Nuốt phải đầu bút bi và xương cá hai đứa trẻ bị tắt đường thở khiến nguy hiểm đến tính mạng

Tin, ảnh: Hoàng Lê,
Chia sẻ

Dị vật lọt vào đường hô hấp khiến hai đứa trẻ ho sặc sụa, tím tái khó thở. May mắn được người nhà đưa đến BV sớm nên các bệnh nhi không nguy hiểm đến tính mạng.

Mới đây, BV Nhi Đồng 2 (TP.HCM) cho biết, chỉ trong một tuần lễ vừa qua, nơi đây đã tiến hành nội soi cứu sống thành công hai đứa trẻ bị tai nạn dị vật nơi đường thở.

Trường hợp thứ nhất là bé trai tên Lâm L. (9 tuổi, quê Bình Phước), nhập viện vì tình trạng khó thở. Theo lời kể từ người nhà, trong lúc đang chơi đùa, bé đang cắn đầu bút bi thì bị ho sặc, tím tái, sau đó khó thở. Người nhà dẫn bé đến khám tại BV địa phương và được chuyển Bệnh viện Nhi Đồng 2 sau 4 tiếng.

Tiến hành chụp X-quang, các BS phát hiện đứa bé bị xẹp một bên phổi trái. Tiếp tục soi ống mềm phế quản, ekip điều trị phát hiện có dị vật là đầu bút bi 1cm nằm ở phế quản gốc trái, bít chặt lòng phế quản. Bệnh nhi sau đó được nội soi ống cứng để gắp dị vật ra. Nhờ vậy, bé hết khó thở, giảm khò khè và được cho xuất viện.

Nuốt phải đầu bút bi và xương cá hai đứa trẻ bị tắt đường thở khiến nguy hiểm đến tính mạng - Ảnh 1.

Đầu bút bi lấy ra từ phế quản bé trai.

Trường hợp thứ 2 là của bé Hoàng Phương L. (20 tháng tuổi, quê An Giang). Khi đến khám tại BV Nhi Đồng 2, bệnh nhi ho kéo dài, khò khè nhưng người nhà không rõ nguyên nhân. Kết quả chụp X-quang ngực cho thấy bé L. bị viêm phế quản phổi nhưng không phát hiện dị vật. Sau khi hội chẩn liên chuyên khoa, các BS quyết định nội soi phế quản kiểm tra. Kết quả, ekip điều trị đã soi và gắp được dị vật là mảnh xương cá ở phế quản gốc phải đứa bé.

ThS.BS. Huỳnh Thị Mỹ Hiền - khoa Tai Mũi Họng chia sẻ, dị vật đường thở do hít sặc rất thường gặp ở trẻ nhỏ từ 6 tháng đến 3 tuổi, do ở độ tuổi này trẻ thường tò mò, thích cho vào miệng những vật cầm chơi. Các phản xạ đóng mở thanh quản để bảo vệ đường thở khi ăn uống và khi hít thở vẫn chưa hoàn thiện.

Nuốt phải đầu bút bi và xương cá hai đứa trẻ bị tắt đường thở khiến nguy hiểm đến tính mạng - Ảnh 2.

Ảnh chụp X-quang phổi bệnh nhi 20 tháng tuổi.

Tuy nhiên, dị vật đường thở vẫn gặp ở trẻ lớn khi bất cẩn, đang ngậm vật trong miệng nhưng đùa giỡn, cười nói sau đó hít sặc vào đường thở. Nhiều trường hợp người nhà không thấy bé bị sặc để xử trí kịp thời hoặc đưa đến bệnh viện muộn sẽ dẫn đến dị vật bỏ quên trong đường thở, dễ chẩn đoán lầm với cơn suyễn cấp tính hoặc viêm thanh khí phế quản cấp.

"Dị vật đường thở ở trẻ em thường gặp là hạt dưa hấu, hạt bí, đậu phộng hoặc những mảnh xương (heo, cá) đôi khi là những vật kim loại nhỏ nhọn, kim băng, đầu bút bi... Khi bị sặc, những vật này rơi vào đường thở làm tắc nghẽn hô hấp nếu không xử trí kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, cha mẹ cần cẩn thận khi cho trẻ ăn, không để các vật nhỏ lọt vào tay trẻ, không được đùa giỡn trong lúc ăn để tránh các trường hợp hít sặc đáng tiếc xảy ra" - ThS.BS. Huỳnh Thị Mỹ Hiền khuyến cáo.

Chia sẻ