Nóng quá ăn mỳ lạnh Soba thôi

Tramy Leann Nguyen,
Chia sẻ

Mùa hè ở Nhật Bản nóng và ẩm ướt không thua gì Việt Nam, nên họ có những món ăn riêng dành cho mùa hè để hạ nhiệt. Zaru Soba là tên một lọai mỳ lạnh của Nhật.

Việt Nam mỳnh hình như không có món gì chính mà lạnh. Tòan là những món ăn chơi mới lạnh như chè, sinh tố. Nhật Bản và Hàn Quốc là 2 trong vài quốc gia có những món ăn chính dành cho mùa hè mà mang vị lạnh.
 
Mùa hè ở Nhật Bản nóng và ẩm ướt không thua gì Việt Nam, nên họ có những món ăn riêng dành cho mùa hè để hạ nhiệt. Zaru Soba là tên một lọai mỳ lạnh của Nhật. Hôm nay mình giới thiệu đến các bạn món này. Nhưng những vật liệu để thực hiện các bạn nên tìm mua ở những siêu thị lớn hoặc những cửa hàng chuyên bán đồ Nhật nhé.
 


Vật liệu:

Mỳ Soba khô 1 túi

Cold Noodle Sauce (xốt mỳ lạnh)

Đậu hũ non

Bột bắp hoặc bột khoai tây

Hành lá

Bonito Flakes (một loại cá khô để trang trí, tùy chọn)
 
 

Cách làm:

Nước đun sôi, không cho muối nhé. Sau khi nước thật sôi các bạn cho mỳ soba vào. Dùng đũa đảo đều trong nồi, không đậy nắp, lửa hơi lớn nhé. Lưu ý nên để cho nồi nước luôn sôi. Tùy theo cọng soba lớn hay nhỏ, mà thời gian từ 7 – 10 phút. Khi mua về trên bao bì sẽ huớng dẫn, các bạn lưu ý nhé.
 
 
 
Sau khi luộc, các bạn bưng nguyên nồi mỳ để xuống bồn nước, đổ bớt nước, sau đó các bạn cứ xả nước lạnh vào nồi. Nếu sợ mỳ trôi ra thì các bạn lấy một cái rổ để lên trên nồi nha.
 
Các bạn cứ để đó khoảng 5 phút, thấy nước đã chuyển từ nóng sang lạnh, thì bắt đầu dùng tay vò nhẹ (giống như vò gạo đó). Các bạn cứ vò đi vò lại vài lần nước lạnh thì cọng mỳ sẽ sạch. Lưu ý : Nước phải trong thì lúc đó cọng soba mới mất mùi và sạch, ăn không bị ngán. 


 

Nếu các bạn có thể tìm mua một cái rổ tre thì nên cho mỳ vào đó. Nếu không thì cứ để trong rổ nhựa cho ráo nước. Sau đó cho mỳ vào tủ lạnh, khi dùng thì lấy ra. Soba để trong tủ lạnh trước khi ăn chừng 15 – 30 phút là vừa. Để lâu quá mình sợ soba sẽ bị cứng và dính lại với nhau.  

Đậu hũ non mua về các bạn lau khô nước, cắt vuông, lăn sơ qua bột bắp hoặc bột khoai tây, chiên xù lên nhé. Nếu thích ăn thêm trứng thì dùng trứng cút luộc sơ, lăn qua bột, chiên xù luôn nha. Hôm nay mình không có sẵn trứng cút nên dùng trứng gà vậy.  

Hành lá thì dùng dao hoặc kéo cắt thật nhuyễn. Cái này đúng là một nghệ thuật. Mình dùng kéo cắt cho nhanh, chứ cầm dao không nhấn không đúng cách thì vẫn không ra nhuyễn được đâu. Lý do hành cắt phải thật  nhuyễn là để không hăng mùi khi dùng.  

Nước sauce thì mua sẵn ở tiệm. Mình có tìm ra được một vài cách tự làm nhưng công phu, và phụ liệu sợ ở Việt Nam không có đúng. Nhìn thì dễ nhưng ra được như đúng mùi vị mình ăn ở Nhật thì vẫn không ra, nên thôi dùng tạm sauce làm sẵn vậy. Ra tiệm chắc các bạn cứ hỏi sauce dành cho mỳ lạnh (Cold Noodle Sauce hoặc là Soba Sauce), các bạn mua sauce này về không cần pha thêm, để trong tủ lạnh, rồi khi dùng là dùng thôi.


 

Soba để ra dĩa, nếu có thể lót một mành tre thì càng tốt, rắc một ít hành là và bonito flakes (một loại cá khô để trang trí, không có cũng không sao). Nước sauce để ra trong một cái tô. Đậu hũ dùng kèm là xong. Nếu các bạn có thời gian thì làm tôm chiên xù (shrimp tempura) ăn kèm cũng ngon lắm. Nhưng trời nóng quá, mình ngại làm những món chiên, xào lắm.

Cách trình bày ở trên chỉ là một cách rất đơn giản cho phù hợp với gia đình Việt Nam. Giống như người Nhật nấu phở thì cũng đã đơn giản đi nhiều phần rồi. Chứ còn nếu phải nấu sauce, rồi tự làm soba thì công phu lắm.
 
Người Nhật ăn như vậy nhìn đơn giản nhưng rất bổ dưỡng, no lâu và không dầu mỡ. Còn gì bằng khi trưa hè nóng bức mà được thưởng thức 1 tô mỳ lạnh đúng không. Không phải đụng bếp chảo nóng nực, nhưng các bạn vẫn có được một món ngon đấy chứ.
 
 
 
Bài và ảnh Tramy Leann Nguyen
Chia sẻ