Parent coach Linh Phan: "Hãy chỉ cho tôi một em bé chưa từng cắn, đánh hay ném đồ, tôi sẽ chỉ cho bạn một con lợn biết bay"

Linh Phan,
Chia sẻ

Rất nhiều phụ huynh lo lắng về những hành vi này, thậm chí mắng phạt con khi con còn quá nhỏ.

Đầu tiên, mình phải khẳng định rằng tất cả những hành vi này là bình thường và là 1 phần trong sự phát triển của những em bé. Không nên ngay lập tức đánh giá hành động đó là nghịch ngợm, hư hỏng hay phản ánh cách nuôi dạy con cái của cha mẹ có vấn đề. Hãy chỉ cho mình một em bé chưa từng cắn, đánh, đẩy hay ném đồ, mình sẽ chỉ cho bạn một con lợn biết bay. 

Parent coach Linh Phan: "Hãy chỉ cho tôi một em bé chưa từng cắn, đánh hay ném đồ, tôi sẽ chỉ cho bạn một con lợn biết bay" - Ảnh 1.

Vậy nguyên nhân của hành vi này ở trẻ là gì?

Đối với hầu hết trẻ em, những hành vi này đơn giản là một biểu hiện cho thấy sự đi xuống của nhịp sinh học, mà nguyên nhân chính thường là:

- Thất vọng (vì không thể có một thứ gì đó hoặc làm một cái gì đó, hoặc bị buộc phải làm gì đó mà con không muốn làm).

- Cảm thấy buồn bã, bất an (như là khi có thêm em, chuyển nhà mới hoặc bắt đầu đi học mầm non).

- Bộ não non nớt, thiếu kiểm soát xung động.

- Bộ não non nớt không có khả năng kiểm soát cảm xúc mạnh mẽ.

- Bộ não non nớt không có khả năng hiểu về hậu quả của hành vi.

- Bộ não non nớt, thiếu sự đồng cảm.

- Không thể đối phó được khi ai đó xâm phạm không gian riêng của con.

- Không có hoạt động thể chất/vận động đầy đủ, không giải toả được năng lượng thông qua trò chơi thể chất hoặc chơi tự do.

- Mệt mỏi, kích thích quá mức (do xem quá nhiều trên màn hình điện tử, hoặc ăn quá nhiều đồ ngọt).

- Muốn được người lớn chú ý và kết nối.

- Đơn giản là muốn thử và “trải nghiệm” cảm giác vật lý, đặc biệt đúng với việc cắn.

- Vì cha mẹ nuôi dạy con quá nghiêm khắc, độc đoán, kiểm soát.

- Vì con đang học theo và mô hình hoá lại hành vi của cha mẹ hoặc người lớn/trẻ em khác thường ở gần con (Ví dụ bố mẹ thường đánh con, con sẽ học cách đánh người khác).

Cách dễ nhất để đối phó với đánh, cắn, đẩy hay ném là tìm ra nguyên nhân thật sự của hành vi. Một khi bạn đã xác định được yếu tố gây kích hoạt các hành vi này, thì bước đầu tiên là cố gắng TRÁNH những yếu tố đó càng xa càng tốt.

Quan trọng đó là hãy quan sát và nhận diện những tín hiệu cảm xúc của con. Bằng cách gần gũi, kết nối và dành nhiều thời gian hơn để chơi, tận hưởng niềm vui cùng con thì những hành vi này sẽ giảm đi đáng kể.

Hãy cho phép con được tự do kiểm soát nhiều hơn các hoạt động thường ngày, tự do lựa chọn và tự chăm sóc bản thân (trong giới hạn cho phép) - những điều này cũng giúp ích rất nhiều cho con.

Vậy thì chìa khoá ở đây là gì? LÀ CHÍNH SỰ THAY ĐỔI CỦA BỐ MẸ!

Phản ứng và hành vi của bố mẹ khi con có những cư xử có tính dữ dằn sẽ quyết định bạn có thể “dập tắt” hành vi đó hay không. Hãy nhớ rằng bạn đang làm mẫu cho con thấy những hành vi mà bạn muốn thấy từ trẻ. Có nghĩa là bố mẹ rất cần phải BÌNH TĨNH, TỬ TẾ và TÔN TRỌNG con mọi lúc mọi nơi. Nếu bạn la hét, đánh đòn, phạt time-out… thì nguy cơ duy trì chu kỳ diễn ra những hành vi này ở con trong những năm tới là rất cao.

Một khi bạn đã bình tĩnh, hãy đáp lại con với sự quan tâm thật sự và đầy đủ. Đặt điện thoại xuống, dừng trò chuyện với người khác, tạm ngưng việc đang làm dở và TẬP TRUNG vào con. Không có gì khác nữa, ngoài con.

Tại thời điểm đó, lưu ý hãy giữ cho con và những người xung quanh không xảy ra những tình huống hay vật thể nguy hiểm. Bình tĩnh và nói với con đơn giản về những gì chúng đã làm sai và tại sao.

Bạn có thể nói:

- “Con không được đánh Xoài, như vậy làm bạn ấy đau và bạn ấy đang khóc”.

- “Con đang cắn mẹ, mẹ thật sự đau, con không được cắn người khác”.

- “Dừng lại, con không nên ném đồ chơi trên sàn, đồ chơi sẽ vỡ và hỏng”.

Tiếp sau đó, hãy nói với trẻ về cảm xúc và giúp con gọi tên các cảm xúc đó:

- “Mẹ biết con không thích bạn ấy cầm bình nước của con, và con có thể tức giận nhưng không nên đánh người khác”.

- “Con có cảm thấy vui khi cắn mẹ không? Con có bị đau răng không?”.

- “Con cảm thấy chán không muốn chơi nữa phải không?”.

Parent coach Linh Phan: "Hãy chỉ cho tôi một em bé chưa từng cắn, đánh hay ném đồ, tôi sẽ chỉ cho bạn một con lợn biết bay" - Ảnh 4.

Cuối cùng, hãy giúp trẻ tìm ra biện pháp để giải quyết, thay thế và dễ chấp nhận hơn:

- “Con có thể đến và đấm vào cái đệm này nếu con muốn”.

- “Mẹ cho con một miếng táo để con cắn nhé?”.

- “Mình ra ngoài đi dạo một chút, hoặc xuống sân chơi ném bóng nhé?”.

Điều quan trọng là, khi chúng ta trả lời một cách NHẸ NHÀNG, nó hoàn toàn có thể ngăn con làm các việc tương tự vào ngày hôm sau. Cho tới khi não bộ phát triển đầy đủ hơn, bố mẹ có thể tạm yên tâm vì những hành vi như thế không lặp lại nữa. Theo thời gian, với sự NHẤT QUÁN trong cư xử và phản ứng của bố mẹ, con sẽ học được cách ứng xử đúng và những hành vi trên sẽ chấm dứt. Nó có thể mất vài ngày, vài tuần, vài tháng thậm chí vài năm. Tuỳ vào sự kiên trì của bố mẹ và tính khí, nhận thức của đứa trẻ.

Có 3 điều thực sự sẽ giúp loại bỏ những hành vi nói trên mãi mãi đó là: THỜI GIAN, SỰ KIÊN NHẪN & SỰ HIỂU BIẾT.

Hai điều sau, chắc chắn là thử thách với không ít những ông bố bà mẹ!

Vài nét về tác giả:

Chị Linh Phan là một Parent coach chuyên nghiệp, đồng thời là tác giả cuốn sách "Mẹ Việt nuôi dạy con kiểu Bắc Âu". Với mong muốn mang đến nhiều hơn giá trị cho cộng đồng và nền giáo dục nước nhà, chị Linh sáng lập dự án Raised Happy nhằm cung cấp kiến thức hữu ích và hoàn toàn miễn phí cho bố mẹ có con từ 0-6 tuổi. Hiện chị Linh đang sống, làm việc tại Na Uy và là mẹ của 2 em bé Ốc và Sò.

Các mẹ có thể tìm đọc những bài viết của chị Linh Phan TẠI ĐÂY.

Chia sẻ