Những vụ trẻ em tự tử khiến người lớn "chết đứng"

Bạch Dương (Tổng hợp),
Chia sẻ

Chỉ vì mâu thuẫn gia đình, hay giận bạn trai, hoặc bị cô giáo mắng, những cô cậu học trò đang tuổi ăn tuổi chơi "đùng đùng" tự tử, bỏ lại nỗi bàng hoàng đau xót cho gia đình, người thân, bạn bè.

Tự tử vì mâu thuẫn gia đình

Khoảng 19h ngày 4-5, em Phan Thị  X trú tại xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đang đi cùng một người bạn, đến giữa cầu Thạch Sơn thì Xuân bảo dừng lại có việc. Sau đó X. gọi cho một người quen nhờ chở chị gái lên. Lúc chị gái vừa lên tới chân cầu thì bất ngờ X. trèo lên lan can cầy và gieo mình xuống sông. Người bạn đứng cạnh nhanh chóng đưa tay giữ lại thì bị X. cắn vào tay, nên phải buông tay.

Những vụ trẻ em tự tử khiến người lớn
Hàng trăm người dân tập trung tại hiện trường xảy ra sự việc em X. tự tử

Dù ngay lập tức các bạn của em X hô hoán người dân xung quanh ứng cứu, nhưng mọi việc đã quá muộn. Chính quyền địa phương và gia đình lập tức thuê thuyền ngư dân và thợ lặn tìm kiếm, đến 9h sáng 5/5, thi thể em X mới được tìm thấy.

X. hiện đang là học sinh lớp 9 của một trường THCS trên địa bàn. Theo một số nguồn tin thì nguyên nhân dẫn đến sự việc đau lòng trên là do mâu thuẫn từ phía gia đình. Được biết, trước đây X. đã từng tự tử hai lần bằng thuốc sâu nhưng được gia đình cứu chữa kịp thời.

Trước đó, em Huỳnh Thị Ngọc Trinh (SN 2002, ngụ ấp 9, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy), hiện là học sinh lớp 5A3 Trường tiểu học thị trấn Nàng Mau 1 chỉ vì bị mẹ la mắng, cũng đã nhảy sông tự tử, để lại thư tuyệt mệnh. Kết quả khám nghiệm tử thi xác định bé Trinh tử vong do ngạt nước.

Người nhà của em cho biết vào 16g30 chiều 8/4, gia đình đến trường đón Trinh tan học nhưng không gặp. Hốt hoảng, cả nhà tỏa đi tìm kiếm khắp nơi và báo cơ quan công an, sáng ngày 9/4 thì nhận được tin báo con mình đã chết.

 Những vụ trẻ em tự tử khiến người lớn
Bức thư tuyệt mệnh của bé Trinh

Cũng theo người nhà em này, ba ngày trước khi gặp nạn, Trinh có bị mẹ la và đánh vì không làm bài tập. Ngoài ra, tại bàn học của học sinh này ở trường, cơ quan điều tra thu được một lá thư được cho là của em này viết với nội dung muốn đi xa.

Bị mắng, nam sinh nhảy lầu tự tử ngay trước mặt cô giáo

9h sáng ngày 28/3, tại Trường THCS Thịnh Quang (Hà Nội), một học sinh do không chịu đựng nổi những lời mạt sát của cô giáo chủ nhiệm đã đột ngột nhảy ra khỏi cửa sổ từ tầng hai lớp học để tự tử! Đó là em Nguyễn Tùng Linh, học sinh lớp 8A2 trường THCS Thịnh Quang.

Những vụ trẻ em tự tử khiến người lớn
Nguyễn Tùng Linh tự tử vì bị cô giáo mắng

Chị Trần Tuyết Nhung, mẹ của Tùng Linh vẫn chưa hết thảng thốt khi kể lại về buổi sáng hôm ấy: "Khoảng 8h30, tôi nhận được giấy mời của cô Lê Kim Nhung (giáo viên dạy tiếng Anh và là chủ nhiệm lớp 8A2 của Linh) yêu cầu đến trường ngay. Thấy tôi, cô quát rất to: "Lên đây, lên đây mà nghe tội con đây này. Cầm cặp sách của con về, đưa con về ngay". Tôi rất xấu hổ với các bạn của cháu Linh vì tôi là trưởng ban phụ huynh của lớp, nhưng cố nhịn vì nghĩ rằng con mình có lỗi. Cháu Linh thanh minh là không phải cháu mang rượu đến lớp nhưng cô vẫn quát con tôi: "Anh im mồm đi, câm mồm đi, tôi không nghe anh nói nữa. Anh nói như một thằng điên. Tôi không nhận anh là học sinh tôi nữa, tôi không có học sinh như vậy". Bỗng nhiên cháu Linh cởi dây chuyền và nhẫn đưa cho bạn lớp trưởng ngồi ở cuối lớp, rồi chạy ra khỏi lớp nhảy từ cửa sổ tầng hai xuống... nằm sóng soài trên sân trường. May mắn có các bạn cháu nhanh chóng đưa Linh vào bệnh viện Saint-Paul.

Ở một trường hợp khác, vào ngày 5/3, một nữ sinh đã nhảy cầu Cửa Sót ở Hà Tĩnh tự tử vì bị thầy giáo mắng.

Một số người dân sống gần cầu Cửa Sót cho biết, thấy nữ sinh này đứng thẫn thờ trên cầu một lúc rồi gieo mình xuống sông tự vẫn. Sau một đêm lặn tìm, thi thể nữ sinh đã được đưa lên bờ.

Sự việc trên xảy ra vào tối ngày 5/3 tại Cầu Cửa Sót, nối giữa hai xã Thạch Đỉnh, huyện Thạch Hà và xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà của tỉnh Hà Tĩnh. Nạn nhân là em Phạm Thị Huyền Lương (SN 1997), trú tại xã Thạch Bàn, huyện Thạch Hà, hiện đang là học sinh lớp 11 trường THPT Nguyễn Trung Thiên.

Vào thời gian trên, người dân xung quanh cầu thấy một cô gái đứng trên cầu một lúc rồi gieo mình xuống sông tự vẫn. Ngay lập tức họ đến cứu vớt nhưng không tìm thấy, danh tính nạn nhân được xác định là em Lương.

Khi gia đình và chính quyền nhận được tin báo liền đến tìm kiếm nạn nhân nhưng mãi đến gần sáng thì mới phát hiện thi thể nữ sinh này trôi cách cầu Cửa Sót khoảng 2km.

Những vụ trẻ em tự tử khiến người lớn
Cây cầu nơi xảy ra sự việc nữ sinh nhảy cầu Cửa Sót. Người dân hiếu kỳ tập trung trên cầu xem vụ tự tử.


Sáng 6/3, rất nhiều người dân hiếu kỳ tập trung trên cầu để xem vụ việc. Một số bạn bè của nạn nhân cho biết, trước lúc xảy ra sự việc, Lương bị thầy giáo chủ nhiệm la mắng vì để làm mất một số ghế của lớp (chìa khóa phòng do Lương giữ).

Trước khi đi tự tử Lương có nhắn tin cho một người bạn và nói nếu có chuyện gì xảy ra với mình thì nói với các bạn trong lớp đừng buồn. Được biết nữ sinh Lương là một học sinh ngoan hiền, 11 năm đều là học sinh giỏi, nhiều lần đạt học sinh giỏi cấp tỉnh.

Tự tử vì... thất tình

Chiều ngày 5/5, gia đình, người thân và thầy cô, bạn bè Trường trung học cơ sở Danh Thị Tươi (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) đã đưa em Phùng Thế Hùng (13 tuổi, học sinh lớp 8 của trường) về nghĩa trang huyện nhà an táng.

Chiều tối ngày 4/5, tại nhà của Hùng, người thân bàng hoàng khi phát hiện em treo cổ chết cạnh bàn học của mình. Sự việc nhanh chóng được trình báo công an địa phương và cơ quan điều tra công an huyện Trần Văn Thời đã tiến hành khám nghiệm hiện trường, giám định tử thi để điều tra làm rõ nguyên nhân tử vong của nam sinh này.

Trong quá trình điều tra, công an và gia đình đã phát hiện trong quyển nhật ký của em Hùng ghi lại những nội dung than buồn về chuyện tình cảm, yêu đương sớm và thất tình.

Trước đó, vào khoảng tháng 4/2012, một vụ tự tử đau lòng khác cũng xảy ra. Một cậu học sinh lớp 8 đã tìm đến cái chết đề chứng minh cho... tình yêu chân thành của mình. Ai nghe qua cũng khó tin nhưng đó là câu chuyện bi thương có thật của 1 đôi lứa học trò, ở tuổi ăn chưa no, lo chưa tới... cũng là bài học cảnh tỉnh cho nhiều bậc làm cha, làm mẹ trước những biến đổi tâm sinh lý của con mình - ở độ tuổi có nhiều sự thay đổi đáng ngờ.

Hai "nhân vật" chính của câu chuyện tình đầy lãng mạn nhưng lại có một kết cục đau thương là "anh chàng" Đ.C.H (học sinh lớp 8, trường THCS NCT, xã Diên Phú, Pleiku) và "cô nàng" tên T (học cùng trường và học dưới H một lớp).

Chuyện là sau gần 2 năm yêu nhau, từ tình cảm "con nít", cùng nhau phấn đấu học hành, hai đứa trẻ bắt đầu quan tâm chăm sóc như "vợ chồng". Tuy nhiên, đến một ngày "người chồng" nghi ngờ “vợ”' có bạn trai khác nên nổi lòng ghen tuông. Để chứng minh một tình yêu mãnh liệt, bất diệt và chân thành, cậu học trò lớp 8 đã treo cổ tự vẫn.

Trước khi "ra đi" để minh chứng cho tình yêu của mình, "chàng trai" đã gửi cho cha chiếc điện thoại mà gia đình mua cho. Người cha mở chiếc điện thoại ra thì thấy con viết dòng tin nhắn: "Con không ở với cha mẹ nữa, con phải ra đi...". Lúc này cha H rất ngạc nhiên về thái độ của con có những biểu hiện khác lạ nhưng nghĩ rằng chắc đang giận bạn bè và đúng lúc đang có việc bận trên xã nên ông vội đi làm.

Những vụ trẻ em tự tử khiến người lớn
Sự ra đi của H. đã làm cho gia đình đau đớn và nhiều người bàng hoàng lo lắng trước việc yêu đương quá sớm của các em học sinh

Lúc này cả nhà không còn ai, H ra nhà tắm dùng dây treo cổ tự vẫn. Hơn 1 giờ sau, mẹ và anh trai H về nhà, gọi cửa mãi mà vẫn không thấy ai ra mở cổng. Nghĩ có chuyện chẳng lành, họ đã phá hàng rào để vào. Lúc đi ra phía sau nhà, người anh hoảng hốt khi phát hiện em mình đang treo lơ lửng ở cửa nhà tắm liền kêu cứu. Khi mọi người đưa H xuống thì đã quá muộn, cậu học trò lớp 8 đã tử vong. Cố công tìm hiểu nguyên nhân cái chết bất thường của người con trai út vốn ngoan ngoãn hiền lành thì gia đình phát hiện trong hộc bàn học của H có hai lá thư tình mà H gửi cho T với những lời xưng hô ngọt ngào: "vợ yêu" - "chồng yêu".

Vì sao tuổi dậy thì lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ tự tử?

Liên tiếp những vụ tự tử của học sinh trong thời gian gần đây đã gây choáng váng cho người thân và bạn bè. Sự ra đi đột ngột của các em đến ngay cả người thân cũng không thể hiểu nổi vì sao các em lại từ giã cuộc đời chỉ vì những lí do nhỏ nhặt như thế. Cách tự tử của các em cũng rất quyết liệt, khả năng tự tử thành công cao và nếu có sống sót cũng để lại di chứng lâu dài.

Các nghiên cứu tâm lý cho biết có khoảng 15-20% trẻ em nhạy cảm hơn mức cần thiết (trung bình) so với các bạn cùng lứa. Đa số các em hay có suy nghĩ quan trọng hóa vấn đề (nhất là khi bị người lớn đe dọa, trách mắng), dễ xúc động và hay tủi thân. Điều đó sẽ trở nên rất nguy hiểm khi trẻ gặp chuyện và phải tự giải quyết đơn thân một mình (không dám cho người lớn biết). Trẻ tự tử tìm đến cái chết khi gặp vấn đề (dù là nhỏ nhặt, không đáng có) ở trường lớp như trên đa số đều xuất phát từ điều này mà ra. Lúc này, các em sẽ thấy tổn thương (khi bị trách mắng oan ức) – thậm chí hoảng loạn tinh thần (bị đe dọa, đánh mắng) và việc chọn cho mình một kết thúc buồn như hiện nay là điều dễ dàng xảy ra.

Theo điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam lần thứ 2, do Bộ Y tế, Tổng cục Thống kê, WHO, Unicef tổ chức năm 2010, điều tra trên 10.000 thanh thiếu niên, thực hiện tại 63 tỉnh thành, thì có tới 409 người (4,1%) có ý định tự tử, cao gấp 2 lần so với 5 năm trước. Trong 409 người, có 102 người (25%) đã tìm cách tự tử. 32,6% trong số đã thực hiện hành vi tự tử, đã cố gắng tự tử trong 12 tháng.

Rất nhiều nhà tâm lý, bác sĩ tâm thần đều chung một nhận định, lứa tuổi dậy thì, từ 13-16, hành vi tự tử thường diễn ra bộc phát và rất nhanh, do nhiều yếu tố “bất thường” ở giai đoạn này.

Song, một lý do quan trọng hơn chính là thời điểm này, trẻ đang học và thích trở thành người lớn. Đây là độ tuổi được nhận định là trẻ dễ rơi vào khủng hoảng tâm lý lứa tuổi, là một tất yếu trong giai đoạn chuyển tiếp của các em.

"Ở lứa tuổi 14, 15, các em hay bị tổn thương do nhân cách đang hình thành và sức chịu đựng chưa tốt bằng người đã trưởng thành. Sai lầm lớn nhất ở một số bậc phụ huynh và ở một số thầy cô giáo là sự chì chiết các em. Đó chính là sự "khủng bố" tinh thần các em, và hậu quả là những phản ứng tiêu cực không kiểm soát được. Cùng với các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo cũng phải hiểu được tâm sinh lý của học sinh ở độ tuổi này để dẫn dắt các em trở thành những công dân có ích cho xã hội. Không nên đem những căng thẳng ngoài nhà trường để trút lên đầu học sinh. Nhiếc móc học sinh hoàn toàn không phải là biện pháp sư phạm đúng". PGS-TS Nguyễn Viết Thiêm (Chủ tịch Hội Tâm thần học Việt Nam)

Chia sẻ