Nước hồ bơi chứa chất thải, đờm dãi... dễ nhiễm bệnh

,
Chia sẻ

Đây là nguyên nhân làm người đi bơi mắc bệnh tai mũi họng, đau mắt, các bệnh ngoài da...

Ở những hồ bơi không đảm bảo vệ sinh, nước hồ bơi có thể chứa những chất như đàm dãi, nước mũi, thậm chí cả nước tiểu... Đây là nguyên nhân làm người đi bơi mắc bệnh tai mũi họng, đau mắt, các bệnh ngoài da...
 
Hồ bơi quá tải
 
Theo khảo sát của PV, trong vài tuần trở lại đây, khi mà nhiệt độ ở khu vực TP.HCM đang lên rất cao, thời tiết oi bức thì cũng là lúc các hồ bơi công cộng tại TP này luôn trong tình trạng quá tải trầm trọng, nhất là vào các buổi trưa và chiều.
 

Tại hồ bơi Kỳ Đồng (Q.3), mới chỉ hơn 14h chiều, đã có rất đông các em nhỏ và cả người lớn đến để vùng vẫy trong làn nước mát ở cả 2 hồ lớn và nhỏ. Trời nóng hầm hập, nên ai cũng muốn cho mình có được cơ hội ngâm mình trong làn nước mát rượi.

Phó Chủ nhiệm CLB bơi lội Kỳ Đồng – ông Trần Đình Dũng cho biết, từ khi nhiệt độ tăng cao, lượng khách đến hồ cũng tăng mạnh hơn trước.

“Trung bình mỗi ngày, hồ bơi của chúng tôi bán ra từ 1.200 – 1.300 vé vào cổng ở cả hai hồ người lớn và trẻ con. Cá biệt, có những ngày chúng tôi bán hết 1.500 – 1.700 vé…” – ông Dũng cho biết.

Mùa nắng nóng, đến bơi tại các hồ bơi công cộng rất dễ mắc bệnh nếu không cẩn thận lựa chọn hồ vệ sinh (ảnh có tính minh họa) 

Qua quan sát thực tế, lượng khách đến bơi tăng quá cao, nhưng rất nhiều người đi bơi (kể cả người lớn và trẻ em) đã không sử dụng các biện pháp bảo hộ cần thiết. Hầu hết các khách hàng này chỉ sử dụng kính bơi, còn các dụng cụ khác như bịt mũi bằng cao su…rất ít người trang bị. Lực lượng cứu hộ thì không được trang bị nhiều trong một hồ bơi có đông số lượng khách đến như vậy.

Tại một số hồ bơi khác như Nguyễn Tri Phương (Q.10), Tân Bình, Yết Kiêu, Văn Thánh…cũng rất đông khách đến bơi. Một số khách phản ánh những hồ bơi đã nêu ở trên rất hay có tình trạng mùi clo nồng nặc.

“…Rất nhiều lần tôi phải tắm đi tắm lại bằng xà phòng hàng mấy lần…nhưng vẫn không thể khử hết mùi này…” – Một khách đến từ quận 3 thường đi bơi hồ Nguyễn Tri Phương khẳng định.

Tìm hiểu thông tin tại Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, ThS Hoàng Thị Ngọc Ngân – Trưởng khoa Sức khỏe cộng đồng cung cấp: Hiện toàn TP.HCM có khoảng trên dưới 100 hồ bơi cấp quận và TP. Qua phối hợp cùng các cơ quan chức năng, có đến 30% trong tổng số 71 hồ bơi được kiểm tra có mùi clo dư trong nước.

Theo ThS Ngân, các kết quả này dù chỉ phản ánh ở mức độ tương đối nhất định (một năm chỉ kiểm tra hai lần), nhưng cũng đủ để thấy được vi trùng, mủ xanh, nấm…có điều kiện để gây bệnh cho khách đến bơi.

Nhiều bệnh lây từ hồ bơi

Thấy con trai 5 tuổi của mình bỗng nhiên bị ngứa ở mắt liên tục trong 3 ngày vừa qua, chị Nguyễn Thị Thu Trang (phường 13, quận 10 – TP.HCM) đã mua thuốc nhỏ mắt cho con chữa tại nhà nhưng không hết. Khi đến khám tại BV Mắt TP.HCM, các BS nơi đây cho biết con chị đã bị nhiễm bệnh đau mắt đỏ.

BS Nguyễn Ngọc Thụy Khanh (khoa khám – BV Mắt TP.HCM), trong vài tuần trở lại đây, khi thời tiết tại TP.HCM nắng và nóng dữ dội, nhu cầu đến các hồ bơi, vùng vẫy dưới làn nước mát để “giải nhiệt” thì cũng là lúc mà phòng khám của BV Mắt đông lên trông thấy. Qua tiến hành hỏi thăm thông tin, hầu hết các bệnh nhân có dấu hiệu bị đau mắt đỏ đều đã từng đến các hồ bơi công cộng nhiều lần.

Ngoài bệnh đau mắt đỏ, theo BS Nguyễn Thành Lợi (BV Tai Mũi Họng TP.HCM), các bệnh viêm họng, viêm mũi, viêm xoang, viêm tai, bệnh đường hô hấp. các bệnh về da, tóc cũng có thể bị lây từ chính nước ở các hồ bơi, nếu như chưa được khử khuẩn theo đúng quy trình và tiêu chuẩn nhất định.

Theo BS Lợi, mũi họng thuộc đường hô hấp trên, trong sinh hoạt hằng ngày, mũi họng như là cửa ngõ chính của cơ thể tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài. Mũi họng có liên quan mật thiết với tai, thông với tai qua vòi nhĩ. Ở những hồ bơi không đảm bảo vệ sinh, nước hồ bơi có thể chứa những chất thải do một số người vô ý thải ra (như: đàm dãi, nước mũi, thậm chí cả nước tiểu...). đây là những yếu tố lớn làm người đi bơi mắc bệnh tai - mũi - họng, đau mắt, các bệnh ngoài da...

Chính vì vậy, khuyến cáo của BS Lợi và của ThS Ngân dành cho những người thích ngâm mình trong nước hồ bơi vào mùa nắng nóng, cần lựa chọn hồ bơi thích hợp, nước sạch, phù hợp với lứa tuổi của mình, không khạc nhổ, tiểu tiện khi bơi; trong khi bơi tránh để sặc nước, hạn chế để nước lọt vào mũi họng; sau khi bơi xong tránh việc ngoáy tai làm trầy xước da ống tai vì sẽ tạo điệu kiện cho vi trùng xâm nhập (trường hợp nước bẩn vào tai); sau khi trẻ bơi xong nên tắm lại cho trẻ bằng nước sạch (phòng nước hồ bơi nhiễm bẩn), xì nhẹ mũi để nước bẩn còn trong mũi ra hết...

Quản lý các hồ bơi cần tăng cường châm clor dư cho nước luôn đảm bảo nồng độ 0,4-0,8mmg/lít, thường xuyên vệ sinh, thay nước hồ bơi.

Theo VTC

Chia sẻ