Phơi nắng, rửa nước có làm sạch được thực phẩm mốc?

Theo GiadinhNet,
Chia sẻ

Độc tố của các loại thực phẩm mốc thường không được phá hủy hoàn toàn dù ở nhiệt độ rất cao hoặc rửa nhiều lần dưới nước sạch.

Trước đây ở quê, nếu gạo bị mốc, em thường phơi nắng rồi đem vo sạch nấu cơm. Mong chuyên mục cho biết, thực phẩm bị mốc nếu đem ra phơi nắng, sau đó chà mạnh và rửa sạch dưới nước thì có hết mốc và ăn được không? (Thanh Vân - Nam Định)

Phơi nắng, rửa nước có làm sạch được thực phẩm mốc? 1
Ảnh minh họa

Với thời tiết nóng ẩm như hiện nay, lương thực thực phẩm khô rất dễ bị mốc do hút ẩm nhiều. Nhiều người thấy gạo bị mốc nhưng tiếc không bỏ đi mà đem phơi khô để ăn tiếp, với suy nghĩ phơi qua nắng nấm mốc sẽ bị tiêu diệt. Nhưng thực chất độc tố của các loại nấm mốc thường không được phá hủy hoàn toàn dù ở nhiệt độ rất cao hoặc rửa nhiều lần dưới nước sạch. Thực phẩm mốc là nguyên nhân chủ yếu sản sinh ra chất aflatoxin cực độc gây viêm gan, ung thư gan. Khi xâm nhập vào gan, nó sẽ dẫn tới gan nhiễm mỡ, viêm gan, xơ gan và ung thư gan. Nếu người đang bị viêm gan B và ăn phải nấm mốc có chứa aflatoxin thì coi như lá gan bị “vùi dập”, tăng nguy cơ ung thư cao 60 lần so với người chỉ nhiễm viêm gan B.

Một số dấu hiệu kêu cứu của lá gan bạn có thể tham khảo:

Mệt mỏi, ăn khó tiêu, sợ mỡ/chất béo, có thể thấy buồn nôn, da và mắt thay đổi màu sắc bất thường, trở nên vàng, da khô, sạm, nhiều trứng cá, dị ứng, mề đay, mẩn ngứa…; Đau tức vùng hạ sườn phải.

Nước tiểu ít, sậm màu có cảm giác buốt rát. Phân xám hoặc bạc màu; Ngứa kéo dài và lan rộng.

Thay đổi cân nặng bất thường, trọng lượng cơ thể thay đổi 5% trong vòng 2 tháng.

Bị rối loạn giấc ngủ, rối loạn tâm thần và thậm chí hôn mê; Mất, giảm ham muốn tình dục.

Khi có một số dấu hiệu hoặc toàn bộ dấu hiệu trên, bạn nên đến bệnh viện kiểm tra càng sớm càng tốt. 
Chia sẻ