Phòng, chống dịch cúm A (H1N1) trong mùa tựu trường

,
Chia sẻ

Nguy cơ lây nhiễm bệnh cúm A (H1N1) trong nhà trường nhất là đối với bậc học mầm non và tiểu học rất lớn. Để tránh lây nhiễm cúm A (H1N1) cho học sinh, cha, mẹ cần lưu ý:

Trước hết, bản thân cha mẹ học sinh phải tự vệ sinh sạch sẽ cơ thể, nhất là đôi tay, mũi, họng để tránh truyền bệnh sang con. Vi-rút cúm A (H1N1) thường lây từ người mắc bệnh trong vòng 7 ngày. Nhưng với trẻ em, thời gian nhiễm bệnh có thể dài hơn, có thể tới 10 ngày. Do đó, nếu tiếp xúc với người bị cúm A (H1N1), dù đã hết triệu chứng, cha mẹ cũng cần chú ý tránh tiếp xúc nếu chưa qua 10 ngày nhiễm bệnh.

Hằng ngày, trẻ cần được thường xuyên tắm sạch sẽ và giữ ấm cơ thể, bằng cách mặc đủ ấm vào mùa lạnh, không để bị nhiễm nước, nhiễm lạnh vào mùa nóng. Tập cho trẻ súc miệng bằng nước muối pha loãng, dung dịch phù hợp để vệ sinh vùng hầu họng hằng ngày vào sáng và tối. Cho bé ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, sinh hoạt điều độ, thường xuyên tập thể dục để tăng sức đề kháng. Nên hạn chế hoặc cất những đồ chơi mềm như thú nhồi bông, gối… trong thời điểm này, vì chúng khó làm sạch và có bề mặt thuận lợi cho vi-rút lưu trú với mật độ dày. Nên cho trẻ chơi các đồ chơi cứng, bề mặt nhẵn, bằng nhựa, gỗ... và thường xuyên lau chùi, vệ sinh sạch sẽ, để hạn chế lượng vi-rút có thể bám vào. Chú ý không nên để trẻ dùng chung đồ chơi, nhất là những thứ trẻ hay đưa vào miệng như bút, sáp màu, con thú nhỏ. v.v..

Nếu trẻ có dấu hiệu nhiễm cúm, cần đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế. Nếu trẻ có kết quả xét nghiệm nhiễm cúm A (H1N1) thì phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu trẻ chỉ mắc cúm mùa thông thường, cũng không nên tự ý mua thuốc cho trẻ uống mà tuân thủ theo đơn kê của bác sĩ. Nên cho trẻ uống nhiều nước, nước trái cây, súp, cháo loãng và nghỉ ngơi, ăn uống điều hòa để cơ thể chống lại bệnh. Nên cho trẻ nghỉ học ngay để tránh lây lan cho các trẻ khác.

Một trong những biện pháp hiệu quả và đơn giản để phòng đại dịch cúm A (H1N1) là dùng khẩu trang. Trên thị trường hiện có khá nhiều loại khẩu trang. Khẩu trang giấy, trông rất đẹp mắt, có nhiều nếp gấp theo chiều dọc nên ôm khít được miệng và mũi, nhưng gặp hơi ẩm và nước bọt của người sử dụng, 60 phút sau giấy sẽ bở ra. Khẩu trang mất tác dụng phải thay cái khác.

Khẩu trang N95 là loại khẩu trang tốt nhất hiện nay về mặt phòng bệnh. Nó có 3 ưu điểm là: ôm khít vùng miệng và mũi người dùng (do có miếng sắt ép khẩu trang vào sống mũi, có nhiều kích cỡ khác nhau để người dùng chọn lựa cho phù hợp). Lọc được các tác nhân gây bệnh có kích thước từ 1 đến 10 micrômét. Không thấm dịch từ ngoài bắn vào (do bệnh nhân ho, hắt hơi không kịp che miệng). Khẩu trang này chỉ dùng cho những người tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm vi-rút, vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp, trong đó có cúm A (H1N1). 

Khẩu trang thông thường bằng vải có giá từ 2.000 đến 3.000 đồng/chiếc chủ yếu để chống bụi và  bảo hộ lao động. Nhược điểm của loại khẩu trang này là không ôm kín mũi và miệng người dùng.

Khẩu trang chứa than hoạt tính hiện đang được người tiêu dùng tìm mua để phòng cúm A (H1N1). Giá bán của nó khá đắt. Tác dụng của than hoạt tính là hấp phụ các khí, hơi trong không khí. Sợi hoạt tính chỉ có tác dụng sau hai lần giặt. Tấm than hoạt tính sau 10 lần sử dụng trong khẩu trang tham gia giao thông cũng bám đầy bụi, vi khuẩn, vi-rút, vi nấm... không thể sử dụng tới 2-3 tháng như trong một số tờ rơi quảng cáo. Sau khi hết tác dụng của than hoạt tính, khẩu trang chứa than hoạt tính chỉ có tác dụng như khẩu trang vải thông thường.

Vấn đề quan trọng là phải hướng dẫn trẻ sử dụng khẩu trang đúng yêu cầu phòng bệnh:  Ví dụ, khi tiếp xúc với bệnh nhân lao phổi, SARS, cúm, dùng khẩu trang N95; với bệnh khác có thể dùng khẩu trang giấy. Khi ở môi trường nhiều bụi vô cơ  dùng khẩu trang vải  thông thường. Khi ở môi trường nhiều hơi độc (khói thuốc lá, khói hương, hóa chất bay hơi...) dùng khẩu trang than hoạt tính.

Theo BS. HUYỀN NGA
QDND/Bộ Y tế

Chia sẻ