Nỗi khổ của con nhà giàu

Thu Hương,
Chia sẻ

Không hiếm gia đình, tiền bạc trở thành “ngôn ngữ” giao tiếp duy nhất giữa cha mẹ và con cái hoặc là biện pháp gây ảnh hưởng của cha mẹ đến các con.

Ngày nay, không ít những ông bố bà mẹ giàu có cho rằng tiền bạc là thứ tốt nhất họ có thể đem lại cho con cái. Thay vì quan tâm tới nhu cầu, tình cảm của con, họ lại hiển nhiên cho rằng tiền bạc có thể đem lại các điều kiện tốt nhất về giáo dục, làm cho cuộc sống trở nên thú vị, đem đến sự tiện nghi và cảm giác an toàn, đặc biệt là cho con cái. Vô hình chung, bố mẹ đã tự biến mình thành những thầy phù thủy đầy quyền năng, có thể thỏa mãn bất cứ đòi hỏi vật chất nào của con cái.

Tâm lý của con nhà giàu

Có những ông bố bà mẹ than phiền: Cậu con trai của họ càng ngày càng có những đòi hỏi quá quắt hơn - những món quà đắt tiền; các chuyến du lịch; các trò tiêu khiển.

Những ông bố bà mẹ khác lại than: Con trai của họ không tha thiết với bất thứ gì cả. Ai cho gì cậu cũng hững hờ. Cậu bé không đặt ra cho mình bất kỳ một mục đích nào và cũng không mơ ước điều gì hết. Tất cả mọi thứ đối với cậu đều chán ngắt.
 

Và kết luận cuối cùng là: chính tiền bạc đã gây nên hiện tượng này!

Không hiếm gia đình, tiền bạc trở thành “ngôn ngữ” giao tiếp duy nhất giữa cha mẹ và con cái hoặc là biện pháp gây ảnh hưởng của cha mẹ đến con cái. Ví như: “Nếu con được điểm cao, cha mẹ sẽ thưởng nhiều tiền”, hay “Nếu con không làm theo lời bố mẹ , thì sẽ không nhận được một đồng nào cả…”. Điều này sẽ gây ảnh hưởng đến tâm lý của con cái. Có những đứa trẻ phản ứng lại cách sống của bố mẹ và chuyển sang trạng thái đối nghịch và coi thường đồng tiền, sống không cần tiền và coi thường mọi thứ. Có những đứa trẻ lại tận dụng cơ hội này, coi thường nỗ lực của cha mẹ và tìm mọi cách để tiêu tiền của cha mẹ vì chúng nghĩ “cha mẹ kiếm tiền là vì con cái”.

Làm con nhà giàu có dễ không?

Thực tế thì làm con của những ông bố bà mẹ thành đạt và giàu có liệu có dễ dàng không? Câu trả lời chắc chắn là không. Áp lực từ cái bóng và tên tuổi của bố mẹ đè nặng lên chúng, buộc chúng phải chứng minh bản thân mình cho xứng đáng với cái bóng đó. Vậy là nhiều đứa trẻ rơi vào cái “bẫy vàng” của chính cha mẹ mình.

Cha mẹ cứ đổ tiền ra đầu tư cho con và hy vọng chúng sẽ đạt được xứng đáng với số tiền họ bỏ ra, nhưng lại không quan tâm đến năng lực, khả năng và sở thích của con. Đứa trẻ thường phải gồng mình hết mức, thậm chí, có khi cả đời phải thực hiện những điều mà bố mẹ chúng cho là thích hợp (nhưng có khi chỉ là sự huyễn hoặc) mà cuối cùng vẫn không ưng ý cha mẹ chúng. Lúc này đứa trẻ thường cảm thấy mình quá nhỏ bé và đầy khiếm khuyết so với những bậc phụ huynh giàu có và nổi tiếng của mình. Và chúng sẽ rơi vào trạng thái tâm lý hoặc là “phá hoại” hoặc là “thờ ơ”.

Chia sẻ