Nụ cười của sư thầy nuôi 22 đứa trẻ bị bỏ rơi ở miền Tây: “Chùa nghèo thiệt nhưng không có thiếu tình thương đâu”

Hoàng Lê - Hải Long,
Chia sẻ

“Có là con ai thì các con cũng đã bị bỏ rơi 1 lần rồi, nếu mình đem cho nữa thì chẳng khác gì đem bỏ lần 2. Nên chùa hễ phát hiện bé nào sẽ nuôi hết bé đó, chùa nghèo thiệt nhưng không thiếu tình thương đâu mấy anh”.

Tiếng thầy Thích Tánh Bình vang vọng giữa chiều mưa nặng hạt. Vừa nói, thầy chỉ vào tô hủ tiếu chay, chỉ có bánh hủ tiếu, nước lèo và một ít rau xanh đã trở thành bữa ăn thịnh soạn. Thầy cười hiền hậu khiến những người khách đường xa như tôi cảm thấy ấm áp.

quanam

Thầy Thích Tánh Bình bên "những đứa con" của mình.

Con ai cũng là con của Phật

"Con ai đem bỏ chùa này

A Di Đà Phật, con thầy thầy nuôi…".

Tôi nhớ một vị sư trụ trì mái ấm trong ngôi chùa Vạn Đức, nằm lọt thỏm trên một cù lao xa xôi ở huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre đã viết lên 2 câu thơ dễ thương này khi mỗi ngày trôi qua, ông lại phát hiện những đứa trẻ sơ sinh bị ai đó để trước cổng chùa.

IMG_8607

Những cô cậu bé kháu khỉnh có đặc điểm chung là bị bỏ rơi trước cổng chùa.

Không một lời thắc mắc, cũng không cố truy tìm xem ai là thủ phạm, các vị sư bằng lòng nhân từ đã ngày ngày âm thầm cho những đứa trẻ tội nghiệp từng miếng ăn, giấc ngủ.

Và dường như với những ngôi chùa miền Tây, cái ngọt ngào của tình người còn thấm đẫm vào lời kể, tiếng kinh. Đó là lý do mà mỗi lần có dịp đến với những mái ấm heo hút của miệt vườn sông nước, tôi lại thấy toát lên cảm giác gì đó gần gũi đến lạ thường.

IMG_8928

Sư trụ trì vui chơi cùng các con.

"Ăn đi mấy chú, để còn có sức mà đi. Mình tu hành ăn chay đạm bạc chứ các bé ở đây thì chùa lo đầy đủ bữa hết" – thầy Bình thúc giục.

Đã 2 năm rồi, tiếng con nít không khi nào tắt đi trong ngôi chùa Quan Âm hẻo lánh ở xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long.

IMG_8938

Những đứa trẻ hồn nhiên thật dễ thương.

Mấy nhà sư dí dỏm chia sẻ, kể từ ngày "tiếng mèo kêu" (trẻ sơ sinh khóc) đầu tiên xuất hiện lúc nửa đêm thì tiếng 3 thầy trò không khi nào vắng. Họ đã từ bỏ trần thế dấn thân vào chốn tu hành, nay lại trở thành những "ông giữ trẻ" bất đắc dĩ,

"Bé lúc mới được đặt ở cổng chùa khoảng 5-6 ngày tuổi. Qua hôm sau mang đi ra trạm y tế kiểm tra thì thấy sức khỏe bé rất tốt, nặng hơn 3kg. Từ hôm đó đến nay cũng được gần 1 tuần lễ rồi" – thầy Thích Khánh Bổn, đồng môn tu học với trụ trì Khánh Bình kể về trường hợp bé bị bỏ rơi mới nhất mà chùa tiếp nhận.

IMG_8766

Chùa Quan Âm chưa bao giờ tắt nụ cười 2 năm nay.

Vậy là làm như có tiếng nuôi trẻ bị bỏ rơi, từ 2-3 bé ban đầu quân số trong chùa cứ tiếp tục tăng. Đến nay, chùa Quan Âm có đến… 22 trẻ. Những ông bố bất đắc dĩ không kham nổi, đành phải đi cầu cứu bá tánh xung quanh tìm giúp bảo mẫu.

Rồi mấy sư thầy cũng chu đáo lắm, sợ trẻ lạnh, sợ trẻ bệnh, sợ trẻ buồn. Họ vận động mạnh thường quân quyên góp, xây luôn nhà banh, phòng chăm sóc tiệt trùng có gắn máy lạnh cho các bé.

IMG_8916

Đến nay, thầy Thích Tánh Bình đã nhận đến 22 trẻ.

Hễ ai muốn đến thăm là phải thực hiện ngay theo dòng chữ thật có tâm ghi rõ ràng trước cửa: Vì sức khỏe các bé, chúng ta hãy rửa tay trước khi vào thăm.

Đặc biệt, dòng chữ ấn tượng nhất với chúng tôi là "xin đừng hôn bé bằng miệng". Điều đó chứng tỏ nhà chùa quan tâm đến sức khỏe các em kỹ lưỡng thế nào.

Tấm lòng của vị sư miền Tây sông nước

Bước vào trong, một bảng tên thống kê đầy đủ trẻ được nuôi kèm ngày được đưa vào chùa hiện lên: "Khánh Ân, Khánh Lộc 18 tháng, Khánh Chí 16 tháng, Khánh Tùng 7 tháng tuổi, Ngọc An 1 tuổi, còn Ngọc Thu, Ngọc Hoa mới 11 tháng tuổi".

Con gái sẽ được đặt tên lót chữ "Ngọc" còn con trai thì nhà chùa sẽ lót chữ "Khánh", rất dễ thương và dễ nhớ.

IMG_8702

Con trai đặt tên lót chữ Khánh, con gái lót chữ Ngọc.

Mà kể từ ngày chùa có em bé nhiều, các học sinh và những người sống gần chùa cũng có nơi để cưng nựng trẻ con. Xã Tích Thiện đìu hiu buồn tẻ ngày nào giờ vui vẻ lên nhiều lắm.

Tự tay gỡ một múi sầu riêng thơm phức được bá tánh cúng dường mời khách, thầy Tánh Bình mỉm cười cho biết chùa Quan Âm được thành lập từ năm 2009. Ban đầu, sư thầy mong muốn nơi đây trở địa điểm tu học phục vụ tín ngưỡng cho các Phật tử vì khu vực này trước đó chưa có chùa.

IMG_8677

Nhiều mạnh thường quân tranh thủ đến thăm các em.

Để thực hiện tâm nguyện này, nhà sư xin phép mẹ già (cũng là người xuất gia) dùng chính mảnh đất hương hỏa của ông ngoại để lại gộp vào xây nên một tịnh thất nhỏ. Ban đầu chùa chỉ như một tịnh thất nhỏ, cứ xây được một ít lại dừng vì kinh phí eo hẹp.

"Nhờ cộng đồng, mọi người biết chùa đang nuôi trẻ bị bỏ rơi mà giúp đỡ, mạnh thường quân mua đất tặng nên chùa mới ngày một khang trang vững chãi hơn, các bé có nơi ăn ngủ sinh hoạt tốt hơn. Nhờ phước lành mà đến nay chùa vẫn nuôi được hết các trẻ đã nhận.

Có là con ai thì các con cũng đã bị bỏ rơi 1 lần rồi, nếu mình đem vô mái ấm nữa thì chẳng khác gì đem bỏ lần 2. Nên chùa hễ phát hiện bé nào sẽ nuôi hết bé đó, chùa nghèo thiệt nhưng không thiếu tình thương đâu mấy anh" – sư trụ trì hiền từ nói khi nghe chúng tôi đặt vấn đề sao không nhờ chính quyền hỗ trợ bớt vài trẻ.

Tiếng lành đồn xa, từ ngày biết có vị sư thầy đầy lòng từ bi cưu mang trẻ ở Vĩnh Long, nhiều người từ tận Cần Thơ, Cà Mau, thậm chí Khánh Hòa cũng tìm đến ủng hộ cho chùa. Cứ thế, những đứa trẻ không may mắn nương nhờ cửa Phật, sống bằng tình thương của bá tánh.

IMG_8837

Nhà chùa chăm sóc trẻ rất chu đáo.

Tôi hỏi sư thầy, có kỷ niệm nào vui nhất với các con mà ông nhớ nhất không? Thầy Thích Tánh Bình cười tươi chỉ về hướng cậu bé trước mặt đang chạy nhảy tung tăng lém lỉnh.

Đó là Khánh Ân, gần 2 tuổi và cũng là trường hợp đầu tiên mà nhà chùa mang về.

IMG_8645

Cậu bé này vẫn chưa có cha mẹ đến nhận nhưng các sư thầy chùa Quan Âm đã coi bé như con ruột.

Thầy Bình cho biết khi mới về chùa, Khánh Ân bị viêm phổi và hở hàm ếch nặng. Mấy thầy trò phải loay hoay vừa nuôi dưỡng bé, vừa chạy khắp các bệnh viện để hỏi về chương trình mổ hở hàm ếch. Dù lúc đó chùa không có bao nhiêu tiền.

Dịp may đến trong năm 2018 khi nghe tin có đoàn bác sĩ nước ngoài về Việt Nam mổ từ thiện. Thầy Bình dắt theo Khánh Ân chờ mãi ở Bệnh viện Nhi Đồng 1. Vậy đó mà đến ngày mổ thì đùng cái đứa bé lên cơn sốt nặng, phải điều trị mấy tuần lễ.

IMG_8860

Ngôi chùa tuy còn thiếu thốn trăm bề nhưng luôn đầy ắp tình thương như đặc tính vốn có của con người miền Tây.

"Không có duyên lần đó nhưng tụi tui không bỏ cuộc, vẫn tiếp tục theo dõi. Mấy tháng sau thì đến lượt bác sĩ Việt mổ miễn phí. Vậy là Khánh Ân được cứu. Mổ gần một năm rồi, giờ các anh thấy đó, bé còn đẹp trai hơn mấy đứa con nít lành lặn nữa" – sư thầy cười tươi.

Chúng tôi tạm biệt những đứa trẻ, tạm biệt ngôi chùa tuy còn thiếu thốn trăm bề nhưng luôn đầy ắp tình thương như đặc tính vốn có của con người miền Tây Nam Bộ. Chắc chắn, chúng tôi sẽ còn quay trở lại.

Mời độc giả đón xem những câu chuyện bình dị của xứ miền Tây sông nước được chúng tôi ghi lại qua góc nhìn chân thật, đậm nét nhất ở các bài viết tiếp theo.

Đọc lại bài 1: Về miền Tây nghe những câu chuyện nhỏ xíu, nhìn nụ cười hiền khô của dì Bảy, thím Ba, thấy thứ gì cũng ngọt vị tình người.

Chia sẻ