NSND Hoàng Cúc: Nhan sắc lừng lẫy một thời của màn ảnh Việt cùng sự “mất tích” với căn bệnh hiểm nghèo vừa có sự trở lại đầy ngưỡng mộ

Thục Trinh,
Chia sẻ

10 năm chống chọi với căn bệnh ung thư nhưng nữ nghệ sĩ không thích người ta ví mình là kiếp "hồng nhan đa truân". Thay vào đó, bà coi đây là cơ hội quý trong đời.

Giữa thời kỳ có quá nhiều gương mặt trẻ nổi lên thì trong lòng những khán giả đã gắn bó với phim truyền hình và các sân khấu kịch lâu năm, có những cái tên dù đã đi qua thời hoàng kim từ lâu nhưng chẳng dễ gì thay thế được vị trí của họ.

Trong đó, NSND Hoàng Cúc - người được gọi với danh xưng là tài nữ, từng "khuynh đảo" khắp các màn ảnh và sân khấu Nam Bắc bằng vẻ đẹp giai nhân mỹ lệ và diễn xuất đi vào lòng người.

10 năm chống chọi với căn bệnh ung thư nhưng nữ nghệ sĩ không thích người ta ví mình là kiếp "hồng nhan đa truân". Thay vào đó, bà coi đây là cơ hội quý trong đời để biết yêu thương bản thân, để tìm thấy những niềm vui bình dị và để tìm thấy tình yêu ở tuổi xế chiều sau nhiều năm một tay bươn chải, chăm lo cho con cháu.

Artboard 1 copy 14

Nhớ lại thời gian bệnh ung thư bất ngờ ập đến, bà có cảm thấy sốc và tuyệt vọng không? 

Thật ra tôi chẳng tuyệt vọng cũng chẳng sốc vì những người như chúng tôi đã trải qua đầy đủ những cung bậc của cuộc sống rồi, thăng trầm có, ái ố có,… Mình đã trải nghiệm hết rồi, nên không còn bé nhỏ gì nữa mà choáng váng với những căn bệnh đó. Hơn nữa căn bệnh này ở Việt Nam là tăng hàng ngày, khi mà nó rơi vào mình thì tôi cũng đã chuẩn bị tâm thế để đón nhận vì trước đó tôi đã bị căn bệnh Basedow chạy vào tim rồi. 

Tôi phải chuẩn bị sự hiểu biết, sự tỉnh táo và sắp xếp lại toàn bộ những khoảng thời gian cho mình một cách hữu hiệu nhất. Ví dụ như đi tìm phương án khám bệnh ra sao, tin tưởng chỗ nào, lên lịch để vừa kết hợp chữa bệnh vừa đảm bảo việc gia đình. Giai đoạn đó cũng là lúc con trai tôi vừa cưới vợ xong. Lại thêm bệnh đến nhanh quá, bao nhiêu việc cần làm nên tôi chẳng có khoảng trống thời gian nào để nghĩ đến chuyện đau khổ, sốc, hay sợ hãi, hoảng loạn thế nào. Tôi chỉ nghĩ mình sẽ phải lên một phác đồ điều trị, phác đồ về thời gian.

Có những người bạn, hay kể cả người trong gia đình tôi mắc bệnh này chỉ được vài tháng thôi nên tôi cũng lường trước đến những tình huống xấu nhất. Thậm chí trước khi lên bàn mổ, tôi còn giao lại nhẫn kim cương, tủ quần áo, két sắt, viết mọi công việc ra giấy hết để lại. Lỡ có điều không may xảy ra thì tôi cũng thanh thản chấp nhận. Giống như câu nói "sinh có hạn, tử bất kỳ", thế thôi! 

Artboard 1 copy 17

Mắc bạo bệnh khi đang ở thời hoàng kim của sự nghiệp, bà có tiếc nuối khi mình rơi vào hoàn cảnh này?

Có chứ. Trong cuộc sống này ngoài gia đình, con cháu thì cái chi phối rất lớn đến một đời người là công việc. Mà công việc này với tôi lại là niềm đam mê rất lớn.

Tôi không bao giờ cảm thấy cô đơn vì tôi còn có con cháu, anh em bạn bè ở bên chăm sóc, nhưng tôi chỉ có một nỗi buồn rằng mình sẽ phải xa sân khấu rất lâu. Thực ra nghệ sĩ lúc nào cũng có thể cô đơn, khi cô đơn nhất người ta mới sáng tạo được. Nhưng cái cô đơn ấy không nằm trong cái cô đơn của nhân tình thế thái.

Tôi nghĩ ông trời chẳng lấy hết của ai cái gì mà cũng chẳng cho ai cái gì nhiều. Đạo Phật có câu thế này: "Thực ra cõi tạm này con người ta chứa đựng nhiều thứ lắm, tham sân si, không muốn buông bỏ điều gì". Nhưng nếu ai biết cách thì buông bỏ đi một chút, bớt tham sân si đi một chút, sống cho thanh bình, thanh thản. 

Đôi khi tôi hay nghĩ theo hướng tâm linh một chút là có khi mình phải cảm ơn căn bệnh hiểm nghèo ập đến một cách đột ngột như thế, vì nó đã làm xoay chuyển toàn bộ nhân sinh quan trong con người tôi. Trước đây tôi chẳng mấy khi để ý đến sức khỏe, một lúc vừa đóng phim, đóng kịch, sân khấu, rồi những công việc mưu sinh khác, lo cho người này người kia không còn một chút thời gian nào để dành quan tâm cho sức khỏe. Sự "chùng xuống" này giống như một bản giao hưởng định mệnh, thế nên tôi mới lại được sống cuộc sống của mình. Bệnh ập đến rồi thì tôi mới biết bây giờ phải lo cho mình.

Bà vượt qua thời gian khó khăn đó như thế nào?

Lúc đó tôi chỉ nghĩ thế này, tôi có một cậu con trai, có một cô con dâu mới chân ướt chân ráo về nhà chồng, nếu mình mất đi thì chúng nó phải làm thế nào.

Đó là giai đoạn khủng hoảng về trí tuệ, về sức khỏe. Tôi bị Basedow từ trước làm cho mình bị lú lẫn, lại "dập" vào thêm ung thư nữa nên không nghe nhạc được, không viết thơ được, đầu óc tôi không nghĩ được cái gì nữa. 

Tôi không đợi tóc tự rụng mà đã chủ động xuống tóc luôn ngay lần hóa trị đầu tiên. Cạo trọc trước đi để đỡ phải nhìn từng sợi tóc của mình rơi xuống. Thế mà ung thư xong thì tóc mọc lại đẹp vô cùng. Ung thư nó có cái lạ như thế đấy!

Tôi tìm đến yoga, lúc không tập nổi nữa thì đi thiền, thậm chí tôi còn muốn tập thái cực quyền nhưng không làm nổi. Tôi chỉ có một cách duy nhất nữa là thiền và đọc Kinh Phật. Rồi sau này con dâu sinh nở thì tôi lao vào chăm con chăm cháu, khiến mình cũng quên đi mọi đau khổ, chẳng còn thấy buồn bã gì.

Hiện tại sức khỏe của bà thế nào rồi? 

Tôi nghĩ ổn. Tôi đi làm phim có khi mấy ngày liền quay vẫn khỏe, không phải lo sợ như trước kia.

Artboard 1 copy 16

Ở độ tuổi mà nhiều người muốn được nghỉ ngơi, vì sao bà lại quyết định quay lại đóng phim? 

Người ta nói "gừng càng già càng cay", vẫn có những người nói rằng họ rất hồi hộp khi xem tôi đóng. Chỉ trừ khi tôi không còn sức khỏe nữa, còn nếu vai hay, phim hay, tôi vẫn làm.

Nghề diễn như là định mệnh của tôi. Có những lúc đứng trên sân khấu bị bệnh mà mặt đã phù lên, tôi vẫn đóng. Đứng lên ngồi xuống chóng mặt vẫn cứ đóng mà không ai biết được.

Có nhiều người hỏi tôi "chị sợ mất hình ảnh hay sao mà không xuất hiện" nhưng không phải tôi nghĩ thế mà vì sức khỏe không cho phép. Còn bây giờ sức khỏe cho phép rồi thì mình quay lại thôi.

Cảm giác của bà khi trở lại phim trường sau nhiều năm khác biệt thế nào so với ngày xưa? 

Thực sự tôi chẳng thấy có gì mới mẻ cả, cũng không hồi hộp nhiều, chỉ là tim đập rộn ràng hơn một chút. Cảm giác vẫn "tươi nguyên" như thuở ban đầu đi làm phim thôi, vẫn giữ được cảm xúc, vẫn giữ được nước mắt, không cần phải dùng kỹ thuật. Tình cảm của tôi vẫn đong đầy để dành cho từng vai diễn.

Artboard 1 copy 15

Được biết NSND Hoàng Cúc và con dâu rất thân thiết, bà có bí quyết gì để giữ gìn mối quan hệ này không?  

Dân gian có một câu rất hay là "người với người sống để yêu nhau", con dâu là con mình mà. Bố mẹ đẻ nuôi được 20 năm từ cái lúc đỏ hỏn cho đến khi học xong, bước ra đời, chưa kịp khôn thì về nhà mình và mình phải là người mẹ thứ 2. Bao nhiêu gian khó, khổ sở thì bà mẹ thứ nhất gánh hết rồi, sang đến mình được hưởng toàn bộ nên phải yêu con dâu, thậm chí yêu hơn con trai.

Vì sao? Vì con dâu còn sinh đẻ, còn cơm nước, nhà cửa, dạy con cái,… trong khi đó ông chồng ở Việt Nam nào gần như cũng lười. Phải đến 70% đàn ông Việt Nam lười, 75% gia trưởng, 80% luôn áp đặt đã là vợ thì phải thế nọ thế kia. Và những điều đó chính là bi kịch đối với tất cả những người phụ nữ, kể cả người phụ nữ có học thức cao hay những người bình thường.

Đối với con dâu thì ngoài cái tình, cái nghĩa ra, tôi còn phải dạy dỗ, phải uốn nắn, dù rất nóng tính nhưng tôi luôn chân thành với con.

Bà nghĩ sao khi nhiều người gọi mình là "mẹ chồng quốc dân"?

Tôi thấy tôi bình thường thôi mà. Tôi có cái tính thế này, rất yêu thương con cháu, chả cứ gì con dâu hay con trai. Có người còn bảo cái tội duy nhất của tôi là chiều con trai, xong bây giờ đến tội thứ 2 là chiều con dâu và tội thứ 3 là chiều các cháu.

Artboard 1 copy 19

Khá nhiều người mẹ sợ con gái mình sang nhà chồng chịu thiệt, chịu khổ nhưng lại đối xử hà khắc với con dâu, bà nghĩ sao về điều này? 

Tôi nghĩ đó là sự khiếm khuyết của nền giáo dục phong kiến, một hạn chế về nhận thức, hạn chế về văn hóa, hạn chế về tình yêu thương và bị một truyền thống từ xưa đến nay là: tôi đi lấy chồng tôi khổ rồi thì không có lý do gì con dâu được sướng. 

Thực ra các bà mẹ ở Việt Nam mình bây giờ cũng nhiều người "thoáng" hơn rồi. Mọi người hay nói là mình yêu con dâu thì con dâu mới yêu mình. Nhưng tôi lại nghĩ khác đi một chút, con dâu đôi khi là bạn mình, là người đồng hành cũng mình rất nhiều thứ. Thậm chí có những khi "trái gió trở trời" với nhau thì mình phải chấp nhận con dâu, con dâu cũng phải chấp nhận mình.

Mỗi khi không hài lòng với con dâu, bà thường xử sự ra sao?

Tôi không giống những người đàn bà khác, tích tụ đủ thứ chuyện lâu ngày vào rồi làm cho một trận mà tôi nói ngay. Tôi thích tất cả mọi chuyện đều giải quyết trong một ngày để ngày mai khi mặt trời mọc, mình thức dậy cảm thấy trong lành, an bình, yên vui.

Artboard 1 copy 142

Hoàng Cúc thích làm thơ, thích viết truyện ngắn, và ông xã chính là chất xúc tác để bà viết nên những áng thơ tình lãng mạn. Sau nhiều năm ở bên con cháu, Hoàng Cúc lại tìm được một người bạn đời ngay ở độ tuổi xế chiều.

Khi được hỏi về ông xã, Hoàng Cúc chỉ gói gọn trong hai chữ: "Tuyệt vời!". Đó là người đàn ông chiều chuộng và tôn trọng bà, tôn trọng cảm xúc trong nghệ thuật của Hoàng Cúc để tạo cho bà những khoảng riêng để đắm chìm trong thơ ca.

Nữ nghệ sĩ nói, tình yêu của bà với ông xã chẳng cần trình bày nhiều, vì tất cả đã được thể hiện qua những áng thơ. Xin được trích dẫn đoạn thơ mà NSND Hoàng Cúc dành riêng cho người đàn ông của bà: 

"Thế nhân ơi đã cho ta gặp 

Bảy sắc lung linh bảy sắc hồng!

Bàn tay bó gối giờ đã mở

Chân bước hư vô đã trọn về... 

Ừ sao thế nhỉ đời đã định

Phúc phận kiếp người phúc phận thôi!

Vũ trụ xoay vần nghìn tinh tú 

MANG MỘT VÌ SAO ĐẾN BÊN ĐỜI!"...

Chia sẻ