Nữ nhân viên thời vụ ngân hàng công bố “vỡ nợ” hơn trăm tỷ: Chủ nợ nào đã trình báo?

PV,
Chia sẻ

Ông T. đã đến công an trình báo việc mình cho bà Thương vay 12,7 tỷ đồng. Còn người được cho là chủ nợ lớn nhất thì phủ nhận cho vay, khi trả lời PV Người lao động.

Hôm qua, báo Pháp luật TP.HCM thông tin, Công an tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo phòng CSHS Công an tỉnh thụ lý điều tra vụ vỡ nợ hơn 100 tỷ đồng xảy ra trên địa bàn TP Pleiku (tỉnh Gia Lai).

Theo nguồn trên, ông T. (ngụ xã Diên Phú, TP Pleiku) đã đến cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai trình báo về việc cho bà Lê Thị Thương (SN 1988, trú tại phường Hoa Lư, TP Pleiku, nhân viên hợp đồng của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Gia Lai) vay 12,7 tỷ đồng, nhưng bà này chưa trả. 

Trên cơ sở trình báo của ông T., cơ quan Cảnh sát điều tra đã có căn cứ để vào cuộc xác minh, điều tra làm rõ thông tin có hay không việc bà Thương có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Báo Người lao động liệt kê một loạt chủ nợ đã cho bà Thương vay tiền, gồm: bà D.H (cho vay hơn 133 tỷ đồng); bà V.T.H (8 tỷ đồng); ông Đ.X.T (10 tỷ đồng); bà N.T.M.L (1 tỷ đồng); N.T.T.S (4,79 tỷ đồng); Đ.T.N.M (2 tỉ đồng). Trong đó, bà D.H là kế toán của một ngân hàng có chi nhánh tại Gia Lai.

Một chủ nợ nữa là bà C.T.H. kể trên báo Công an nhân dân, bà có cho bà Thương vay ngắn hạn gần 3 tỷ đồng, lãi suất do 2 bên tự thỏa thuận theo từng thời điểm. Khi vay, Thương nói dùng để đáo hạn ngân hàng và sẽ trả lại tiền trong thời gian ngắn. Lãi suất bà Thương trả cao hơn so với ngân hàng.

Thời gian đầu, bà Thương trả tiền cho bà C.T.H rất đúng hẹn. Khi hay tin bà Thương vỡ nợ, bà C.T.H chưa dám nói với gia đình.

PV Người lao động liên lạc với chủ nợ được cho là lớn nhất - bà D.H, thì bà này chối, cho rằng không có chuyện cho bà Thương vay mượn. Thế nhưng, lãnh đạo ngân hàng nơi bà D.H làm việc cho biết, bà D.H đã thừa nhận cho bà Thương vay tiền, nhưng không đến số tiền 133 tỷ. Số tiền này là tiền tích góp của gia đình, người thân của bà D.H..

Theo nguồn trên, nhiều chủ nợ cho bà Thương vay tiền từ chối khi PV liên hệ, bởi họ vẫn hy vọng bà Thương sẽ trả được nợ. Những người này cũng chưa đến công an trình báo.

Ở một diễn biến khác, một lãnh đạo Chi nhánh Ngân hàng BIDV Gia Lai thông tin trên báo Thanh niên, đơn vị đang làm thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động với bà Lê Thị Thương, vì nghỉ việc quá 5 ngày không có lý do.

"Còn việc chị Thương vay nợ bên ngoài như thế nào, chúng tôi chưa được rõ. Việc vay mượn cá nhân của chị Thương không liên quan hay ảnh hưởng gì đến hoạt động của ngân hàng", vị này khẳng định.

Theo ông Trần Văn Chương , Giám đốc Ngân hàng BIDV chi nhánh Gia Lai, bà Thương là nhân viên thời vụ, công việc chính là hỗ trợ hành chính chứ không liên quan đến hoạt động tín dụng. Chồng bà Thương là ông Nguyễn Văn D.- nhân viên bảo trì, duy tu, bảo dưỡng các trạm ATM của ngân hàng BIDV chi nhánh Gia Lai.

Tờ này trước đó dẫn thông tin từ Thượng tá Phan Nhật Toàn, Trưởng công an TP Pleiku cho biết, ban đầu khi tới công an khai báo, bà Lê Thị Thương nói có 8 người cho vay với số tiền khoảng trên dưới 180 tỷ đồng.

Hàng xóm nhà bà Thương ở số 31/18 đường AMa Quang, TP Pleiku kể với báo giới, khi rộ lên thông tin bà này vỡ nợ, có nhiều người tìm tới nhưng căn nhà đã đóng kín cửa, không có ai ở đó.

Chia sẻ