Phòng ung thư cổ tử cung không bao giờ quá sớm

,
Chia sẻ

Nếu ai đó đã từng là người trong cuộc hay từng chứng kiến những hoàn cảnh thương tâm do căn bệnh UTCTC gây ra, chắc hẳn sẽ không thể chủ quan với căn bệnh này.

Nếu đã từng một lần vào thăm bệnh nhân mắc Ung thư cổ tử cung (UTCTC) tại Bệnh viện Ung Bướu, tôi chắc rằng sẽ khó có ai quên được hoàn cảnh đáng thương của những phụ nữ mắc phải căn bệnh này.

Dù trước đó họ là ai, họ làm nghề gì, thì giờ đây họ đều phải chịu những nỗi đau không khác nhau: đó là gánh nặng bệnh tật lên cơ thể khi phải thường xuyên chịu trận với những đợt hoá, xạ trị; nỗi hoang mang tột độ khi ngày ngày đối mặt với căn bệnh có nguy cơ gây tử vong và nỗi lo về một mái ấm có thể sẽ thiếu đi bàn tay chăm sóc của một người vợ, người mẹ…

Gánh nặng không chỉ đè lên vai người bệnh

Chuyện đã hơn mười năm nhưng khi nghe ai đó nhắc đến căn bệnh UTCTC, với chị Thanh Hồng mọi chuyện vẫn như vừa mới hôm qua: “Ngày ấy, khi đang là sinh viên năm thứ nhất, trong một đợt nghỉ hè về thăm nhà, tôi nghe mẹ nói sao dạo này mẹ hay ra huyết trắng, có khi lẫn máu, đi khám ở trạm y tế phường mà vẫn không thấy hết.

Không nghĩ ngợi nhiều, tôi chở mẹ xuống bệnh viện (BV) Đa Khoa tỉnh để các bác sĩ khám vì tin chắc rằng ở đây sẽ tốt hơn. Ngồi đợi mẹ ở hành lang, bỗng mẹ tôi nước mắt ngắn dài bước ra từ phòng khám với tờ giấy chuyển viện lên BV Ung Bướu TP.HCM. Mẹ tôi hoang mang không biết mình mắc bệnh gì, có thể chữa khỏi không hay chỉ tốn kém tiền bạc.


Vì điều kiện gia đình không mấy khá giả lại còn phải lo cho chị em tôi ăn học nên bà không chịu đi, cho đến khi tôi doạ sẽ nghỉ học. Lên đến Bv Ung Bướu, mọi thứ như sụp đổ trước mắt mẹ con tôi khi bác sĩ chuẩn đoán mẹ bị UTCTC giai đoạn 2, cần phải phẫu thuật cắt bỏ tử cung kết hợp xạ trị.

Những ngày tháng ở BV Ung Bướu quả thật là khoảng thời gian không thể quên với tôi. Vì ba tôi phải tiếp tục với công việc ở nhà để có tiền cho mẹ chữa bệnh nên chỉ mình tôi chăm sóc mẹ trong suốt thời gian mẹ nằm viện. Phòng bệnh ở khoa xạ trị đông đúc với hơn 30 bệnh nhân nữ, đa số ở tuổi trung niên.

Cũng có những chị tuổi còn trẻ, mới lập gia đình được vài năm, con cái còn rất nhỏ. Ai cũng cùng chung tâm trạng hoang mang, lo lắng không biết bệnh có chữa khỏi không, hay còn sống được bao lâu nữa.”

Trường hợp của mẹ chị Hồng vẫn còn may mắn khi chữa trị khỏi do được phát hiện sớm trong khi đã có rất nhiều người ra đi bỏ lại nỗi đau cho gia đình, người thân và có khi là cả một gánh nặng kinh tế do khoản tiền vay mượn trong suốt thời gian điều trị.

Như cô V. ở Vĩnh Long, qua đời ở cái tuổi chưa đầy 50, trong lúc đang giữ chức vụ trưởng phòng ở một cơ quan nhà nước. Ông K, chồng cô cho biết: “Đến giờ tôi và các con vẫn chưa hết bàng hoàng vì vợ tôi ra đi quá đột ngột.

Hơn 2 tháng trước bà ấy chỉ than mệt mỏi, ăn không ngon, ngồi lâu thấy thốn ở bụng dưới…Do mải mê công việc vợ tôi chần chừ không đi khám và cũng không nghĩ mình có thể mắc căn bệnh UTCTC. Vậy mà đến khi vào bệnh viện thì ung thư đã di căn, không còn cứu chữa kịp”.

Phòng ngừa UTCTC, không bao giờ là quá sớm

Nếu ai đó đã từng là người trong cuộc hay từng chứng kiến những hoàn cảnh thương tâm do căn bệnh UTCTC gây ra, chắc hẳn sẽ không thể chủ quan với căn bệnh này. Như cô N.T.Đức, mẹ chị Hồng, dù đã chữa khỏi bệnh hơn 10 năm nay nhưng năm nào cô cũng dành thời gian để lặn lội từ Qui Nhơn vào BV Ung Bướu tái khám.

Cô Đức chia sẻ: “Dù biết rằng UTCTC không phải là căn bệnh di truyền, nhưng tôi đã mắc bệnh rồi nên nhất quyết sẽ không để con cháu mình sẽ đi vào vết xe đổ của tôi. Hai cô con gái của tôi cũng rút kinh nghiệm từ bài học của mẹ nên rất chú ý giữ gìn, năm nào cũng đi khám phụ khoa và xét nghiệm định kỳ. Còn cô cháu gái vừa mới tốt nghiệp trung học thì cũng vừa được chích ngừa HPV để phòng ngừa UTCTC.”

Thực tế hiện nay vẫn còn rất nhiều phụ nữ dù biết UTCTC là căn bệnh rất nguy hiểm nhưng vẫn chưa quan tâm đúng mức và không chủ động phòng ngừa cho mình và con gái vì nghĩ rằng bệnh khó xảy đến với mình, hoặc cho rằng con gái mình còn nhỏ nên chưa cần thiết. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, việc chủ động phòng ngừa không bao giờ là quá sớm bởi UTCTC gây ra do nhiễm lâu dài vi rút HPV và vi rút này rất dễ lây lan nên bệnh có thể xảy ra với bất kỳ phụ nữ nào.

UTCTC mặc dù là căn bệnh nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Hiện nay tại Việt Nam đã có vắc-xin ngừa những tuýp HPV gây ung thư phổ biến nhất. Những bà mẹ có con gái trong độ tuổi chủng ngừa có thể cho con chủng ngừa sớm để bảo vệ con gái mình khỏi nguy cơ nhiễm virus gây bệnh.

Đối với người mẹ và phụ nữ đã lập gia đình, nên khám phụ khoa và tầm soát bằng phương pháp phết tế bào cổ tử cung (PAP smear) định kỳ ít nhất 1 năm/ 1 lần để phát hiện kịp thời và có giải pháp điều trị tốt nhất ở những giai đoạn sớm của bệnh.

Theo 24h
Chia sẻ