Payasian - Ví điện tử mới bị cảnh báo lừa đảo: Quảng cáo theo lối kinh doanh đa cấp, "nổ" quá to về khả năng của mình

JJJ - Mạn Ngọc,
Chia sẻ

Với những lời chiêu dụ người dùng cực hấp dẫn, đem lại siêu lợi nhuận cho "tất cả những ai tham gia", tạo dựng lòng tin bằng cách tung tiền tổ chức sự kiện ở Dubai cũng như mời gọi người nổi tiếng tham gia - ví điện tử Payasian đã lợi dụng sự tham lam của con người để lừa đảo như thế nào?

Việt Nam đang trong thời kỳ bùng nổ về số người sử dụng điện thoại thông minh và internet. Chính vì vậy, Việt Nam đang dần trở thành thị trường tiềm năng cho những hình thức thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt.

Theo ICT News, đến năm 2017 - tại Việt Nam đã có tới 20 ví điện tử được cấp phép hoạt động. Bên cạnh đó, để hướng tới mục tiêu xã hội không tiền mặt, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt đề án phát triển việc thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%. Điều này có nghĩa là vài năm tới, thương mại điện tử hay thanh toán trực tuyến sẽ là mảnh đất màu mỡ để phát triển.

Nhận thấy tiềm năng lớn, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã mạnh dạn đổ tiền để xây dựng nhiều nền tảng ví điện tử, thanh toán thông minh nhằm đón đầu xu hướng này tại Việt Nam. Tuy nhiên, nếu không tỉnh táo, người dùng hoàn toàn có thể trở thành nạn nhân của những công ty lừa đảo, mượn danh nghĩa nền tảng "ví điện tử, tiền mã hóa" để gọi vốn theo hình thức đa cấp siêu lợi nhuận.

Trường hợp mới nhất chính là ví điện tử Payasian.

Sự xuất hiện của Payasian với những lời giới thiệu đầy "tiềm năng"

Ấn tượng đầu tiên, Payasian không khác nhiều với những ví điện tử khác đang được phép hoạt động tại thị trường Việt Nam.

Payasian xuất hiện tại Việt Nam từ đầu năm 2019 và được quảng cáo có chức năng thanh toán trực tuyến "mọi loại tiền tệ của các quốc gia trên thế giới".

Ứng dụng này gồm các chức năng: E-Wallet (ví thanh toán Châu Á) chấp nhận các đồng tiền khác nhau và cả tiền điện tử; Exchange (quy đổi tiền tệ); Payment (thanh toán) và Social (Mạng xã hội).

Theo lời giới thiệu trên trang chủ tiếng Việt: Payasian là ví điện tử thanh toán toàn châu Á (có thể sử dụng Việt Nam đồng, đô la Mỹ, đô la Singapore, yên Nhật và mọi loại tiền trên thế giới). Ngoài ra, việc sử dụng không khác gì các ví điện tử như Zalo Pay, Momo, Samsung Pay...

Cảnh báo tình trạng lừa đảo qua ví điện tử Payasian - Ảnh 1.

Lời mời gọi tham gia "CLB triệu đô cùng Paya" trên Fanpage của ví Payasian

Trên trang Facebook của Payasian Vietnam đăng tải những lời kêu gọi cực "bùi tai" như sau:

- Càng sử dụng Payasian, càng nhận được nhiều tiền hơn.

Với Payasian:

- User (người dùng): Sử dụng Payasian thanh toán nhận thêm 10% tổng giá trị tiền giao dịch hàng tháng.

- Agent/ Merchant (địa điểm chấp nhận thanh toán trung gian/đại lý kinh tiêu): Chấp nhận thanh toán Payasian nhận thêm 5% tổng tiền nhận thanh toán.

- Sharer (cá nhân, tổ chức kết nối người dùng với nền tảng): Nhận thêm 10% giá trị ký quý của Agent/Merchant và QUAN TRỌNG nhận được 1% doanh số của tất cả Agent/Merchant hàng tháng và suốt đời.

Thậm chí, từ khi ra mắt đến nay, Payasian đang kêu gọi người dùng nạp tiền vào ví để hưởng lãi suất lên tới 30 - 40%, kỳ diệu hơn là "lập tức nhân đôi giá trị khi nạp vào ví".

Những con số "siêu to khổng lồ" này có thể khiến bất cứ ai xiêu lòng, nhưng tỉnh táo một chút có thể nhận ra ngay những điểm bất ổn của Payasian:

- Payasian chưa đăng ký với Ngân hàng Nhà nước, ngoài ra, theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng thì: Đến thời điểm hiện tại, có 30 đơn vị được cấp phép cung cấp dịch vụ ví điện tử nhưng không hề có cái tên "Payasian".

Cảnh báo tình trạng lừa đảo qua ví điện tử Payasian - Ảnh 3.

“Không có tổ chức nào có dịch vụ ví điện tử có tên gọi là Payasian. Đây là tổ chức không được cấp phép đang hoạt động. Sắp tới Ngân hàng Nhà nước và cơ quan chức năng sẽ có rà soát cụ thể”, bà Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 1/8/2019.

- Ứng dụng trên hệ điều hành iOS và Android rất lộn xộn, từ giao diện người dùng đến chức năng đều chưa hoàn chỉnh. 

Payasian - Ví điện tử mới bị cảnh báo lừa đảo: Quảng cáo theo lối kinh doanh đa cấp, "nổ" quá to về khả năng của mình - Ảnh 4.

Giao diện hết sức sơ sài, cứ như ứng dụng trên Windows 2000 từ mười mấy năm về trước

Payasian - Ví điện tử mới bị cảnh báo lừa đảo: Quảng cáo theo lối kinh doanh đa cấp, "nổ" quá to về khả năng của mình - Ảnh 5.

Ví điện tử với tham vọng "phủ sóng châu Á" nhưng đăng kí năm lần bảy lượt đều thất bại? Có khi nào đã ngưng hoạt động?

- Kêu gọi người dùng nạp tiền, ngồi không và hưởng % - hình thức lừa đảo đầu tư đa cấp quen thuộc.

- Payasian chưa có liên kết với các ngân hàng, chưa có liên kết với các điểm thanh toán.

- Thông tin về công ty Payasian và các lĩnh vực kinh doanh của họ nghe rất đao to búa lớn, nhưng thực chất lại rất mập mờ, vừa chung chung vừa phức tạp với hầu hết người dùng ví điện tử tại Việt Nam. Công ty này giới thiệu là chuyên về Big Data (Dữ liệu Lớn), Internet of Things (Internet vạn vật), AI (trí tuệ nhân tạo), Blockchain và Sharing Economy (kinh tế chia sẻ) - đây đều là những lĩnh vực công nghệ rất hot trong thời điểm hiện tại, tuy nhiên, nhiều tập đoàn lớn đang tập trung xử lý một khía cạnh còn chưa xong, đằng này một công ty non trẻ lại có thể bao thầu toàn bộ?

- Ví điện tử Payasian được quảng cáo là có thể trao đổi, thanh toán bằng mọi loại tiền trên thế giới: Đây là điều cực kỳ ngớ ngẩn và vô lý, vì chưa có bất cứ ngân hàng nào trên thế giới làm được việc này!

Tung tiền tổ chức sự kiện ở Dubai cũng như mời gọi người nổi tiếng tham gia để tạo dựng lòng tin với người dùng

Tập đoàn Payasian Solutions "đổ bộ" vào Việt Nam bằng một buổi ra mắt hoành tráng với sự góp mắt của nhiều ngôi sao nổi tiếng, khách mời quốc tế cùng những hứa hẹn quyền lợi "không tưởng" cho người dùng.

Cụ thể, trong sự kiện ra mắt Payasian tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 30/4, Payasian được giới thiệu là một trong những ví điện tử thanh toán mobile đầu tiên trên thế giới (có văn phòng đại diện tại Singapore và một số nước châu Á) chấp nhận tất cả loại tiền tệ quốc gia, không giới hạn địa lý, lĩnh vực, cộng đồng, môi trường thanh toán.

Cảnh báo tình trạng lừa đảo qua ví điện tử Payasian - Ảnh 4.

Cảnh báo tình trạng lừa đảo qua ví điện tử Payasian - Ảnh 5.

Lễ ra mắt hoành tráng của Paya (đơn vị cung cấp ví điện tử Payasian) được tổ chức tại Dubai, thậm chí được lên cả sóng truyền hình

Cảnh báo tình trạng lừa đảo qua ví điện tử Payasian - Ảnh 6.

Một nam ca sĩ nổi tiếng xuất hiện trong sự kiện ra mắt ví điện tử Payasian tại TP. Hồ Chí Minh vào ngày 30/4

Chỉ cần đầu tư mua đồng tiền ảo có tên là Paya ở trong ví, vài năm sau người đầu tư sẽ nhận được lãi khủng, ngoài ra còn nhận thêm cả hoa hồng rất cao nếu mời thêm được nhà đầu tư mới.

Để thu hút người dùng, đại diện Payasian Solutions nhấn mạnh, nếu so với các kênh thanh toán điện tử đang có mặt ở Việt Nam hiện nay, Payasian khi đưa vào sử dụng sẽ sở hữu ưu thế nổi bật với mức phí chỉ 0,01% (thấp hơn mức trung bình 2,5% của Visa và Master Card).

Tuy nhiên, thực tế khi khách hàng nạp tiền vào ứng dụng họ không được hưởng ưu đãi gì ngoài tờ giấy có ghi họ tên và mã số, đồng thời số tiền nạp vào cũng không thể sử dụng, còn có nguy cơ sẽ không lấy lại được tiền.

Không được cấp phép và đầy rẫy nguy cơ mất trắng vốn liếng đã nạp vào ví Payasian

Các chuyên gia cho biết, không thể nào có chuyện ví điện tử Payasian chấp nhận được tất cả các loại tiền tệ, là trung tâm trao đổi tiền tệ quốc gia và ngược lại. Hiện nay, tại Việt Nam, chỉ có duy nhất ngân hàng là đơn vị được phép làm việc này. 

Đồng thời, theo Sở Công Thương thành phố Hà Nội, Công ty cổ phần Payasian chưa được Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.

Như vậy, theo Công an thành phố Hà Nội, ví điện tử Payasian hiện chưa được cơ quan chức năng cấp phép, số tiền nạp vào ví điện tử Payasian không thể sử dụng. Thậm chí, đây còn không được coi là 1 công ty bán hàng đa cấp hợp pháp.

Hoạt động của Công ty cổ phần Payasian có dấu hiệu huy động vốn, kinh doanh đa cấp trái phép và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Những năm gần đây, kinh doanh đa cấp tiền ảo đang bùng nổ tại thị trường Việt Nam, các chiêu thức kêu gọi đầu tư tiền ảo chưa bao giờ là cũ nhất là khi Payasian đánh mạnh vào lãi suất "ảo" khiến nhiều người càng dễ mắc bẫy hơn.

Với cách thông tin mập mờ thiếu chính xác, cùng chiêu thức kêu gọi đầu tư lãi suất cao, hoạt động trên phương thức hứa hẹn trả hoa hồng theo cấp nhìn qua chẳng khác mấy với những chiêu thức chào mời của các hình thức kinh doanh đa cấp trái phép.

Đừng mờ mắt trước lợi nhuận ảo!

Cảnh báo tình trạng lừa đảo qua ví điện tử Payasian - Ảnh 7.

"Chúng Tôi (viết hoa bừa bãi) đã thoát khỏi công việc làm thuê nhàm chán, lương thấp và tận hưởng cuộc sống tự do chỉ sau vài tháng kinh doanh như thế nào?" - Mẩu quảng cáo sặc mùi đầu tư đa cấp lừa đảo trên trang chủ của ví Payasian

Ngay từ khi đặt chân tới Việt Nam, với cái mác "tập đoàn lớn, có văn phòng đại diện tại Singapore và một số nước châu Á" - Payasian đã mắc ngay một lỗi nghiêm trọng: Vi phạm luật cạnh tranh khi so sánh trực tiếp với những sản phẩm cùng ngành hàng, cụ thể là những tên tuổi lớn như Visa và Master Card. Mang "tham vọng phủ sóng thị trường châu Á" bằng cách thiếu chuyên nghiệp ngay từ những điều sơ đẳng nhất trong kinh doanh?

Cảnh báo tình trạng lừa đảo qua ví điện tử Payasian - Ảnh 8.

Cảnh báo tình trạng lừa đảo qua ví điện tử Payasian - Ảnh 9.

Tự quảng cáo là hướng đến "dịch vụ tốt nhất", "phủ sóng châu Á" nhưng trang chủ tiếng Việt của Payasian liên tục xuất hiện lỗi chính tả, viết hoa lung tung, sử dụng thuật ngữ gây khó hiểu cho người dùng

Cảnh báo tình trạng lừa đảo qua ví điện tử Payasian - Ảnh 10.

Ứng dụng Payasian trên điện thoại được lập trình cẩu thả, chức năng chưa hoàn thiện

Trong vài năm trở lại đây, ủy thác cho vay và kinh doanh đa cấp tiền mã hóa (cryptocurrency) trái phép đã bùng nổ mạnh mẽ trên dải đất hình chữ S. 

Phần nhiều trong số đó đã sử dụng các chiêu bài cũ rích, bị tẩy chay trên toàn thế giới. Tuy nhiên, nó vẫn rất mới mẻ với đại chúng tại Việt Nam, đặc biệt là các vùng quê hẻo lánh, dân cư thiếu hiểu biết về công nghệ.

Vào tháng 4/2018, giới kinh doanh và chơi tiền ảo rúng động trước sự sụp đổ của hai đồng tiền ảo là iFan và Pincoin. Vụ việc để lại hậu quả vô cùng nặng nề đối với nhà đầu tư.

Theo đó, người đầu tư đã kéo đến trụ sở Công ty cổ phần Modern Tech (TP.HCM) giăng băng rôn tố cáo công ty này đã chiếm đoạt hơn 15.000 tỷ đồng bằng hình thức kêu gọi rót vốn mua đồng tiền ảo iFan, Pincoin.

Số tiền 15.000 tỷ đồng được giải thích là quy đổi từ 650 triệu USD ICO (huy động vốn) thành công từ iFan, Pincoin và một số đồng tiền ảo khác do công ty đại diện. Trong đó, iFan được giới thiệu là tiền ảo được sử dụng cho các dịch vụ liên quan đến showbiz.

Cảnh báo tình trạng lừa đảo qua ví điện tử Payasian - Ảnh 11.

Tham lam nhưng lại thiếu hiểu biết, vô số người vẫn lao vào "cống" tiền cho các doanh nghiệp tương tự như Payasian dù trước đó, cơ quan chức năng và báo chí đã liên tục đưa ra cảnh báo lừa đảo.

Trên thực tế, khi những mô hình đa cấp kim tự tháp đổ bể, nhóm quản lý ở tầng trên đã kịp ôm tiền tháo chạy, chỉ còn lại tầng dưới là chịu thiệt.

Vào ngày 1/1/2018, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định tiền ảo và các loại tiền tương tự không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng, sử dụng tiền mã hóa có thể bị xử lý hình sự. 

Trước vô số rủi ro và hệ lụy nói trên, các nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ lưỡng luật pháp, cách thức hoạt động của những doanh nghiệp gọi vốn với lãi siêu khủng để đề phòng tiền mất, tật mang.

Chia sẻ