Phòng tránh biến chứng viêm não do sốt xuất huyết và bệnh tay chân miệng

Minh Tuyết,
Chia sẻ

Để tránh biến chứng viêm não, màng não do sốt xuất huyết và bệnh tay chân miệng gây ra, người dân cần đến viện sớm khi có triệu chứng của bệnh.

Hiện nay tình hình bệnh sốt xuất huyết và bệnh tay chân miêng đang có chiều hướng gia tăng mạnh ở các địa phương trong cả nước. Để tránh biến chứng viêm não, màng não do sốt xuất huyết và bệnh tay chân miệng gây ra người dân cần đến viện sớm khi có triệu chứng của bệnh

Bị viêm màng não do biến chứng sốt xuất huyết

Theo tin từ Bệnh viện (BV) Bạch Mai ngày 14-9, các bác sĩ tại đây vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhân Nguyễn Đình T. (23 tuổi, sinh viên) bị biến chứng viêm não - màng não do sốt xuất huyết (SXH). 

Được biết, trước đó gần 2 tuần, bệnh nhân T đã điều trị ở một bệnh viện khác vì bị sốt cao. Các bác sĩ tại đây chẩn đoán ban đầu, bệnh nhân mắc SXH và được cho về điều trị ngoại trú. Nhưng sau đó bệnh nhân vẫn còn sốt, đau đầu, mệt… Quá lo lắng cho con, mẹ bệnh nhân lại T đến Khoa Truyền nhiễm (BV Bạch Mai) để điều trị.

Tại đây, bệnh nhân T lên cơn co giật, mất ý thức nên được bác sĩ chỉ định chọc dịch não tuỷ. Kết quả, bệnh nhân bị viêm não - màng não do SXH. 

TS Đỗ Duy Cường Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai, cho biết bệnh nhân vào khoa trong tình trạng nặng, co giật, rối loạn ý thức và phải thở ôxy, nguy cơ đe dọa tính mạng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Tuy nhiên chỉ sau 2 ngày điều trị tại đây, bệnh nhân đã hồi tỉnh.

Gần đây, số ca bệnh SXH ở Hà Nội phải nhập viện có gia tăng nhưng biến chứng gây viêm não- màng não như bệnh nhân T là ca bệnh rất hiếm gặp, TS Cường chia sẻ thêm.

TS Đỗ Duy Cường khuyên người bệnh khi thấy các triệu chứng sốt cao đột ngột liên tục (từ 39 - 40 độ C), kéo dài 2 - 7 ngày, khó hạ sốt. Cùng với đó là triệu chứng đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu, có thể có, phát ban, nổi hạch. Thêm vào đó, cơ thể có dấu hiệu xuất huyết: chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, ói ra máu, nữ giới có thể có hiện tượng rong kinh, rong huyết… Khi gặp những triệu chứng này thì người bệnh cần đến BV khám để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Tránh biến chứng viêm não do sốt xuất huyết, tay chân miệng
Để tránh biến chứng viêm não, màng não do sốt xuất huyết và bệnh tay chân miệng gây ra, người dân cần đến viện sớm khi có triệu chứng của bệnh. Ảnh minh họa

Chân tay miệng cũng có chiều hướng gia tăng

Theo Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh tính đến hết tuần thứ 36 (tức là tuần đầu tháng 9), Thành phố Hồ Chí Minh có trên 4.500 trường hợp mắc bệnh tay, chân, miệng, trung bình khoảng 100 đến 150 ca nhập viện/tuần.  Riêng trong tuần thứ 36, số ca tay chân miệng nhập viện là trên 190 ca. Còn tại Khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, số trẻ mắc tay, chân, miệng trong 2 tuần gần đây đã tăng gấp đôi so với các tuần trước đó. Lý do số do số trẻ nhập viện tăng vì tay chân miệng là do trẻ tựu trường, thời tiết thuận lợi cho virut phát triển. 

Theo đánh giá của các chuyên gia tháng 9 chỉ là khởi điểm, tháng 10 và 11 mới là đỉnh điểm nên trong thời gian tới, số trẻ mắc tay chân miệng sẽ còn tăng.

Để phòng tránh bệnh, người chăm sóc trẻ và trẻ em thường xuyên rửa tay bằng xà bông dưới vòi nước chảy, vệ sinh đồ chơi, nhà cửa sạch sẽ.

Khi bệnh khởi phát rất dễ nhầm với sốt siêu vi, viêm họng, viêm màng não… Cha mẹ cần lưu ý, phát hiện các lở loét trong miệng, bóng nước ở tay, chân của con.

Các dấu hiệu cho thấy trẻ sắp trở nặng, cần đưa đi khám ngay: sốt liên tục 2 ngày khó hạ, giật mình chới với khi ngủ, nôn ói.

Tới khi tay chân trẻ bị lạnh, sốt run, da nổi bông thì bệnh đã rất nặng.

Nhằm chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh SXH, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cấp chính quyền và các sở, ban, ngành đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân triển khai quyết liệt chiến dịch diệt lăng quăng (bọ gậy) trên địa bàn, diệt muỗi bằng các biện pháp truyền thống và phun hóa chất, đặc biệt tại các công trường xây dựng, khu vực tập trung dân cư, thiếu nước sạch, điều kiện vệ sinh kém; yêu cầu người dân khi có dấu hiệu sốt của bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà. Chỉ đạo sở y tế giám sát chặt chẽ tình hình, phát hiện sớm, cấp cứu điều trị kịp thời người bệnh, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện. Chủ tịch UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng chống dịch SXH trên địa bàn.

Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra các địa phương về giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch, các biện pháp dự phòng và phác đồ điều trị bệnh SXH; tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về công tác chẩn đoán, điều trị; bảo đảm đủ phương tiện, vật tư, trang thiết bị, sẵn sàng tổ chức thu dung cấp cứu, điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong.

Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân và các cơ quan thông tấn báo chí phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết; tình hình dịch bệnh và các biện pháp phát hiện sớm dịch bệnh để người dân tích cực, chủ động thực hiện phòng, chống dịch, đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị khi vừa có dấu hiệu mắc bệnh.

Bộ GDĐT chỉ đạo các sở GDĐT huy động giáo viên, HS, SV các trường tham gia tích cực vào chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy) tại gia đình và cộng đồng theo hướng dẫn của ngành y tế.

Bộ Tài chính bảo đảm đủ kinh phí phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh SXH của ngành y tế.

Chia sẻ