Nói chuyện bằng "nắm đấm"

Hương Nguyễn,
Chia sẻ

“Bi ơi đừng lấy đồ chơi của anh con, không anh lại uýnh cho bây giờ”, mẹ Bi vừa kịp hét lên như vậy và vội lao đến giằng đồ chơi của anh Bốp ra khỏi tay Bi, nhưng không kịp. Anh Bốp đã kịp đập bốp một phát vào đầu em đau điếng khiến Bi khóc hét lên chạy ra với mẹ.

"Côn đồ" từ nhỏ
 
“Bi ơi đừng lấy đồ chơi của anh con, không anh lại uýnh cho bây giờ”, mẹ Bi vừa kịp hét lên như vậy và vội lao đến giằng đồ chơi của anh Bốp ra khỏi tay Bi, nhưng không kịp. Anh Bốp đã kịp đập bốp một phát vào đầu em đau điếng khiến Bi khóc hét lên chạy ra với mẹ. Chưa hết, thấy Bi vẫn cầm đồ chơi của mình mà chạy thì ngay lập tức Bốp đuổi theo và đẩy em một cái khiến em ngã dúi xuống nền nhà. Cảnh diễn ra hệt như trong “phim chưởng” trên tivi, nhưng lại là chuyện diễn ra thường ngày ở nhà Bi Bốp. Bốp năm nay hơn 2 tuổi, còn Bi mới hơn 1 tuổi, Bi là con nhà cô của Bốp, nhưng vì nhà gần nên 2 đứa thường chơi với nhau. Anh Bốp tuy lớn hơn nhưng lại chẳng bao giờ biết nhường em, cứ “lơ mơ” là anh “tẩn” luôn, chẳng cần biết em bé đến đâu. Bố mẹ Bốp rất đau đầu vì cái tính “đầu gấu” của con, nhưng phạt con nhiều lần rồi mà cũng không thấy con ngoan hơn.
 
Hôm nay bé Xêkô lại đánh bạn đấy, cô giáo phải phạt bạn Xêkô đứng vào góc lớp”, cô giáo nói vậy khi mẹ đến đón Xêkô. Mẹ Xêkô hỏi cô giáo xem tại sao con đánh bạn thì được biết do bạn chẳng mai giẫm vào tay Xêkô khi Xêkô đang ngồi, thế là Xêkô đẩy bạn ngã và cắn vào chân bạn. Khi cô giáo kéo Xêkô ra, Xêkô còn đánh cả cô giáo. Mẹ Xêkô ngượng chín mặt vì con nhưng vẫn phải xin lỗi cô giáo và gửi lời xin lỗi đến bạn kia. Về nhà, mẹ phạt Xêkô vì tội đánh bạn nhưng bố Xêkô bênh con lại bảo: “Giẫm vào tay bạn không xin lỗi thì bị đánh là đúng rồi còn gì, con trai nhỉ, có thế thì sau này con bố mới không bị ai bắt nạt chứ”. Mẹ Xêkô lắc đầu ngán ngẩm vì cái cách dạy con của bố Xêkô.
 
Ở giai đoạn dưới 2 tuổi, có thể nói trẻ chưa thể hoàn thiện việc điều khiển hành vi. Ảnh minh họa.
 
Mickey được 15 tháng tuổi. Vì nhỏ tuổi nhất nên Mickey được ông bà, bố mẹ cưng chiều nhất nhà, nhất là khi cả nhà Mickey có 5, 6 đứa trẻ con thì có mỗi Mickey là con gái. Bù lại, Mickey rất ương bướng, ai kêu Mickey cũng không thưa, lại còn hay đánh lại mỗi khi không vừa lòng, bị người lớn quát là bé la hét um sùm, mẹ có đánh vào tay là thế nào bé cũng vùng vằng đánh lại bằng được mới thôi, nếu không là lăn đùng ra giẫy đành đạch ăn vạ, đến khi nào mẹ cho bé đánh chán rồi thì mới chịu nín.

Xử trí khi con bộc lộ tính "côn đồ"
 
Đó chỉ là một vài ví dụ về tính hung hăng của trẻ ở độ tuổi dưới 5. Mặc dù vẫn biết rằng, sự hung hăng ở trẻ tập đi và trẻ 2 tuổi là giai đoạn phát triển hết sức bình thường nhưng không ít bậc cha mẹ tỏ ra lo lắng khi con mình có biểu hiện hung hăng quá mức. Và có hai xu hướng mà các cha mẹ lựa chọn để giải quyết vấn đề này của con, đó là dùng roi vọt và nói chuyện với con.

Ông cha ta vẫn bảo: “Yêu cho roi cho vọt”, nhưng đến ngày nay, cách này có vẻ như không còn hiệu quả cho lắm. Rất nhiều sách về nuôi dạy con cũng cho thấy rằng việc dạy con trẻ bằng đòn roi là rất nguy hại và kém hiệu quả. Khi cha mẹ quen đánh con rồi, bản thân cha mẹ cũng khó kiểm soát được mình khi vung tay đánh con. Con bị đánh có thể “ngoan” ngay lúc ấy, nhưng về sau, trẻ có thể quen dần với việc bị đánh và trở nên “lì đòn”, và kết quả là bố mẹ phải đánh nhiều hơn… Hơn thế, đứa trẻ quen tiếp xúc với đòn roi, bạo lực từ nhỏ rất có thể sẽ biết dùng bạo lực với người khác khi không vừa ý.
 
Đứa trẻ quen tiếp xúc với đòn roi, bạo lực từ nhỏ rất có thể sẽ biết dùng bạo lực với người khác khi không vừa ý. Ảnh minh họa.

Ngày nay, nhiều bậc cha mẹ chuộng cách nói chuyện với con hơn. Con còn nhỏ, tuy chưa hiểu được lời của cha mẹ nhiều, nhưng vẫn có thể hiểu được thái độ của cha mẹ. Ở giai đoạn dưới 2 tuổi, có thể nói trẻ chưa thể hoàn thiện việc điều khiển hành vi, chưa biết cách biểu lộ cảm xúc của mình và chưa phân biệt được đúng sai. Việc bé tỏ thái độ hung hăng và cáu bẳn chỉ là vì muốn thể hiện sự không hài lòng của mình chứ không hề biết là không nên làm vậy. Những lúc như vậy, cha mẹ phải nhìn thẳng vào mắt bé một cách nghiêm khắc để sao cho bé hiểu rằng, hành động này là không tốt, và nếu cần nói thì hãy nói thật đơn giản để bé hiểu.

Cha mẹ cũng cần xác định rằng, việc nói chuyện với con sẽ phải mất nhiều lần chứ không phải một hai lần là bé hiểu ra. Cha mẹ cần kiên nhẫn, biết kiềm chế cơn giận của mình và cần là tấm gương cho con thì mới mong có thể “nói chuyện” hiệu quả với con. Đừng bao giờ khuyến khích việc con dùng nấm đấm để "nói chuyện" với bạn.
Chia sẻ