"Ông Ngoại Tuổi 30": Tưởng lại một "thảm họa remake", ai ngờ xem ổn hơn mong đợi

Phúc Du,
Chia sẻ

Có lẽ sự an tâm của khán giả dành cho phim remake sẽ còn tiếp tục giữ được nhiệt vì "Ông Ngoại Tuổi 30" cũng là một sản phẩm remake khá ổn.

Sau khi Tháng Năm Rực Rỡ nhận được cơn mưa lời khen từ số đông và càn quét các rạp chiếu thì Ông Ngoại Tuổi 30, cũng là một phim remake, chính là bộ phim được quan tâm tiếp theo.

Ông Ngoại Tuổi 30: Tưởng lại một thảm họa remake, ai ngờ xem ổn hơn mong đợi - Ảnh 1.

Ông Ngoại Tuổi 30 được làm lại từ Scandal Maker bộ phim rất nổi tiếng của đạo diễn - biên kịch tài ba Kang Hyung Chul, ông cũng là người đã làm nên Sunny (bản gốc của Tháng Năm Rực Rỡ). Phiên bản Việt được cầm trịch bởi đạo diễn Võ Thanh Hòa. Cho ai chưa biết, Võ Thanh Hòa chính là "cậu em chảy nước mắt sống" trong Cánh Đồng Bất Tận và đạo diễn phim Bệnh Viện Ma, một trong những "nơi" đã se duyên cho Hari Won và Trấn Thành.

Nội dung ổn, cấu trúc không đều

Sơn Huy (Trịnh Thăng Bình) là nam phát thanh viên, MC nổi tiếng của làng giải trí. Những tưởng cuộc sống của gã đàn ông tuổi băm đang độ chín muồi vì sự nghiệp thành công, nhà sang xe đẹp, lúc nào cũng có mỹ nhân vây quanh thì một ngày kia, một cô gái dắt theo cậu con trai nhỏ đến nhận mặt bà con. Chính từ lúc đó, Sơn Huy bỗng trở thành một người bố và một người ông. Chưa kể, éo le hơn khi việc cô gái kia quyết tâm tìm nhận cha cũng chính là do nghe lời tư vấn của anh khi tâm sự trên đài.

Với bản tính ma mãnh, đâu dễ gì Sơn Huy chịu chấp nhận số phận. Anh dùng mọi cách từ việc đi thử ADN đến bịa ra sơ đồ quan hệ phức tạp hơn toán đố, ngụy tạo thư từ, thậm chí là đuổi hai mẹ con Mi Trần (Kiều Trinh xíu) và Phương Đông (Coca Hoàng Gia Bảo) ra khỏi nhà để bảo vệ sự nghiệp, danh tiếng.

Ông Ngoại Tuổi 30: Tưởng lại một thảm họa remake, ai ngờ xem ổn hơn mong đợi - Ảnh 2.

Kịch bản gốc của bộ phim vốn đã là một sáng tạo tuyệt vời của Kang Hyung Chul. Không phải vì nó quá lạ hay giật gân, gây sốc mà vì ông kiểm soát được những nhân vật xung quanh 3 nhân vật chính, cũng như điều khiển được đường dây câu chuyện, giải quyết tình huống đơn giản nhưng thuyết phục. Phiên bản Việt về cơ bản đã thừa hưởng sẵn cái nền móng khá vững chắc này. Phần biên kịch được Huỳnh Lập chấp bút nên có độ duyên nhất định trong lời thoại cũng như những màn đối đáp.

Tuy nhiên, phần đầu của bản Việt lại mang cảm giác hơi dàn trải và khá dài. Màn nhận cha con, ông cháu và những hệ lụy xảy ra trước nút thắt chiếm thời lượng hơi nhiều, đôi chỗ gây nhàm chán. Thành thử phần gỡ nút phía sau bị vội vàng, những chỗ cần lắng đọng và cảm xúc lại không hiệu quả như bản gốc.

Trailer "Ông Ngoại Tuổi 30"

Ba diễn viên chính đều ổn, dàn phụ khá tốt

Trịnh Thăng Bình sau vai thứ trong phim truyền hình Tam Nam Vẫn Phú 9 năm trước đã có màn ra mắt khá ấn tượng và thuyết phục trong phim điện ảnh đầu tay này. Sơn Huy là một nhân vật khó, đòi hỏi nhiều biểu cảm đa dạng trong suốt quá trình trưởng thành cùng câu chuyện. Với lợi thế về ngoại hình, Trịnh Thăng Bình thể hiện thành công hình tượng chàng phát thanh viên kiêu ngạo và phong lưu, đôi lúc hơi tưng tửng. Ở các phân đoạn đòi hỏi diễn xuất nội tâm, anh cũng làm khá tốt.

Nhưng có lẽ vì kinh nghiệm lần đầu đóng điện ảnh, lại còn là vai khá khó nên đôi chỗ Trịnh Thăng Bình vẫn hơi "over". Một số đoạn thấy rất rõ anh đang cố diễn cơ mặt, cử chỉ, khiến nhân vật hơi bị... truyền hình. Ở những chỗ cần cường điệu, anh cũng chưa thể duyên dáng như Cha Tae Hyun trong bản gốc.

Ông Ngoại Tuổi 30: Tưởng lại một thảm họa remake, ai ngờ xem ổn hơn mong đợi - Ảnh 3.

Bù lại, Trịnh Thăng Bình là có giọng hát và tài sáng tác. Ca khúc Tâm Sự Tuổi 30 chính là điểm cộng lớn của bộ phim vì có "đất thể hiện" khá đắt, ca từ ấn tượng nên khi bước ra khỏi rạp khán giả sẽ tự khắc nhẩm theo.

MV "Tâm Sự Tuổi 30"

"Hot girl vườn đào" Kiều Trinh thì có khuôn mặt hao hao Park Bo Young trong bản gốc. Cô nàng có nét diễn khá tự nhiên, dễ thương. Chỉ tiếc là phân đoạn tâm lý tay đôi với Trịnh Thăng Bình thì lại chưa được tốt. Phân cảnh Mi Trần hoảng hốt chạy khắp nơi tìm con cũng còn sượng do đạo diễn chưa tiết chế được diễn viên. Tuy nhiên do đoạn này khá cảm động nên khán giả sẽ bỏ qua vấn đề về kĩ thuật.

Ông Ngoại Tuổi 30: Tưởng lại một thảm họa remake, ai ngờ xem ổn hơn mong đợi - Ảnh 5.

Sáng nhất trong bộ ba chính là bé Coca Hoàng Gia Bảo. Nếu bản gốc đã tạo ra một "tượng đài nhí" Wang Suk Hyun thì đó cũng chính là áp lực trong bản Việt. Tuy bé Gia Bảo chưa đạt được sự ổn định xuyên suốt nhưng ở một số phân cảnh, chú bé cực kì đáng yêu duyên dáng, cộng với khuôn mặt lém lỉnh sáng bừng màn hình, nhân vật Phương Đông nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ khán giả trong suất chiếu đầu tiên.

Ông Ngoại Tuổi 30: Tưởng lại một thảm họa remake, ai ngờ xem ổn hơn mong đợi - Ảnh 6.

Các diễn viên phụ như Chí Tâm, Hoàng Phi, Huỳnh Lập, Hoàng Sơn đều có những màn thể hiện tròn trịa. Đặc biệt là nhân vật tay bác sĩ thú y của Hoàng Phi rất duyên dáng và ấn tượng. Trong khi đó thì Hoàng Rapper hơi gồng và ồn ào.

Trong tuyến vai thứ cũng có 2 nhân vật chưa được tốt chính là Lou Hoàng và Hạ Vi. Lần đầu đóng phim nên Lou Hoàng còn cứng, đài từ cũng chưa tốt, khiến cho nhân vật này mất điểm ngày từ lần xuất hiện... thứ hai. Hạ Vi dù có nhan sắc rất thu hút nhưng diễn xuất "ngã cau" ngày nào vẫn chưa được cải thiện là bao. Nếu có chê bai 2 vai này có lẽ nên chê... đạo diễn, vì rõ ràng những vấn đề này là điều thấy được, chẳng qua đạo diễn chưa khắc phục.

Ông Ngoại Tuổi 30: Tưởng lại một thảm họa remake, ai ngờ xem ổn hơn mong đợi - Ảnh 7.
Ông Ngoại Tuổi 30: Tưởng lại một thảm họa remake, ai ngờ xem ổn hơn mong đợi - Ảnh 8.

Thông điệp rất hay nhưng bản Việt còn dính nhiều lỗi ngớ ngẩn

Nội dung của Ông Ngoại Tuổi 30 không đơn thuần là câu chuyện xử lý khủng hoảng truyền thông trong ngành giải trí mà còn là một "combo" gồm có tình cảm gia đình, tình yêu tuổi trẻ, hồi ức đầu đời và cả những sự mỉa mai dành cho cánh truyền thông với các sự vụ giật gân.

Bộ phim làm bật lên tình cảm gia đình gắn bó từ chính sự chối bỏ, một vấn đề mà rất nhiều người thành đạt trong xã hội gặp phải. Đặc biệt là sự chọn lựa giữa an toàn của cá nhân hay nghĩ cho người thân của mình. Điều này được phản ánh qua chính cái tên gốc là Scandal Makers, cũng như nhân vật tay phóng viên "ma giáo" Bồng Bềnh (Tùng Leo thủ vai).

Ông Ngoại Tuổi 30: Tưởng lại một thảm họa remake, ai ngờ xem ổn hơn mong đợi - Ảnh 9.

Nhưng có vẻ như ngành giải trí ở Việt Nam khá hiền lành, không khắc nghiệt như Hàn Quốc nên vấn đề mà Sơn Huy gặp phải không tạo được nút thắt gay gắt như bản gốc. Khán giả sẽ luôn đặt câu hỏi: "Nếu anh chàng này nhận con, nhận cháu thì cũng có sao đâu?" suốt bộ phim chính vì lý do về văn hoá khác biệt này.

Ngoài ra còn một số chi tiết vụn vặt tuy không ảnh hưởng mấy nhưng cũng gây khó chịu. Ví dụ như cảnh Sơn Huy giành toilet với Mi Trần và Phương Đông. Không thể nào có chuyện căn nhà to đùng, sang chảnh như thế mà chỉ có một toilet được. Chi tiết này khiến bộ phim mang cảm giác hơi thừa và dàn dựng.

Kết

Phim gốc có tuổi đời từ năm 2008, tức là tròn 10 năm từ ngày ra mắt. Quãng thời gian 10 năm kia đã chứng kiến khá nhiều sự thay đổi của ngành giải trí, cũng như quan niệm về gia đình trong giới trẻ. Thành thử thông điệp cũng như câu chuyện phim đã hơi cũ. Tuy nhiên, cũ thì cũ, nhưng sự kém nhạy bén của nước nhà khi không thể tự viết ra được kịch bản này mà phải mua lại cũng là một sự thật khá buồn.

Ông Ngoại Tuổi 30: Tưởng lại một thảm họa remake, ai ngờ xem ổn hơn mong đợi - Ảnh 10.

Nếu bạn chưa từng xem bản gốc thì Ông Ngoại Tuổi 30 vẫn có thể làm bạn hài lòng bởi đây là một phim khá, một sản phẩm remake không tệ. Trịnh Thăng Bình có lẽ sẽ thăng hạng sau phim này và nhận được nhiều lời mời liên quan đến điện ảnh hơn. Hình ảnh, âm nhạc cũng chỉn chu và ghi được dấu ấn. Nội dung lớp lang, có thắt có mở, có bất ngờ, có xúc động chính là những yếu tố dễ dàng làm hài lòng khán giả đại chúng.

Phim được công chiếu chính thức từ ngày 30/3/2018 sắp tới.

Chia sẻ