Nữ doanh nhân nổi tiếng kể về Tết miền Tây trong ký ức, bao người xa quê rưng rưng nước mắt khi đọc

Min,
Chia sẻ

Mỗi năm mỗi lớn nhưng năm nào cũng mong Tết đến, đếm từng ngày để được mặc đồ mới, còn tính ba ngày Tết mùng nào mặc đồ gì? Những ký ức tuổi thơ đong đầy trong miền nhớ...

Hay được gọi tên kèm với nhiều danh xưng thú vị như "Nghệ nhân ẩm thực" hoặc "mẹ đơn thân tay trắng khởi nghiệp thành công", nhưng ít ai biết rằng, Đoàn Thu Thủy còn là một người con của một gia đình đi lên từ nghèo khó. Chị từng tiết lộ, bản thân chị được sinh ra ở miền Trung, nhưng từ nhỏ đã sớm theo gia đình vào miền Tây để lập nghiệp. Gia đình chị khi đó khó khổ nhưng cũng chính từ những tháng năm khó khổ đó khiến chị nhớ hoài không quên.

Nghệ nhân ẩm thực Đoàn Thu Thủy viết về Tết miền Tây trong ký ức, bao người xa quê rưng rưng nước mắt khi đọc - Ảnh 1.

Cái tình của mảnh đất phù sa bưng điền ấy đã đong đầy trong ký ức chị mãi về sau này. Đặc biệt là những ngày Tết ở miền Tây, dù nghèo đó nhưng với chị đó là cả một khoảng trời nhớ thương. Để rồi đến hôm nay, dù thời gian xa quê đã dài thăm thẳm nhưng bằng tất cả trái tim mình chị đã tái hiện lại một cái Tết miệt đồng miền Tây trọn vẹn bằng câu chữ khiến cho những ai xa xứ không kìm nổi xúc động. Qua đó, chị còn muốn nhắn nhủ rằng: Tết là bản sắc riêng của dân tộc không thể dẹp bỏ với lý do "hội nhập".

Nghệ nhân ẩm thực Đoàn Thu Thủy viết về Tết miền Tây trong ký ức, bao người xa quê rưng rưng nước mắt khi đọc - Ảnh 2.

"Tết quê.

Cái Tết đầu tiên tui nhớ là cái Tết năm sáu tuổi. Bữa đó má đi chợ về xách theo bịch đường rồi chặt mấy trái dừa nói làm mứt dừa đặng ăn Tết. Cái Tết đầu tiên trong căn nhà nhỏ ba cất trên cái doi đất ở miệt đồng. Cái Tết đầu tiên được ăn mứt dừa, mặc áo mới. Ở quê, nhà nghèo cỡ nào thì Tết nhứt cũng ráng sắm cho con bộ đồ mới. Trong nhà cũng có nồi thịt kho hột vịt, nồi khổ qua hầm để dành ăn ba bữa Tết. Có ít kẹo thèo lèo, hột dưa để trên bàn mời khách.

Cỡ ba bốn năm sau má làm ăn khấm khá thì dời nhà về chợ. Tui thay má làm mứt dừa, mứt gừng ăn Tết. Soạn sửa nhà cửa cho tươm tất để đón năm mới. Nhớ mấy ngày cận Tết, ba mua vôi về pha chút màu xanh quét lại tường nhà. Rồi lau dọn bàn thờ, đi mua tấm cao su bông về trải lên cái bàn giữa nhà, trên bàn chưng bình bông, xung quanh bày bánh mứt.

Nghệ nhân ẩm thực Đoàn Thu Thủy viết về Tết miền Tây trong ký ức, bao người xa quê rưng rưng nước mắt khi đọc - Ảnh 3.

Chừng 28, 29 Tết là mấy má con đi xuống mấy ghe chở dưa hấu, chở bông cặp mé sông lựa cặp dưa thiệt tròn về chưng bàn thờ. Lựa mấy chậu bông vạn thọ, thược dược, cúc vàng về để ngoài hàng ba. Sáng ba mươi phải dậy thiệt sớm đi mua mai. Tôi nhớ buổi sáng đầy sương đi chợ sớm lựa cành mai nhiều nụ đem về hơ gốc rồi cắm vô bình, chờ mai nở để đếm coi có nhiều cánh hay không.

Buổi trưa ba mươi tan chợ, lăng xăng phụ má làm mâm cơm cúng tất niên. Rồi dọn dẹp, rồi bày ra gói bánh, chụm lửa chờ bánh chín, chờ giao thừa đốt pháo. Sáng mùng một dậy sớm nằm trong mùng nghe phát thanh phát những bài nhạc xuân, thức dậy thay đồ mới chờ má lì xì. Mấy chị em có tiền đầu năm đi chụp hình rồi chạy ra chợ ăn hột vịt lộn, uống sinh tố.

Nghệ nhân ẩm thực Đoàn Thu Thủy viết về Tết miền Tây trong ký ức, bao người xa quê rưng rưng nước mắt khi đọc - Ảnh 4.

Người lớn thường đi thăm, đi chúc Tết nhau, tới nhà được mời ngồi vô bàn giữa, ăn thèo lèo, bánh mứt, nói chuyện rôm rả.

Mỗi năm mỗi lớn nhưng năm nào cũng mong Tết đến, đếm từng ngày để được mặc đồ mới, còn tính ba ngày Tết mùng nào mặc đồ gì? Những ký ức tuổi thơ đong đầy trong miền nhớ. Nhớ chiều ba mươi Tết, ba hay ngồi trước hiên nhà mắt nhìn xa xăm hát bài "xuân này con không về". Tết của người Việt là Tết sum vầy. Con cái đi làm ăn xa cuối năm mong về quê sum họp với gia đình, thăm cha mẹ họ hàng, quây quần cùng nhau ba ngày Tết.

Nghệ nhân ẩm thực Đoàn Thu Thủy viết về Tết miền Tây trong ký ức, bao người xa quê rưng rưng nước mắt khi đọc - Ảnh 5.

Giả tỷ người ta biểu bỏ Tết ta ăn Tết tây chắc tui buồn lắm. Bởi Tết đối với tui đã in sâu trong ký ức, là những thời khắc thiêng liêng khi cắm cây nhang lên bàn thờ lúc giao thừa cầu gia đạo bình an. Là khi mở cửa bước ra ngắm mai nở trước hiên nhà sáng mùng một Tết. Cha mẹ, con cháu quây quần bên nhau đón xuân về.

Khi người ta không còn giữ lại gốc gác, nguồn cội, không còn những ký ức đẹp cho lớp trẻ thì chắc gì còn giữ lại bản sắc riêng? Một dân tộc không có bản sắc riêng là một dân tộc bị đồng hoá dưới cái tên mỹ miều là "hội nhập". Tui nghĩ đơn giản: mình có của mà không xài lại đi vay mượn của người ta làm gì?

Tết cổ truyền từ bao đời nay đã in sâu vào ký ức, chắc mãn đời này những người như tui khó lòng bỏ Tết. Tết quê càng phải giữ để còn có chốn đi về với nguồn cội quê hương".

Chia sẻ