BÀI GỐC Tôi mâu thuẫn với mẹ chồng, chồng chỉ tin và bênh mẹ anh

Tôi mâu thuẫn với mẹ chồng, chồng chỉ tin và bênh mẹ anh

Tôi cảm thấy cô đơn và bơ vơ ngay chính trong gia đình mình khi mẹ chồng thì trái tính, còn chồng thì chỉ biết tin và bênh bà mà không thông cảm, sẻ chia với tôi.

40 Chia sẻ

Phản hồi bài "Với mẹ chồng tôi, bà luôn luôn đúng"

,
Chia sẻ

(aFamily)- Vì chồng luôn đứng về phía mẹ chồng và ngược lại nên chị tuyệt đối không để họ được gần nhau lúc xảy ra xung đột giữa chị và bà.

Chị Thùy Hương thân mến!

Tôi là một độc giả, đọc được bài viết của chị, có vài lời muốn chia sẻ, hi vọng giúp chị giải tỏa phần nào sự bức xúc.

Tôi hoàn toàn thông cảm với phận làm dâu của chị em phụ nữ nhưng chuyện mỗi nhà một cảnh là điều không thể tránh. Có người sinh con không có ông bà ở cạnh sẽ vất vả hơn, thuê người giúp việc không an tâm. Người có mẹ chồng ở bên như chị lại nảy sinh phiền phức. Người được mặt này sẽ mất mặt khác và ngược lại. Không ai được vẹn toàn.

Chị hãy nhìn vào những mặt tốt của bà thật nhiều để giảm bớt mâu thuẫn và ghét bỏ. Hãy cám ơn bà đã sinh ra người làm chồng chị bây giờ. Chính bà đã nuôi anh khôn lớn trưởng thành, giờ đây bà lại đang chăm sóc đứa cháu yêu của bà. Nhìn nhận những công việc bà đang giúp vợ chồng chị. Có phải “một mẹ già bằng ba cô giúp việc không?”.
 
Hơn nữa, hãy thông cảm với hoàn cảnh của bà không được hạnh phúc, chia tay chồng nên việc bà yêu và quý chồng chị, tâm lý bảo vệ con là điều hoàn toàn chấp nhận được.
 
Mỗi người một tính nết, cái gì đã thuộc về tính cách thì khó có thể lay chuyển nổi chứ đừng hi vọng thay đổi. Nếu hạn chế được một phần đã tốt lắm rồi. Những người bảo thủ cũng vậy, mẹ chồng chị Hương là kiểu người “ruột bỏ ngoài da”. Bà có thể nói cho sướng mồm, có thể cố thủ với ý kiến, thích đặt điều nhưng những người thế này thường không để bụng. Họ “bạc mồm” chứ tâm lại rất tốt. Họ hơn hẳn những người thâm hiểm, sau những lúc “phát ngôn” bừa bãi, họ thường ngỗi nghĩ lại và biết được những sai lầm của mình. Chị hãy để ý thái độ của bà xem, sau mỗi cuộc cãi vã, nếu bà sai, bà sẽ có những khoảng lặng rất riêng.

Tôi đồng ý với chị đã là con dâu, là vợ, là mẹ trong nhà thì nên góp ý thôi chứ đừng dùng từ nói, nghe nó nặng nề vô cùng. Còn góp ý thế nào, nó lại là nghệ thuật. Nếu muốn có sự thay đổi thì trước hết chị hãy đặt cái tôi của mình xuống dưới mẹ và chồng. Vì xét cho cùng, ở gia đình hiện tại, chồng và mẹ đang ở cùng phía. Nếu chị không khéo léo thì khó xoay chuyển tình thế.

Khi mẹ chồng cố thủ với ý kiến của mình, chị nên lắng nghe và im lặng vâng, dạ (dù hơi khó nhưng phải cố) hoặc có thể tìm cách lảng đi. Tuyệt đối không tranh cãi, đôi co. Khi bà đã qua cơn tức, chị hãy lựa lúc mẹ chồng vui vẻ bày tỏ ý kiến của mình về việc vừa xảy ra. Lúc này, tâm lý phòng thủ mất, bà sẽ tiếp thu dễ hơn.

Vì chồng luôn đứng về phía mẹ và ngược lại thì chị tuyệt đối không để họ được gần nhau lúc xảy ra chuyện. Những lúc có xung đột mà chồng và mẹ đang ở cùng thì phải tránh, lảng. Góp ý khi chỉ có một trong hai người.

Chồng chị hiền, theo chị nhận xét, chứng tỏ anh ta rất hay thay đổi quan điểm. Khi chị tách anh ra khỏi mẹ và nhẹ nhàng trình bày, nêu nguyện vọng, thậm chí rắn một chút, anh không còn ai bảo vệ, sẽ gật gù theo. Lâu dần hình thành lối mòn khiến anh ấy lảng đi hoặc không tham gia vào việc binh mẹ nữa.

Còn các thói quen của mẹ chồng thì cũng khó thay đổi vì người già thường trái tính trái nết. Chị nên chủ động làm công việc đó nếu nhìn thấy trước khả năng không hay xảy ra. Như thế vừa đạt theo mong muốn, vừa đỡ bực mình.

Lấy chồng, nhập gia tùy tục, phải theo nếu không muốn nó xảy ra mâu thuẫn. Quan trọng là mình yêu chồng, thương con vì họ là những người sẽ sống cả cuộc đời với mình. Còn mẹ chồng, bà chỉ ở cùng một khoảng thời gian ngắn ngủi. Khi bà còn sống, mình phải làm tròn đạo lý làm con để chồng khỏi bận tâm cũng như tích đức làm gương cho con gái hay con dâu sau này. Đó mới là ý nghĩa tốt đẹp, sâu xa.

Mong chị hạnh phúc!

Chia sẻ