Phòng khám phối hợp bệnh viện cứu hai phụ nữ nguy kịch vì vỡ u buồng trứng, vỡ thai ngoài tử cung trong 1 ngày

Hoàng Lê,
Chia sẻ

Các nữ bệnh nhân đều được đưa vào cấp cứu tại phòng khám khi đã nguy kịch vì bệnh phụ khoa nhưng nhờ quy trình báo động đỏ liên viện "lần đầu tiên" giữa hai cơ sở y tế tư nhân đã cứu sống họ ngoạn mục.

Cả hai trường hợp này đều được kích hoạt báo động đỏ liên viện cứu sống trong cùng 1 ngày, thông qua tổng đài cấp cứu 115 tại TP.HCM.

Trường hợp thứ nhất là của nữ bệnh nhân N.T.T.U. (27 tuổi, ngụ tại Quận 12, TP.HCM). Người phụ nữ nhập viện tại Phòng khám đa khoa T.P. với chẩn đoán xuất huyết nội do vỡ u buồng trứng, không có người nhà đi cùng.

Trước tình thế tính mạng bệnh nhân bị đe dọa, phòng khám đã kích hoạt báo động đỏ đến bệnh viện X.A (huyện Củ Chi, TP.HCM).

Ngay khi nhận thông tin từ tổng đài, đội Cấp Cứu 115 của bệnh viện nhanh chóng tiếp cận, sơ cứu tại hiện trường rồi chuyển về bệnh viện và kích hoạt báo động đỏ nội viện.

Phòng khám phối hợp bệnh viện cứu hai phụ nữ nguy kịch vì vỡ u buồng trứng, vỡ thai ngoài tử cung trong 1 ngày - Ảnh 1.

Bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân bị bệnh phụ khoa tại TP.HCM.

Bệnh nhân nhanh chóng được đưa vào phòng mổ. Lúc này khối u buồng trứng của bệnh nhân đã chảy dịch màu nâu, trào ra gần 2.500ml. Sau khi hút hết dịch và rửa sạch ổ bụng với 10 lít nước muối sinh lý, kíp mổ phát hiện khối u dính với toàn bộ mặt sau tử cung, phần phụ phải, trực tràng và đại tràng sigma.

Các bác sĩ tiến hành tháo dính và cắt bỏ u lạc nội mạc và vòi trứng phải. Hơn 2 giờ phẫu thuật giúp bệnh nhân thoát chết.

Bệnh nhân được chẩn đoán sau mổ là vỡ u lạc nội mạc tử cung to.

Đến chiều cùng ngày, Phòng khám đa khoa T.P lại tiếp tục báo động đỏ đến bệnh viện này xin hỗ trợ cấp cứu bệnh nhân H.T.N.S. (36 tuổi, ngụ tại huyện Hóc Môn, TP.HCM) phải cấp cứu với chẩn đoán xuất huyết nội do vỡ thai ngoài tử cung.

Bệnh nhân trong tình trạng đau bụng dữ dội, xanh xao, đe dọa đến tính mạng. Sau khi sơ cứu và đưa về bệnh viện, các bác sĩ sản khoa nhanh chóng phẫu thuật loại bỏ khối thai bị vỡ, cắt sát góc tử cung tai vòi trái, cầm máu kỹ, làm sạch ổ bụng.

Sau mổ, bệnh nhân tỉnh táo, sức khỏe ổn định, sắc mặt hồng hào trở lại.

Phòng khám phối hợp bệnh viện cứu hai phụ nữ nguy kịch vì vỡ u buồng trứng, vỡ thai ngoài tử cung trong 1 ngày - Ảnh 2.

Ông Tăng Chí Thượng (bìa phải) đại diện Sở Y tế khen thưởng kíp mổ cứu bệnh nhân bị xe rác ép vỡ tạng nguy kịch nhờ quy trình báo động đỏ liên viện giữa Bệnh viện Quận 2 và Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình (TP.HCM).

Chia sẻ tại Hội nghị "Ngành Y tế cần làm gì để thu hút đầu tư", ông Thượng cho biết đây là hai trường hợp điển hình của việc kết nối các bệnh viện chuyên khoa và đa khoa trong trong cấp cứu người bệnh nguy kịch bằng quy trình báo động đỏ liên viện.

Năm 2018, đã có hơn 45 triệu lượt khám, chữa bệnh ngoại trú và hơn 2.5 triệu lượt điều trị nội trú tại 7.086 cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố, chiếm hơn 1/4 lượt lham1 chữa bệnh của toàn quốc.

Trong đó, có 56 bệnh viện tư nhân và 6.385 phòng khám chuyên khoa.

Hiện nhân lực y tế của thành phố là 18 bác sĩ, 34 điều dưỡng và 8 dược sĩ/10.000 dân. Số giường bệnh là chỉ 42 giường/10.000 dân. Con số khá khiêm tốn.

Bác sĩ Dilshaad Ali, người có nhiều năm đầu tư y tế tại Việt Nam chia sẻ, chuyển dịch cơ cấu sang công nghiệp hóa đã dẫn đến sự thay đổi trong cơ cấu việc làm, ảnh hưởng đến lối sống và sức khỏe của người dân.

Các bệnh không lây nhiễm đang ngày càng gia tăng, kéo theo chi phí phát sinh cho y tế và giáo dục cũng ngày một lên cao.

Trước việc nhu cầu của người dân tăng đối với các dịch vụ y tế cao cấp, nhiều nhà đầu tư bắt đầu có lợi nhuận nhờ vào đầu tư hệ thống khám chữa bệnh. Tuy nhiên, bác sĩ Ali cho rằng Việt Nam cần đơn giản hóa thủ tục đầu tư để có lợi thế cạnh tranh khi nhà đầu tư thuận tiện trong việc bỏ vốn vào nghành y tế.

Phòng khám phối hợp bệnh viện cứu hai phụ nữ nguy kịch vì vỡ u buồng trứng, vỡ thai ngoài tử cung trong 1 ngày - Ảnh 3.

Bác sĩ Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM cho rằng y tế tư nhân có nhiều thuận lợi phát triển so với các cơ sở y tế công lập.

Ông Tăng Chí Thượng cho biết thêm, để phát huy sức mạnh và hiệu quả của hệ thống y tế, nghành y tế TP.HCM có nhiều yêu cầu thực tiễn cần làm.

Một là "kéo ngược" bệnh nhân từ bệnh viện tuyến cuối về bệnh viện tuyến huyện và các cơ sở khám chữa bệnh ban đầu.

Hai là phát triển kỹ thuật chuyên sâu tại các bệnh viện tuyến cuối.

Ba là phát triển cơ sở hạ tầng, đổi mới phục vụ.

Bốn là phát huy nguồn lực sẵn có để tăng hiệu quả của hệ thống y tế trong hoạt động khám, chữa bệnh cho người dân.


Chia sẻ