Ở đời đã có quá nhiều người thông minh và khôn ngoan, đôi khi sống “khờ khạo, giả ngu ngốc” một chút, bạn mới đạt cảnh giới là người chiến thắng cuối cùng

Dương Mộc,
Chia sẻ

Đôi khi, thông minh và biết nhiều chưa hẳn đã tốt bằng việc "giả ngu" khờ khạo một chút trong cuộc sống.

Người ta nghĩ rằng có tài năng thì phải bộc lộ hết ra ngoài, chứng minh với xã hội để mưu cầu tiến thân. Tuy nhiên, thông minh hay khôn ngoan không phải điều nên thể hiện mọi lúc mọi nơi. Có những thời điểm, "giả ngu" cũng là một nghệ thuật, là cảnh giới cao nhất của một trí tuệ thông thái.

Có một cậu bé người Mỹ tên Wilson trông rất khờ khạo, do đó nhiều người trong thị trấn thích trêu đùa và coi cậu như một nhân vật mua vui. Một ngày nọ, bạn của Wilson cầm đồng 1 đô la và đồng 5 cent tới hỏi Wilson chọn đồng tiền nào.

Cậu bé Wilson lúc đó đã không cần suy nghĩ mà trả lời ngay: "Tớ chọn đồng 5 cent".

Bạn học khoái chí cười: "Ha ha, cậu ấy không chọn 1 đô la mà lại chọn đồng 5 cent".

Sau đó tất cả học sinh trong trường đã lan truyền nhau chuyện cười này. Rất nhiều người đã không tin và muốn đến tìm Wilson kiểm tra thử, nhưng lần nào đưa tiền ra hỏi, họ cũng nhận được cùng một kết quả: "Tớ muốn 5 cent". Vì vậy, cả trường đều không ngừng đến thử và cười nhạo vào mặt cậu bé.

Cuối cùng, câu chuyện này cũng đã đến tai của thầy giáo. Thầy gọi Wilson tới và hỏi: "Chẳng lẽ con không phân biệt được giá trị lớn nhỏ của đồng 1 đô la và 5 cent sao?".

Wilson đáp: "Đương nhiên con biết rõ ạ. Nhưng nếu con chọn đồng 1 đô la thì sẽ không có nhiều người đến thử và cho con 5 cent như vậy."

Có thể thấy rằng, cậu bé Wilson vốn chẳng hề ngu ngốc, chỉ là cậu không đặt sự thông minh của mình vào món lợi nhất thời mà lựa chọn giả ngu để đạt nhiều lợi ích lâu dài hơn.

Ở đời đã có quá nhiều người thông minh và khôn ngoan, đôi khi sống “khờ khạo, giả ngu ngốc” một chút, bạn mới đạt cảnh giới là người chiến thắng cuối cùng - Ảnh 1.

Đừng dùng suy nghĩ thiển cận để đánh giá trí tuệ của người khác.

Trong thực tế, thông minh không phải là xấu, tuy nhiên, đôi khi trong cuộc sống lại cần "giả ngu" một chút mới tránh được càng nhiều mệt mỏi và phiền toái, giúp cuộc sống thuận lợi hơn. Bởi vậy nên người xưa cho rằng, người thông minh nhưng biết "giả ngốc" đúng lúc mới là đạo xử thế của nhà thông thái. Biểu hiện của ngốc nghếch ở người thông minh chính là một loại trạng thái bình tĩnh, không hiểu cái đạo lý của người đại ngốc thì khó thành tựu đại sự.

Đây là quy tắc rất cần thiết khi đối nhân xử thế. Quan hệ giữa người với người thật khó để không phát sinh mâu thuẫn. Nếu có người nói xấu bạn sau lưng, liệu bạn có bực tức và làm lớn chuyện hỏi cho rõ ràng hay không? Nếu vậy, bạn không những chỉ làm xấu hình ảnh của mình mà còn khiến sự tình nghiêm trọng hơn, đồng thời tăng thêm sự bực tức khó chịu cho bản thân, làm hại tinh thần và sức khỏe của mình. Có những sự việc, nếu chúng ta biết cách "nhắm một mắt mở một mắt" và "đãng trí" đúng lúc, như vậy là chúng ta đã biết cách giả ngu của người thông minh.

Ở đời đã có quá nhiều người thông minh và khôn ngoan, đôi khi sống “khờ khạo, giả ngu ngốc” một chút, bạn mới đạt cảnh giới là người chiến thắng cuối cùng - Ảnh 2.

Đừng nhìn quá rõ, đừng nghĩ quá nhiều, cuộc sống sẽ nhẹ nhàng hơn.

Đừng nhớ ân đức mình đã làm cho người khác

Người xưa đã nói: "Làm ơn không cần báo đáp, cần báo đáp thì đừng làm ơn". Giúp đỡ người khác là một hành động tốt nhưng đừng quá đặt nặng và luôn nhớ tới điều đó nếu không muốn nó trở thành gánh nặng khiến bản thân không hạnh phúc và khó chịu rồi cảm thấy đối phương vô ơn, lãng phí lòng tốt của bạn.

Đừng nhớ oán hận và những điều không như ý

Cuộc sống không thể tránh được những điều bất lợi, những lúc sinh ra tức giận trong lòng. Nếu cứ đặt chúng trong tâm trí, nó sẽ như một con dao sắc bén không ngừng cứa vào lòng bạn. Càng nghĩ về nó, vết thương càng không thể lành. Đừng tự nhốt bản thân vào một lồng giam của oán giận. Trong một khoảnh khắc mất bình tĩnh và để oán giận làm chủ cảm xúc, bạn có thể đánh mất chính mình, làm ra hành động không thể cứu vãn.

Quên hết quá khứ từng huy hoàng trong đời

Đời ai cũng có những lúc thăng trầm, những lúc biến chuyển. Chớp mắt một cái, quá khứ huy hoàng có thể biến thành tương lai mù mịt. Nếu vẫn luôn đắm chìm trong quá khứ, không biết thoát ra và cố gắng phấn đấu, bạn mãi mãi chỉ có thể sống trong hồi ức mà không biết hiện tại và tương lai đang dần dần hoang phế, cuộc sống không thể hạnh phúc được.

Ở đời đã có quá nhiều người thông minh và khôn ngoan, đôi khi sống “khờ khạo, giả ngu ngốc” một chút, bạn mới đạt cảnh giới là người chiến thắng cuối cùng - Ảnh 3.

Học cách quên lãng để tâm trí không bị trói buộc.

Cuộc đời này quá ngắn ngủi, quá thông minh và nhớ dai nhớ dài chưa chắc đã là chuyện tốt. Nếu giữ quá nhiều người và chuyện trong lòng, không chịu buông bỏ, bạn đang tự gây rắc rối cho mình và luôn phải vật lộn trong phiền não. Thay vì lãng phí thời gian để băn khoăn, lo lắng mọi thứ trong đầu, tại sao không trở thành một người "khờ khạo", "đãng trí"? Đôi khi thông minh lại thành thông minh "dại". Ngốc nghếch lại hóa ngốc nghếch "khôn".

Chia sẻ