Nước mắt tôi đã chảy bằng 30 năm trước cộng lại trước cách can thiệp thô bạo vào việc dạy con của bố mẹ chồng

Hướng Dương,
Chia sẻ

Từ khi có con, bố mẹ chồng tôi thường can thiệp sâu vào việc nuôi dạy con của chúng tôi.

Dốc hết Trái tim - Tổng đài "lắng nghe và giải đáp" tất tần tật về phụ nữ trên Afamily. Ở đây, phụ nữ có một nơi để trút bỏ không chỉ những tâm sự về tình yêu - hôn nhân, mà còn có thể nói về những ước mơ, hoài bão; bày tỏ quan điểm, thắc mắc muôn mặt về đời sống - xã hội; thậm chí kể câu chuyện đời mình... Với hình thức chia sẻ hai chiều, bạn gửi tâm sự về cho Tổng đài - Tổng đài gửi lại bạn hình ảnh minh họa tâm sự đó, hy vọng rằng đây sẽ là nơi gửi gắm tin tưởng của chị em. Ngay bây giờ, hãy dốc hết trái tim qua hòm mail phunulaphaithe@afamily.vn.

Vợ chồng tôi kết hôn được 2 năm và có con 16 tháng. Chúng tôi không sống chung với bố mẹ chồng nhưng từ khi có con, bố mẹ chồng tôi lên thường xuyên giúp trông cháu cho chúng tôi đi làm. Phần vì con còn nhỏ nên thời gian qua tôi chưa cho con đi gửi trẻ, thuê giúp việc lại mang đến gánh nặng về kinh tế.

Từ khi có con, bố mẹ chồng tôi thường can thiệp sâu vào việc nuôi dạy con của chúng tôi. Khi tôi còn ở cữ, từ việc cho con ti như thế nào, ngủ đến tắm đều bị chỉ đạo theo kiểu ngày xưa. Nếu có việc gì trái ý bố mẹ thì y như rằng tôi thành tội đồ, bị mách tới tai chồng rồi anh em họ hàng không ở câu chuyện này thì câu chuyện khác. Ban đầu, tôi còn giải thích nhưng qua một số lần nghe chỉ trích, phê phán gay gắt hàng giờ đồng hồ thì tôi nản hẳn. Bản thân vợ chồng tôi đều làm liên quan đến giáo dục nên cũng mua sách vở, tìm kiếm thông tin từ chuyên gia để tìm hiểu cách nuôi con sao cho đúng. Tuy nhiên, tất cả dường như bất lực trước những suy nghĩ nuôi con kiểu truyền thống trước kia của bố mẹ.

Nước mắt tôi đã chảy bằng 30 năm trước cộng lại trước cách can thiệp thô bạo vào việc dạy con của bố mẹ chồng - Ảnh 2.

Minh họa: Alice Neel từ Pinterest

Tôi không phủ nhận kinh nghiệm nuôi con của bố mẹ chồng nhưng có những điều tôi vẫn muốn nuôi dạy con tôi theo khoa học. Chẳng hạn cho con bú, mẹ chồng bảo phải lấy hai ngón tay kẹp ti cho sữa chảy ít lại. Việc giải thích cho mẹ về khớp ngậm đúng là không khả thi và bài ca “sách vở, mớ lí thuyết vớ vẩn” lại bắt đầu. Nước tắm phải nóng đến tôi còn thấy khó chịu và điệp khúc “nhanh nhanh cái tay lên không lạnh” khiến tôi lúc nào cũng như phát điên.

Ăn uống của tôi thì trứng và thịt là hai món chủ đạo, ăn đồ tanh con lạnh bụng đi ngoài cũng làm tôi nhiều bữa vừa ăn vừa chan nước mắt. Trẻ con trớ là bình thường nhưng với tôi nó trở thành một ám ảnh khi con trớ là cả bố lẫn mẹ chồng “phân tích” không dứt về việc tôi không biết cho con ăn, cho ăn quá no, đầy bụng... Từ khi con ăn dặm đến tận bây giờ, ăn cháo nhuyễn và thật nhiều là ưu tiên hàng đầu của bố mẹ chồng. Nhất là gần đây sau một trận ốm, bữa ăn của con là bà xúc, ông chuẩn bị đồ chơi, điện thoại, làm trò cốt sao con ăn được thật nhiều. Do đó, đến bữa tối và cuối tuần, vợ chồng tôi cho con ăn vô cùng vất vả vì con quen chơi đủ trò khi ăn, không chơi thì không ăn hoặc chỉ ăn được vài thìa.

Xem tivi và điện thoại nhiều lần trong ngày cũng là việc tôi không thể chống lại dù giải thích thế nào đi nữa. Vì chị chồng cũng cho xem khi ăn và con không “ngu” đi, vẫn học giỏi và nhà trẻ họ vẫn bật suốt ngày. Thời kì con tập đi, tôi cũng bị trỉ chích thậm tệ kiểu “thiếu hiểu biết” khi mua dạng xe đẩy cho con chứ không phải xe tròn như hàng xóm khuyên. Sữa uống của con vợ chồng tôi đã chuyển sang sữa tươi và để 1 cữ trước khi đi ngủ là sữa bột nhưng bố mẹ chồng cho rằng tốt nhất vẫn là sữa bột, uống sữa tươi con lạnh bụng và nhà trẻ cũng không nơi nào cho uống sữa tươi. Suốt 16 tháng nuôi con, có lẽ từ “lạnh” là từ tôi được nghe nhiều nhất dù là mùa hè nóng 40 độ và bây giờ nó khiến tôi dị ứng khi nhắc đến.

Bản thân tôi ban đầu rất quý bố mẹ chồng nhưng càng trải nghiệm càng thấy không thể hòa hợp được. Chúng tôi đã quyết định gửi con đi trẻ trong tháng 11 này nhưng những can thiệp khác của bố mẹ chồng vẫn không dừng lại. Tôi đã từng nói với chồng rằng có lẽ chỉ hơn 1 năm nuôi con thôi nhưng nước mắt của tôi đã chảy bằng gần 30 năm trước cộng lại. Việc làm cầu nối của chồng tôi cũng thất bại vì anh không thể cãi lời bố mẹ và theo tư duy của bố mẹ chồng thì 30 tuổi rồi mà anh còn chưa báo hiếu được cho bố mẹ. Đến thời điểm hiện tại, tôi gần như là người câm điếc khi về nhà bởi ở cùng bố mẹ chồng tôi vô cùng áp lực. Tôi cũng không biết nên cải thiện mối quan hệ này thế nào và làm sao để bố mẹ chồng tôi bớt can thiệp vào chuyện nuôi con của vợ chồng tôi?

Nước mắt tôi đã chảy bằng 30 năm trước cộng lại trước cách can thiệp thô bạo vào việc dạy con của bố mẹ chồng - Ảnh 3.

Chào bạn, thật sự lâu rồi Hướng Dương mới nhận được một "ca khó" như thế này. Dù rằng chuyện mâu thuẫn giữa bố mẹ chồng - nàng dâu là một câu chuyện muôn thuở, nhưng không phải ai cũng vướng vào tình huống oái oăm như của bạn. Xin thành thật chia buồn!

Nhưng đừng quá lo vì đã có Hướng Dương ở đây để lắng nghe và giúp bạn gỡ rối rồi. Trong câu chuyện không thấy bạn đề cập đến việc đã thử trò chuyện với bố mẹ chồng hay chưa? Trò chuyện một cách nghiêm túc và thẳng thắn, mạnh dạn bày tỏ quan điểm của mình về việc dạy con ấy, chứ không phải đôi ba lời tranh luận khi ông, bà muốn can thiệp. Mọi mâu thuẫn chỉ có thể được giải quyết khi hai bên thẳng và thật với nhau. Vì thế, nếu chưa thử thì hãy thử tỏ ra nghiêm trọng và nói với bố, mẹ chồng rằng: "Con có chuyện muốn trình bày với bố, mẹ". Sau đó, nói hết những gì bạn đang nghĩ. 

Trong trường hợp dù đã thử nói chuyện rồi mà vẫn không ăn thua, ông bà vẫn cứ can thiệp sâu vào việc nuôi dạy con, hãy thử dùng phương pháp "mưa dầm thấm lâu". Cách này cần thời gian và cần cả sự khéo léo nữa. Tranh thủ mọi lúc, mọi nơi trò chuyện với bố mẹ chồng những câu chuyện vô thưởng vô phạt nhưng khéo léo lồng ghép thông tin vào: "Mẹ ơi, hôm nào mẹ bày con cách nấu canh rau đay nhé, con xem trên mạng mà không hiểu lắm, à nhắc đến mạng mới nhớ, con thấy trên TV người ta nói không nên cho trẻ con tiếp xúc với mạng quá sớm, sẽ bị ảnh hưởng xấu, thế mà cu Bi nhà mình cứ dùng mạng nhiều, chắc phải hạn chế thôi mẹ ạ...". Kiểu kiểu như vậy, bạn cứ khéo léo lồng ghép thông tin khắp mọi nơi vào. Dần dần rồi ông, bà cũng sẽ bị "nhiễm" thôi. 

Nếu ông, bà khó quá mà buộc phải làm gắt, thì hãy làm gắt! Thật sự việc nuôi dạy con không thể thỏa hiệp được nếu như nó làm ảnh hưởng xấu tới bé. Chính Hướng Dương đã từng bị mẹ chồng can thiệp bằng việc cứ con ốm là mua kháng sinh người lớn cho cháu uống cho mau khỏi, về sau em bé nhờn thuốc, ốm là phải dùng thuốc nặng rất hại sức khỏe. Cho nên cách Hướng Dương làm là lập một bản giao ước với bố mẹ chồng, quy định rõ trong hạng mục nào thì Hướng Dương nghe bố mẹ, mục nào thì Hướng Dương phải được quyết. Ban đầu ông, bà không xuôi, về sau mình làm căng quá cũng phải chịu. 

Làm mẹ đã khó, làm dâu lại càng khó. Nhưng phụ nữ nào chẳng phải vừa làm dâu, vừa làm mẹ. Ai cũng vượt qua, ai cũng làm được thì bạn cũng làm được thôi. Hãy khéo léo và đủ cứng rắn, bạn nhé! 

Chia sẻ