Nữ CEO quyền lực của VietJet Air lên tiếng về việc có tên trong "Hồ sơ Panama" đang gây xôn xao

An An,
Chia sẻ

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo giải thích việc mình có mặt trong hồ sơ Panama và khẳng định điều này là hoàn toàn bình thường.

Vào sáng nay 10/5, dư luận xôn xao vì hàng loạt cá nhân, tổ chức Việt Nam có tên trong cơ sở dữ liệu về hơn 200.000 công ty vỏ bọc (thuộc mạng lưới công ty 'ma' trên thế giới, được cho là để trốn thuế hoặc rửa tiền) do Hiệp hội nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) công bố. Trong số đó, có nhắc tới tên người phụ nữ được trang tin nổi tiếng nước Mỹ Bloomberg ưu ái đặt biệt danh là "Nữ tỷ phú tự thân đầu tiên ở Việt Nam" - bà Nguyễn Thị Phương Thảo. Bà Thảo là lãnh đạo của tập đoàn Sovico và đồng thời là TGĐ hãng hàng không đình đám Vietjet Air.

bà chủ

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, TGĐ hãng hàng không Vietjet Air

Trái với suy nghĩ của nhiều người, bà Thảo cho hay, việc bà xuất hiện trong hồ sơ Panama là bình thường, hợp pháp. Lý giải trên CafeF, bà Thảo cho biết Sovico đã mua lại vốn góp từ các công ty thuộc tập đoàn Lai Sun (Hong Kong) để trở thành nhà đầu tư nước ngoài thay thế các công ty thuộc tập đoàn Lai Sun là Furama và Best City Finance, chiếm 75% vốn tại khu du lịch Bắc Mỹ An (Furama Resort).

Bà Thảo nói: "Công ty Furama đã có từ năm 1992, do Lai Sun (Hong Kong) thành lập. Việc các tập đoàn thành lập các công ty ở nước ngoài để đầu tư là hình thức phổ biến trên thế giới. Việc chúng tôi mua lại các công ty này vào năm 2005 cũng là bình thường. Chúng tôi là các nhà đầu tư mới thay thế cho các nhà đầu tư trước đó. Do công ty Furama vốn đã nằm trong danh sách công ty do Mossad tư vấn nên khi chúng tôi mua lại thì xuất hiện tên Sovico Pte Ltd trong danh sách cũng là bình thường, cũng như các cá nhân là lãnh đạo của công ty chúng tôi như bà Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Nguyễn Thanh Hùng thì cũng xuất hiện theo.

Tôi không ngạc nhiên khi bên cạnh Furama của còn có địa chỉ một số khách sạn nước ngoài khác tại Vietnam, cũng như tên một số các cá nhân khác, do các nhà đầu tư nước ngoài có những mô hình đầu tư và cử người lãnh đạo tương đối giống nhau".

Trước bà Thảo, bà Đàm Bích Thủy (nguyên CEO ANZ Việt Nam) cũng đã lên tiếng về việc xuất hiện trong "hồ sơ Panama" là bình thường vì bà cũng là lãnh đạo của công ty ANZ/V-Trac International Leasing Company, một công ty tài chính trực thuộc ngân hàng này. Ngoài ra, trong danh sách "hồ sơ Panama" này, người ta còn thấy 1 vài cái tên quen thuộc khác như ông Nguyễn Duy Hưng (lãnh đạo công ty SSI), ông Nguyễn Cảnh Sơn (Sovico), ông Đoàn Văn An (cựu lãnh đạo GPBank)...

phát biểu
Chân dung người phụ nữ quyền lực Nguyễn Thị Phương Thảo

Bà Thảo bắt đầu hành trình kinh doanh của mình từ hơn 2 thập kỷ trước, khi bà còn là một cô sinh viên năm 2 ngành tài chính kinh tế ở Nga. Trải qua rất nhiều công việc từ nghề buôn quần áo, văn phòng phẩm, hàng tiêu dùng tại thủ đô Moscow, giờ đây người phụ nữ bản lĩnh đã nắm trong tay cả một hãng hàng không hàng chục nghìn tỷ đồng, cộng thêm nhiều cổ phần ở các ngân hàng, công ty, dự án khác trong nước. Trong số đó có thể kể đến như: 20% cổ phần của ngân hàng HDBank, nắm phần lớn số cổ phiếu của 3 khu nghỉ dưỡng sang trọng hàng đầu như Furama Resort Đà Nẵng, Evason Ana Mandara Nha Trang và An Lâm Ninh Vân Bay Villas, đảo Ninh Vân, tỉnh Khánh Hòa...

 "Hồ sơ Panama" được xem là vụ rò rỉ dữ liệu lớn nhất trong lịch sử thế giới. Theo đó, ngày 3/4/2016, khoảng 11,5 triệu tài liệu, trong đó có 4,8 triệu email, 2,5 triệu bộ hồ sơ với dung lượng 2,6 terabyte từ năm 1977 đến cuối 2015 của Công ty luật Mossack Fonseca ở Panama bị rò rỉ, hé lộ mạng lưới công ty "ma" khổng lồ trên thế giới. Các công ty này được cho là lập ra nhằm giúp người giàu né thuế và trong một số trường hợp là rửa tiền. Nhiều công ty được đề cập có liên quan đến thân tín của các chính trị gia và người nổi tiếng trên thế giới.

Chia sẻ