Phòng ngừa bệnh liên cầu lợn trong mùa hè

Minh Tuyết,
Chia sẻ

Theo thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế xác nhận, sáng 10/6, trên địa bàn tỉnh vừa có một trường hợp tử vong do nhiễm bệnh liên cầu lợn.

Bệnh liên cầu lợn ở người là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu từ lợn. Khi mắc bệnh liên cầu lợn, người bệnh thường sốt cao, đau đầu, ù tai, xuất huyết dưới da nhiều dạng khác nhau, đôi khi gây hoại tử, xuất huyết tiêu hóa. Người bị bệnh cũng có thể bị viêm màng não do vi khuẩn liên cầu lợn như sốt cao, co giật, nôn, sợ ánh sáng… Nếu phát hiện sớm có thể cứu chữa được; nếu muộn có thể gây phù não, hôn mê và tử vong.

Theo các chuyên gia y tế cảnh báo, bệnh liên cầu lợn có xu hướng xảy ra vào mùa hè nắng nóng. Vì khi thời tiết nắng nóng sẽ có rất nhiều người thích các món từ  được chế biến từ lợn chưa được nấu chín như tiết canh, nem chua… đấy chính là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn của bệnh liên cầu lợn sinh sôi và phát triển.

Phòng ngừa bệnh liên cầu lợn trong mùa hè 1
Hình ảnh một bệnh nhân bị nhiễm bệnh liên cầu lợn. Ảnh minh họa

Hiện nay, bệnh liên cầu lợn chưa có vaccine phòng bệnh. Vì vậy, để chủ động phòng chống bệnh, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo mỗi người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp sau:

Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Không ăn tiết canh, nội tạng lợn, và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín (lòng, tim, gan, thận chần tái, thịt tái, nem chua, nem chạo…).

Không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề. 

Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng.

Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, lợn chết. Tiêu huỷ lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định.

Người khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như sốt cao đột ngột và có tiền sử chăn nuôi, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Nguồn truyền nhiễm bệnh liên cầu lợn là lợn nhà, có thể cả lợn rừng, ngựa, chó, mèo và chim. Thời gian ủ bệnh ngắn, chỉ từ vài giờ đến 3 ngày. 

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho biết, hiện chưa thấy có sự lây truyền bệnh liên cầu lợn từ người sang người. Trên lợn, vi khuẩn có thể tồn tại ở đường hô hấp trên (mũi, họng), tiêu hóa, đường sinh dục hoặc ở hạch hạnh nhân của lợn. Ngoài ra, trong phân, chất thải, chất độn chuồng, các loại thức ăn, nước uống trong chuồng lợn bị bệnh tai xanh là nguồn chứa vi khuẩn liên cầu lợn.  

Chia sẻ