Phòng bệnh đau mắt đỏ khi giao mùa

Theo Sức khỏe đời sống,
Chia sẻ

Theo số liệu gần đây, trung bình mỗi ngày Bệnh viện Mắt TW tiếp nhận gần 300 bệnh nhân (BN) đến khám vì đau mắt đỏ (ĐMĐ).

Theo số liệu gần đây, trung bình mỗi ngày Bệnh viện Mắt TW tiếp nhận gần 300 bệnh nhân (BN) đến khám vì đau mắt đỏ (ĐMĐ). Riêng ngày 20/9 có 1.759 BN đến khám, trong đó có 321 BN đau mắt đỏ. Theo các bác sĩ, ĐMĐ thường gia tăng vào mùa hè đến cuối mùa thu, khi thời tiết từ nắng nóng chuyển sang mưa, độ ẩm không khí cao, khi giao mùa... Để người dân hiểu rõ hơn về cách phòng bệnh, chăm sóc khi mắc ĐMĐ, phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống đã trao đổi với TS.BS. Trần Khánh Sâm, Phó Trưởng khoa Kết Giác mạc - Bệnh Viện Mắt TW về vấn đề này.

PV: Xin chào TS.BS. Trần Khánh Sâm. Xin ông cho biết đặc điểm của bệnh ĐMĐ, ai dễ mắc bệnh?

TS.BS. Trần Khánh Sâm: ĐMĐ thực chất là do vi khuẩn hoặc virut gây ra viêm kết mạc cấp. Ở các nước nhiệt đới như nước ta thì viêm kết mạc cấp chủ yếu là do virut, chiếm khoảng 70-80%, còn lại là do vi khuẩn. Vì là viêm kết mạc cấp nên ĐMĐ xảy ra cấp tính có biểu hiện đau, đỏ, rát mắt. Bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt, sau lan sang mắt bên kia. Bệnh ĐMĐ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch.

Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, ai cũng có thể mắc và lây bệnh. Tuy nhiên, học sinh, sinh viên, giáo viên và đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi tại các nhà trẻ, mẫu giáo có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất do tiếp xúc rất gần với nhiều người trong không gian chật hẹp và do sức đề kháng kém. Nhân viên công sở làm việc trong những căn phòng đông đúc cũng dễ nhiễm bệnh từ đồng nghiệp.

ĐMĐ hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người bị ĐMĐ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh.


BS. Trần Khánh Sâm khám mắt cho bệnh nhân.

PV: Xin ông cho biết nguyên nhân gây bệnh ĐMĐ?

TS.BS. Trần Khánh Sâm: Nguyên nhân chủ yếu của bệnh ĐMĐ là do virut Adeno, hoặc do vi khuẩn gây ra. Bệnh thường gặp khi thời tiết từ nắng nóng chuyển sang mưa, độ ẩm không khí cao, khi giao mùa... nhất là vào mùa hè đến cuối mùa thu là những thời điểm mà cơ thể con người, nhất là những người nhạy cảm với thời tiết dễ bị mệt mỏi, hệ thống miễn dịch yếu nên dễ bị nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, môi trường nhiều khói bụi, điều kiện vệ sinh kém, sử dụng nguồn nước ô nhiễm,... cũng là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển.

Bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp như: khi người bệnh nói chuyện, ho hoặc hắt hơi, virut theo tia nước bọt bắn ra ngoài. Dụi mắt hoặc sờ mắt bằng bàn tay nhiễm bẩn do tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mắt hay mũi người bệnh, hoặc do chạm vào bề mặt nhiễm chất tiết từ đường hô hấp của bệnh nhân (điện thoại, bàn phím máy tính, tay nắm cửa, nút bấm thang máy...). Dùng chung đồ với người bệnh, chẳng hạn dùng chung khăn rửa mặt, chung gối hay chung đồ mỹ phẩm trang điểm mắt.

PV: Rất nhiều trường hợp khi mắc ĐMĐ đã tự mua thuốc điều trị dẫn đến biến chứng. Vậy xin ông cho biết điều trị và chăm sóc thế nào để tránh biến chứng?

TS.BS. Trần Khánh Sâm: Phần lớn các trường hợp đau mắt đỏ do virut đều nhẹ, bệnh thường tự khỏi sau 7-14 ngày mà không cần điều trị và không để lại hậu quả lâu dài. Ở một số trường hợp tổn thương sâu hơn nặng hơn gây viêm nặng gây nên giả mạc có màng xuất tiết giả trong mắt làm người bệnh khó chịu, đau, rát, cộm nhiều, sưng mắt nhiều. Chính màng giả này cọ nhiều làm giác mạc chầy xước dẫn đến loét giác mạc, đây là biến chứng hay gặp khi ĐMĐ. Ngoài ra, ĐMĐ ở một số thể gây viêm loét giác mạc và để lại di chứng sau này như viêm giác mạc biểu mô, viêm giác mạc đốm... khiến cho việc điều trị tương đối khó khăn, kéo dài hay tái phát. Tuy nhiên biến chứng hay gặp lại là do người bệnh tự điều trị không đúng cách như: tự mua thuốc nhỏ mắt kháng sinh, kháng viêm chứa corticoid mà không có chỉ định của bác sĩ làm bệnh kéo dài và tăng khả năng nhiễm khuẩn gây viêm loét giác mạc, đục thể thủy tinh, tăng nhãn áp...

Vì vậy, khi có các dấu hiệu đỏ mắt, người bệnh nên đến khám tại các cơ sở chuyên khoa mắt để được chẩn đoán bệnh đúng và điều trị kịp thời.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp sau:

1. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang...

2. Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi, nước súc họng thông thường.

3. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.

4. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc người nghi bị ĐMĐ.

5. Người bệnh hoặc người nghi bị ĐMĐ cần hạn chế tiếp xúc với người khác; cần được nghỉ học/nghỉ làm để tránh lây nhiễm người xung quanh và lây lan cộng đồng; đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

Chia sẻ