được giữ như vậy.

Bài viết được tác giả Nguyễn Đức Thành Vĩnh chia sẻ trên báo Đại Đoàn Kết ngày 19-3 nêu những quan điểm rất cụ thể và xác đáng về bình đẳng giới và vị trí của người phụ nữ trong chính nhận thức của họ.

Theo tác giả, thế giới khi đặt ra ngày Quốc tế phụ nữ 8-3 ở thời kỳ mà người ta phải có những cuộc đấu tranh vì quyền lợi của người phụ nữ. Đó là ngày để nhắc nhở về một mốc son mà phụ nữ cơ bản đã đạt được quyền bình đẳng trên các lĩnh vực. Ngày ấy không có nghĩa là “hôm nay phụ nữ được bình đẳng hay tôn vinh”.

Hơn 100 năm sau, mặc dù thế giới có nhiều tiến bộ hơn, Việt Nam chúng ta cũng có những bước phát triển trong vấn đề bình đẳng giới nhưng cũng đồng thời nảy sinh những quan niệm khiến bình đẳng giới đi xa khỏi bản chất thực sự của nó.

Có rất nhiều người phụ nữ cảm thấy hạnh phúc khi họ nấu ăn, khi họ chăm sóc con cái. Cho nên khi nghiên cứu hoặc truyền thông về bình đẳng giới không thể cứ tiếp tục đem tiêu chí bao nhiêu phần trăm đàn ông nấu ăn hay chăm sóc con cùng vợ ra để làm thước đo cho chỉ số về bình đẳng giới.

Một xã hội đạt tới bình đẳng giới hoàn toàn là khi phụ nữ được là chính họ, hạnh phúc với lựa chọn của họ. Chứ họ không cần phải chạy theo tiêu chí của các nhà nghiên cứu mới chứng minh rằng như thế mới là có bình đẳng giới.

Bình đẳng giới có thể bị hiểu sai

Tác giả dẫn ra kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) trong công trình Các yếu tố xã hội quyết định bất bình đẳng giới ở Việt Nam. Trong đó có những câu như “phụ nữ chân yếu tay mềm lại gánh phần lớn công việc trong gia đình, còn đàn ông thì chỉ biết mỗi làm... trụ cột”. Người viết chỉ ra rằng đây là một quan niệm khá mâu thuẫn bởi một mặt các nhà nghiên cứu khuyến nghị “thay đổi quan niệm truyền thống, áp đặt về vai trò người phụ nữ, khuyến khích nam giới chia sẻ công việc gia đình, thúc đẩy tính tự chủ của phụ nữ và khuyến khích phụ nữ mạnh dạn nắm lấy vai trò lãnh đạo cả trong gia đình và ngoài xã hội”; mặt khác họ lại coi phụ nữ là chân yếu tay mềm, cần được ưu tiên.

Quan điểm phụ nữ cần được ưu tiên, tôn vinh chỉ vì phụ nữ luôn ở trong vị trí đối tượng cần chiếu cố. Thực chất, bình đẳng giới thực sự là người phụ nữ phải tin rằng họ có thể làm được bất cứ việc gì mà khả năng họ cho phép, họ đủ khả năng, họ làm tốt nhất và họ hạnh phúc khi làm điều đó.


(Minh họa: Wow Makers)

Nhiều phong trào và lý thuyết hiện nay đang đưa đến sự bình đẳng giới sai lệch. Ví dụ đề cao những ngày lễ đã khiến chính người phụ nữ trong xã hội có tâm lý thụ động chờ được “tôn vinh”, ưu tiên, tặng quà... Rồi lại đem kết quả có được đó ra làm tiêu chí của hạnh phúc và bình đẳng. Tác giả Thành Vĩnh khẳng định chỉ khi nào trong chính quan niệm của phụ nữ không còn trông chờ vào ngày lễ tôn vinh thì đó mới là lúc họ đạt tới mức tự chủ thực sự.

Sẽ không bao giờ có bình đẳng giới nếu hoa, quà, liên hoan, ưu ái chỉ được trình diễn vào ngày lễ trong khi mấy trăm ngày còn lại người ta không sống với nhau bằng tôn trọng hay yêu thương, chia sẻ. Trông chờ vào sự thể hiện của cánh mày râu chỉ càng đẩy phụ nữ vào thế yếu đuối, thụ động.

Tự chủ là yếu tố quan trọng của bình đẳng giới

Tác giả bài viết một lần nữa nhấn mạnh sự tự chủ của người phụ nữ trong cuộc sống của mình mới thực sự là yếu tố quan trọng của bình đẳng giới. Cái tự chủ đó phải bao trùm mọi mặt của cuộc sống. Người phụ nữ thích hoạt động xã hội, thích làm chính trị hay thích làm người nội trợ... đó hoàn toàn là quyền chủ động của họ.

Một chủ đề luôn luôn được đưa ra trong mọi cuộc tranh luận về bình đẳng giới là “phụ nữ nên hy sinh hay không hy sinh vì chồng con, gia đình?”. Loại trừ những trường hợp người phụ nữ vị bạc đãi, còn vì sao lại tự xem việc chăm sóc chồng con là một sự hy sinh? Nếu không bị ép buộc, khi người phụ nữ thực hiện thiên chức của mình trong yêu thương và hạnh phúc thì đó chính là bình đẳng giới, không phải là hy sinh.

Trong thời đại này mọi suy nghĩ áp đặt, máy móc đều không phù hợp. Không phải để có bình đẳng thì phụ nữ nói không với việc nhà và ngược lại không phải nam giới làm việc nhà thì đó là bình đẳng.

Điều căn bản là phụ nữ phải cảm thấy hạnh phúc và hoàn toàn tự chủ khi họ làm việc của họ, việc đó có thể là nấu cơm, giặt giũ, chăm sóc những người họ yêu thương hay tả xung hữu đột trên thương trường, nghị trường… là do họ chọn lựa, họ có quyền đó.

Kết thúc bài biết, tác giả Thành Vĩnh cho rằng hãy cứ để phụ nữ chính là phụ nữ. Họ có thể làm rất tốt việc này nhưng lại không làm được việc khác. Họ càng có thể làm được bất cứ việc gì không cần trông đợi người đàn ông ra tay. Họ trước hết cần một phẩm chất đàn bà, bởi vì chỉ khi ấy họ mới trở nên lộng lẫy.

Tôi nghĩ rằng phụ nữ chỉ thực sự mạnh mẽ khi họ không còn ý thức cái sự - phụ - nữ của mình nữa. Mở báo ra thấy viết về những người phụ nữ làm phu hồ, làm cửu vạn, đạp xích lô… chúng ta hay kêu lên không thể như thế được, họ là phụ nữ mà nhưng biết đâu người trong cuộc ấy vặn lại “sao lại không?”. Cái tâm lý nháo nhác chờ quà tặng, đợi tiệc tùng vào những dịp 8-3, chị em dần đánh đồng ý nghĩa của “giải phóng” chính là “nổi loạn”, “đòi quyền lợi”. Phụ nữ tụ tập rủ nhau ngồi quán bia, tự huyễn hoặc là mình đang được coi trọng, đã được giải phóng.

Má tôi cả đời sống ở nông thôn. Bà chưa từng nhận hoa hay lời chúc tụng nào vào 8-3 hay 20-10. Nhưng má không buồn. Đám ruộng má tôi coi năm nào cũng trúng mùa hơn những đám ruộng trong xóm, vốn được chăm sóc bởi những ông nông dân thứ thiệt. Bà nhạy cảm với cây cỏ, nắng mưa, không chống chọi thiên nhiên mà nương theo nó. Má xa lạ với cái câu mà những người phụ nữ quê khác hay thở dài ở đầu môi: cái phận đàn bà mình…”.

(Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư)

Chia sẻ