Phụ nữ: Một loại rượu đựng trong các loại bình khác nhau

Đặng Tuyền,
Chia sẻ

Cuộc sống hôn nhân tưởng muôn màu sắc với quan niệm: mỗi cây mỗi hoa … Nhưng đối với một người phụ nữ đã hai lần kết hôn, hôn nhân là một loại rượu đựng trong những bình khác nhau.

Chị có thể đưa ra một nhận xét chung nhất về hôn nhân sau hai lần kết hôn?
 
Đó chỉ là một loại rượu được đựng trọng các loại bình khác nhau.
 
Thật thú vị. Nghĩa là bản chất hôn nhân, dù có lập gia đình bao nhiêu lần thì vẫn giống nhau?
 
Đúng vậy! Tôi có “may mắn” hơn một số chị em khác là được “hưởng” hai lần kết hôn. Nói như các cụ thì đó là sự truân chuyên của người phụ nữ. Cũng là một lần để tôi so sánh các trải nghiệm về hôn nhân. Tôi nhận ra: bản chất của hôn nhân giống nhau, cho dù bạn lập ra đình với ai, lập gia đình mấy lần.
 
Trước tiên đó là việc chung sống với một người đàn ông. Chị em phụ nữ mình thường hay có những so sánh người đàn ông này với người đàn ông kia, giống như đàn ông hay so sánh về phụ nữ. Nhưng chẳng có ai tốt hơn ai, cũng chẳng ai phù hợp với mình hơn ai. Người ta nếu tốt ở mặt này sẽ  “bốc mùi” ở mặt khác. Ông trời công bằng với những đức tính tốt và những khiếm khuyết của con người.
 
 
Bạn có giữ được cuộc hôn nhân hay không không phụ thuộc vào việc may hay khôn. Đó là sự trải nghiệm trong cuộc sống. Những trải nghiệm sẽ giúp bạn giải quyết mâu thuẫn trong hôn nhân tốt hơn. Bạn hãy nhớ lời tôi: không có ai yêu nhau cả đời được. Người ta có giai đoạn yêu, ghét, chán, cần, không cần, chịu đựng… trong cuộc sống hôn nhân. Bạn hiểu điều đó để đừng kỳ vọng vào một cuộc hôn nhân hoàn hảo. Chỉ khi bạn nhắm mắt xuôi tay bạn mới tổng kết xong vấn đề.
 
Đang sống trong cuộc hôn nhân thứ hai với những quan điểm “rộng lượng” hơn về hôn nhân, chị có thể nói gì về người chồng cũ, về cuộc hôn nhân cũ?
 
Tôi không muốn nói về vấn đề này. Về vấn đề chung tôi đã nói ở trên, có lẽ cô không chú ý. (cười hơi khó chịu).
 
Nhưng nguyên nhân tại sao anh chị lại chia tay?
 
Chưa đủ trải nghiệm để có thể hiểu bản chất của hôn nhân. Chúng tôi nhìn quá sâu vào một điểm khó chịu của đối phương và nghĩ đó là tất cả nguyên nhân gây ra mâu thuẫn, nguyên nhân gây đau khổ.
 
Nếu có một giả thuyết, giả thuyết thôi vì nếu thật sẽ không công bằng cho cuộc sống của chị và chồng mới bây giờ, chị và chồng cũ chuẩn bị đến bên bờ của tan vỡ hôn nhân, chị sẽ níu giữ bằng cách nào?
 
Trong thực tế, người ta không đặt giả thuyết cho hôn nhân. Nếu đặt giả thuyết được, việc sống thử của các đôi đã được xã hội nhân rộng vì nó là bước khởi đầu tốt đẹp cho cuộc sống hôn nhân. Tôi không cổ súy cho việc này đâu nhé, cũng chỉ là giả thuyết thôi. (Cười).
 
 
Cho tôi quay trở lại thực tế mấy năm trước, tôi vẫn chọn giải pháp li hôn thôi. Đó là điều tất yếu trong cuộc sống. Nếu có sự so sánh tôi ở thời điểm đó và tôi bây giờ thì rõ ràng là tư duy, tình cảm không thể giống nhau như một thời điểm. Con người ta bất biến như vậy thì thật là tệ.
 
Tôi không bàn đến phạm trù đạo đức hay những trách nhiệm trong cuộc sống, tôi chỉ nói về góc độ riêng trong logic của cuộc đời mà tôi đã trải qua. Trong cái chuỗi logic ấy, tôi là ½ nguyên nhân của những rắc rối, những tai họa trong cuộc hôn nhân của mình.
 
Người ta khó có thể quay lại những yêu thương như thuở ban đầu khi hai người từng có một cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Ai cũng cảm thấy khi giải thoát nhau rồi, mọi việc thật nhẹ nhàng. Những yêu thương, tin tưởng ban đầu thành lập thì dễ, nhưng bảo làm lại thì khó. Đây là phản ứng tất yếu của bản thân, của cơ thể, trái tim con người. Giống như khi bạn uống rượu. Rượu nào cũng có cồn, cũng có những tác hại thôi. Nhưng khi bạn uống phải một loại rượu mà đầu độc bạn và bạn quyết định từ bỏ nó rồi, tự nhiên lần sau bạn sẽ sợ khi nhìn lại loại rượu đó mặc dù bạn nghiện rượu và sẽ uống thứ rượu khác.
 
Thế còn cuộc hôn nhân bây giờ của chị?
 
Tôi không dám mạnh mồm tuyên bố rằng tôi đang hạnh phúc hay đau khổ. Điều đó phụ thuộc vào thái độ sống hàng ngày của vợ chồng tôi bây giờ.
 
Có điều tôi chắc chắn, những cảm xúc sôi nổi của tuổi trẻ không còn nhưng những dư âm về hạnh phúc thì để lại ấn tượng sâu sắc hơn trong cảm xúc của hai vợ chồng chúng tôi. Tôi cũng cảm thấy mình tinh tế, tế nhị hơn trong những ứng xử thuộc về vợ chồng.
 
Phụ nữ bây giờ đòi hỏi đàn ông nhiều hơn và đàn ông cũng đòi hỏi ở phụ nữ nhiều hơn. Họ không dừng lại ở việc lấy một người vợ biết đẻ, biết nấu nướng và dọn dẹp. Các ông chồng thường ít khi nói rõ những mong muốn  của mình, nhưng trong lòng lại ngấm ngầm đòi hỏi và so sánh. Theo tôi, đó là điều tất yếu trong thói ích kỷ của con người. Nếu tôi là đàn ông, tôi cũng sẽ có những tư duy vậy. Tôi đã đặt những suy nghĩ của mình vào suy nghĩ và nhu cầu của chồng mình như thế đấy.
 
 
Nghĩa là giờ chị không chỉ đòi hỏi mà đã cho đi, nhận về những thứ là tiền đề của hạnh phúc lâu dài?
 
Hình như cô bị bí trong vấn đề diễn đạt. (Cười).
 
Sau thất bại cuộc hôn nhân trước, giờ sống trong cuộc hôn nhân thứ hai, tôi cần phải thận trọng hơn. Tôi không còn ý muốn đả kích hay bới móc cuộc sống, tư duy của chồng mình nữa. Tôi cũng không muốn tra hỏi những điều anh ấy không muốn nói vì tôi biết như thế sẽ nhận được thái độ chống đối và những lời nói dối.
 
Tôi không phải người quá lo sợ dư luận nếu bị đổ vỡ hôn nhân lần nữa, nhưng tôi dã là một phụ nữ chín chắn, tôi đủ sức làm chủ cuộc đời, làm chủ hôn nhân trong ½ trách nhiệm của mình. Tôi chỉ điều chỉnh về cuộc sống với cái nhìn toàn diện hơn đối với hai người.
 
Cuộc sống hôn nhân thực sự vẫn rất khó với bất cứ ai. Lại quay trở lại việc uống rượu để chúng ta dễ hình dung. Có người uống rượu cả đời mà hình ảnh vẫn đẹp như những huyền thoại. Có người trước rượu là không làm chủ, không kiềm chế được nên thành bê tha. Có người biết có rượu nhưng không uống và sợ rượu. Có người uống ít, có người uống nhiều. Hôn nhân cần có men. Ông trời hào phóng ban tặng con người dư thừa men. Nhưng không phải bạn lấy bao nhiêu cho cuộc sống của mình cũng được. Bạn không thử chất men đó cũng không sao, nhưng thật phí.
 
Có thể kết luận chị là một người phụ nữ hạnh phúc sau hai lần kết hôn không?
 
Bạn có thể kết luận như thế. Nhưng không phải người phụ nữ nào cũng cần hai lần kết hôn mới hạnh phúc nhé! (Cười)! Ý tôi là, chỉ cần chúng ta vượt qua giới hạn nhàm chán của hôn nhân với những thành ý xây dựng thì tốt hơn là ý nghĩ khó chịu về nó. Không cuộc hôn nhân nào hoàn hảo nhưng có những cuộc hôn nhân hạnh phúc. Hạnh phúc bao gồm cả những đắng cay. Tốt nhất là vượt qua thử thách và đừng li hôn.
 
Nhận thức được nguy cơ của việc li hôn cũng là điều bạn nên làm.
 
Cảm ơn chị! Chúc chị hạnh phúc!
Chia sẻ