Nỗi đau tuyệt vọng vì không được phá thai

Theo Tầm Nhìn,
Chia sẻ

Được chẩn đoán thai vô sọ, chị Claudia Pizarro cầu khẩn được kết thúc thai kỳ để khỏi phải chịu đựng nỗi đau nhìn con chết dần, nhưng bị từ chối.

Trong căn nhà kho ở vùng ngoại ô Santiago, một phụ nữ bụng chửa vượt mặt nằm trên tấm nệm cỏ, mồ hôi nhễ nhại, máu vấy đầy phần dưới váy. Xung quanh chị được xếp đầy các nhánh cần tây.

Đây là cảnh kết trong một bộ phim mới "Apio Verde" - Cần tây xanh, vừa được công chiếu lần đầu ở Chile vào tháng 4, phản ánh việc dùng cần tây để phá thai ở nước này. Bộ phim dựng trên câu chuyện có thật của một phụ nữ 28 tuổi, chị Claudia pizarro, người đã bị từ chối cả việc phá thai và điều trị ung thư dù thai nhi được chẩn đoán vô sọ.

Theo Guardian, Chile là một trong 5 nước trên thế giới cấm hoàn toàn việc phá thai, bất kể vì lý do gì, dù là do bị hãm hiếp, thai nhi dị tật, hay tính mạng thai phụ có thể nguy hiểm vì chửa ngoài tử cung.

"Nhiều phụ nữ cảm thấy họ như những quan tài sống. Chúng tôi thay vì trang trí căn phòng đẹp để chào đón sự ra đời của con thì lại phải chuẩn bị đám tang đã được báo trước", chị Karen Espíndola nói trong nước mắt.

Nỗi đau tuyệt vọng vì không được phá thai
Chị Claudia Pizarro một người phụ nữ có thai dị tật nặng
bị khước từ yêu cầu phá thai. Ảnh: M24digital.com.

Cũng như Claudia Pizarro - sinh ra cô con gái chỉ sống được một giờ, chị Karen mang thai năm 2008 và biết rằng em bé của mình mắc căn bệnh vô phương cứu chữa. Chị đã xin được phá thai để khỏi phải chịu đựng nỗi đau nhìn đứa con chết dần, nhưng bị từ chối. Karen sinh con trai vào đầu năm 2009. Hai năm sau cậu bé qua đời. Từ đó, chị đã cố gắng vận động thay đổi điều luật về phá thai.

Tại Chile, trong 20 năm qua đã có hơn 15 dự luật liên quan đến phá thai được trình lên Quốc hội để thảo luận. Một nửa trong số này kêu gọi tăng cường các hình phạt hiện có. Trong tháng 4 vừa rồi, 3 dự luật nhằm hợp pháp hóa việc phá thai, bao gồm phá thai để chữa bệnh, đều bị từ chối, mặc dù theo kết quả một cuộc thăm dò do đại học Chile tiến hành thì có tới 63% dân nước này ủng hộ việc phá thai để cứu tính mạng người mẹ.

Kể cả khi Chile có nữ tổng thống đầu tiên, bà Michele Bachelet, tình hình cũng không thay đổi. Bà chỉ có thể hợp pháp hoá việc bán thuốc ngừa thai nhưng đành im lặng trước vấn đề nạo thai.

Theo một tổ chức y tế, phá thai lậu là nguyên nhân thứ ba dẫn tới tử vong mẹ ở Chile từ năm 2000 đến 2002, chiếm 12% tổng số ca sản phụ tử vong. Những người phụ nữ có đủ tiền thì chọn ra nước ngoài phá thai hoặc tới các bệnh viện tư với chi phí khoảng 1.800 USD. Số khác thì lén mua thuốc cho ra thai với giá gần 80 USD một viên.

Tuy nhiên, lựa chọn này cũng không dành cho tất cả phụ nữ. Chile, mặc dù được tung hô là đất nước phát triển nhất ở Mỹ Latin, nhưng lại được gọi là một xã hội bất công nhất trong số 38 thành viên của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế năm 2011. Nhiều phụ nữ đã buộc phải phá thai bằng các biện pháp giá rẻ và không an toàn như tự tra tấn mình, uống thuốc độc và đưa các vật sắc nhọn, như kim đan, vào âm đạo.

"Phá thai lậu ở Chile là vấn đề thuộc về bình đẳng và công bằng xã hội", bác sĩ Beatriz Sagaldo, Đại học Valparaíso đúc kết.

"Những phụ nữ phải đối mặt với nỗi đau là con của họ sinh ra bất thường, phải sống trong sợ hãi thay vì được hỗ trợ", một người phụ nữ nói. "Bác sĩ không giúp bạn, luật pháp chống lại bạn và nhiều người không có tiền để trả cho các dịch vụ an toàn", chị thổ lộ.

Với Claudia, Karen và nhiều người khác có cùng hoàn cảnh thì "trải nghiệm phải chờ đợi cái chết được báo trước của đứa con là không bao giờ xóa được". Và bất kỳ thay đổi pháp luật nào, đều là quá muộn với họ. Dù vậy họ vẫn đấu tranh, hy vọng sẽ giúp cho những người phụ nữ khác không phải rơi vào tình cảnh như mình.
Chia sẻ