Nữ bác sĩ được thưởng gần 300 triệu đồng cho bài báo đăng về công trình nghiên cứu thụ tinh ống nghiệm gây tiếng vang thế giới

Hoàng Lê,
Chia sẻ

Đây cũng là mức thưởng kỷ lục cho một bài báo công bố quốc tế ở Việt Nam mà Đại học Y Dược TP.HCM vừa ký quyết định.

Theo đó, Hiệu trưởng Đại học Y dược TP.HCM đã ký quyết định khen thưởng Tiến sĩ, bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan, Phó chủ nhiệm Bộ môn Phụ sản, tác giả chính của nghiên cứu về thụ tinh trong ống nghiệm được công bố trên tạp chí y khoa ​The New England Journal of Medicine (NEJM) hồi đầu tháng 1/2018. Nghiên cứu này có chỉ số Impact factor 72,406.

Chia sẻ điều này trên trang cá nhân, bác sĩ Hồ Mạnh Tường, đồng tác giả của công trình cho biết, đây là mức thưởng kỷ lục cho một bài báo công bố quốc tế ở Việt Nam, lên đến hơn 289,6 triệu đồng (gần 13.000 USD). Đây cũng là quyết định thưởng mang tính "lịch sử" trong quá trình hơn 70 năm hình thành và phát triển của ĐHYD TP.HCM. Tuy nhiên, bác sĩ Lan thông báo sẽ tặng toàn bộ tiền thưởng cho các hoạt động khoa học của trường.

Nữ bác sĩ được thưởng gần 300 triệu đồng nhờ công trình nghiên cừu thụ tinh ống nghiệm gây tiếng vang thế giới - Ảnh 1.

Quyết định khen thưởng của Đại học Y dược TP.HCM.

Bài báo mà bác sĩ Lan cùng nhóm cộng sự công bố công trình nghiên cứu có tên "IVF transfer of Fresh or Frozen embryos in women without polycystic Ovaries" với chỉ số trích dẫn 72,406.

Nghiên cứu của nhóm bác sĩ bắt đầu vào năm 2015 trên 792 bệnh nhân. Kết quả cho thấy, việc chuyển phôi đông lạnh mang lại kết quả thành công tương đương như chuyển phôi tươi khi thụ tinh ống nghiệm.

Nữ bác sĩ được thưởng gần 300 triệu đồng nhờ công trình nghiên cừu thụ tinh ống nghiệm gây tiếng vang thế giới - Ảnh 2.

Tiến sĩ, Bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan (giữa) cùng các cộng sự tham gia vào công trình nghiên cứu.

Sau 2 năm nghiên cứu, tháng 3/2017, các bác sĩ gửi báo cáo dài 200 trang tiếng Anh đến tạp chí NEJM. Trải qua 3 vòng thẩm định sơ bộ, nhiều lần bổ sung, phản biện trong suốt 10 tháng, nghiên cứu này cuối cùng cũng đã được chấp thuận công bố.

Đây cũng là công trình nghiên cứu đầu tiên trong lĩnh vực sản phụ khoa của Việt Nam được đăng tải trên NEJM.


Chia sẻ