Đón Tết với hương vị mứt thủ công

Đào Thị Thu Hằng,
Chia sẻ

Mang yêu thương đến cho những người thân là điều thật hạnh phúc. Mứt Tết tự làm có thể chưa ngon, chưa đẹp, chưa bắt mắt nhưng gửi gắm trong đó là tình yêu dành cho gia đình. Bạn có muốn tự tay mình làm mứt Tết giống tôi không?

Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm mứt Tết, vì tôi không phải một đứa khéo tay trong công việc nội trợ bếp núc. Tôi nghĩ, đi mua sẽ rất nhanh, sẽ không mất thời gian, sẽ chọn được đủ loại mứt Tết mà tôi thích.

Tôi cũng chưa bao giờ thích làm mứt Tết, bởi mứt Tết chỉ như một thứ quà trên khay mứt Tết để tiếp khách. Rồi một ngày tôi đọc báo biết được: có rất nhiều loại mứt Tết bẩn, không rõ nguồn gốc, người ta tráo nhãn mác mứt Trung Quốc sang nhãn mác Việt Nam để bán được giá cao hơn, người ta phơi mứt bí ở nơi vỉa hè bụi bẩn ruồi nhặng, tới cả chuyện người ta đào hố từ 3-5m để ủ quất thối sấu thối trước khi làm mứt Tết. Tôi thấy sợ…

Vô tình, tôi đọc được cách làm mứt dừa tại afamily.vn. Bài báo ấy, mở đầu khéo lắm nhé: “thực khách sẽ phục lăn về tài nội trợ của bạn” mà chỉ bằng nguyên liệu rẻ tiền là dừa non, sữa tươi, đường trắng, dễ kiếm, dễ làm. Chưa biết có ai phục tài nội trợ của tôi không, nhưng tôi cứ bắt đầu làm mứt tết, ít ra sẽ có tôi phục tài nội trợ của chính mình.

Lần đầu tiên làm mứt dừa, tôi mua dừa miếng. Chọn dừa thật non, cùi thật dày theo đúng hướng dẫn. Nạo dừa thành sợi, rửa sạch để ráo nước rồi ướp cùng đường trắng và sữa tươi. Sau 6 giờ đồng hồ, sợi dừa ngả sang mầu trắng trong tôi đem sao khô.

Có sao khô dừa mới hiểu công đoạn khó nhất của làm mứt dừa thủ công chính là sao khô. Lửa thật nhỏ, đảo đều tay cho đến khi xuất hiện những hạt đường li ti bám quanh chảo thì tắt bếp, lý thuyết là vậy nhưng thực hành thì cũng không dễ lắm. Mẻ mứt dừa đầu tay, để lửa to một chút dừa chuyển sang màu vàng, nhìn chả đẹp mắt. Tại sao đọc báo với xem clip người ta sao khô mứt dừa bằng tay nhìn trắng, đẹp mắt vậy mình lại chưa làm được nhỉ?

Bắt đầu mẻ mứt dừa thứ hai. Dừa để nguyên quả, dùng dao to cắt đôi quả dừa, dùng dao nạo thành những sợi dừa dài đẹp mắt. Rửa sạch, ướp đường, sữa tươi rồi chờ đợi. Tới lúc sao khô rồi, lửa thật nhỏ, đảo đều tay nào. Những chấm đường li ti đã xuất hiện quanh chảo, sợi dừa vẫn trắng tinh.

Thêm những lần tiếp theo để mời mọi người thưởng thức và phê bình góp ý. Nếu bạn cũng có dự định làm mứt Tết giống tôi, thì bí quyết tôi dành tặng bạn với món mứt dừa, bạn phải rửa dừa thật sạch, không còn váng dừa, dầu dừa sẽ bảo quản được lâu hơn, khi sao khô dừa tới lúc gần cạn nước thì phải để lửa thật nhỏ, thật nhỏ. Nếu bạn thích mứt dừa đậm đà hơn một chút, trong quá trình ướp dừa, nên cho thêm một chút sữa đặc. Chỉ một chút thôi nhé, vì nhiều sữa đặc quá sẽ không còn vị ngậy thơm của sữa tươi.

Đón Tết với hương vị mứt thủ công 1
Quây quần bên khay mứt Tết là niềm vui đoàn viên của mỗi gia đình.

Tôi đã thành công với món mứt dừa. Ít ra là tôi tự hài lòng như thế. Vậy tại sao không thử làm thêm vài loại mứt khác nhỉ. Không chất bảo quản, không chất tạo màu, không chất tẩy rửa, nguyên liệu sạch là những ưu điểm đầu tiên của mứt Tết tự làm thủ công. Khi bắt đầu có đam mê rồi tôi đam mê ghê lắm, tôi quyết định làm thêm một vài loại mứt khác để Tết này gia đình tôi đón Tết với hương vị mứt thủ công tự tay tôi làm.

Chinh phục thử thách vốn đã khó, nhưng chinh phục bản thân còn khó hơn. Một đứa vụng nấu nướng như lời Mẹ tôi nói có thể thành công với món mứt dừa thì tại sao không thử làm thêm các món mứt khác. Tôi đã chọn mứt khế là món tiếp theo. Vì, tôi quan niệm mùa nào hoa quả ấy thì sẽ tránh được nguy cơ hoa quả phun toàn thuốc kích thích. Mùa này có khế chua, mà mứt khế thì thanh ngọt dễ ăn, rất hợp với chị em.

Bắt tay vào làm thôi còn chờ gì nữa! Công thức tìm trên mạng. Khế chọn quả vừa tầm, không non hoặc chín quá. Bỏ cạnh, cắt múi, bỏ ruột và hạt, rồi ngâm nước muối. Sau 5 giờ rửa sạch, ép bớt nước chua trong múi khế rồi cho vào nồi nước sôi có pha một chút phèn chua trần qua để giảm bớt vị chua. Để ráo nước rồi ướp khế với đường. Cứ 1kg khế chua ướp với 1 kg đường trắng. Có thể dùng đường hoa mai cho nhanh lên màu. Sau 2 - 3 giờ đồng hồ cho khế lên bếp và đun tới khi đường sền sệt và khế ngả sang màu cánh gián thì cho gừng đã băm nhỏ vào đảo cùng. Vị thơm thơm cay cay của gừng sẽ làm nên vị riêng cho món mứt khế thanh ngọt, không ngấy được hoàn hảo hơn.

Tôi thích mứt khế vì khế nhiều vitamin C, giá trị dinh dưỡng của khế không cao nên không sợ béo. Bố và em trai tôi thích mứt dừa nhâm nhi cùng cà phê đen pha phin từng giọt rồi bàn luận chuyện công việc, chuyện gia đình, chuyện gói bánh chưng… Nhà tôi ở phố, chỉ với sự đảm đang của mẹ, sự chịu khó của bố mà Tết nào cũng gói mấy chục cái bánh chưng. Mẹ tôi bảo, gói bánh chưng vừa vui vừa có không khí Tết cho con cái sum vầy vừa sạch sẽ ngon thơm lại có quà đem biếu họ hàng. Tôi là con của bố mẹ, nên cũng sẽ cố gắng học được từ mẹ một chút chăm chỉ, một chút đảm đang, một chút khéo tay của mẹ với việc làm mứt Tết thủ công.

Gừng có vị cay, tính ấm, nhiều các loại khoáng chất như canxi, sắt, magie, phopho, kali, kẽm, vitamin B1, B2, B3, B5, B6, B9 nên tôi chọn mứt gừng dành cho mẹ. Để mứt gừng không có xơ tôi chọn gừng non, không thái quá mỏng làm cho miếng mứt bị cong lại khi sao khô.

Đón Tết với hương vị mứt thủ công 2
 Mứt gừng giúp mẹ phòng ho, ấm bụng trong thời tiết lạnh giá. (Nguồn từ internet)

Mang yêu thương đến cho những người thân là điều thật hạnh phúc. Mứt Tết tự làm có thể chưa ngon, chưa đẹp, chưa bắt mắt nhưng gửi gắm trong đó là tình yêu dành cho gia đình. Bạn có muốn tự tay mình làm mứt Tết giống tôi không?

Hạnh phúc thế đã vẹn tròn
Chăm thêm một chút, yêu thương tràn đầy.

Chia sẻ